Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung sức tuyên truyền pháp luật

10:06, 09/06/2017

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và các chi nhánh đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 115 vụ việc, trong đó số vụ việc các đơn vị tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng chỉ đạt 35/117 vụ việc theo kế hoạch năm.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và các chi nhánh đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 115 vụ việc, trong đó số vụ việc các đơn vị tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng chỉ đạt 35/117 vụ việc theo kế hoạch năm.

Cán bộ trợ giúp pháp lý phát tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo luật quy định ở  xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch).
Cán bộ trợ giúp pháp lý phát tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo luật quy định ở xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch).

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, cho rằng hơn 6 tháng còn lại toàn đơn vị phải “chạy nước rút” mới hoàn thành kế hoạch năm 2017.

* Làm nhiều, ghi công ít

Ông Lê Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận các trợ giúp viên phải chủ động phối hợp, nỗ lực tìm kiếm đối tượng, trách nhiệm và tận tụy với nhiệm vụ để khẳng định thương hiệu thì người được trợ giúp pháp lý miễn phí mới thật sự tin tưởng mà tìm đến.

Thời gian qua, các đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý (gồm: người nghèo, tàn tật, neo đơn, đồng bào dân tộc thiểu số…) tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh trên địa bàn các huyện đề nghị được hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thắc mắc về pháp luật trên 1 ngàn lượt người. Trong số đó, chỉ có 115 lượt đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo luật.

Theo Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp lý TX.Long Khánh Lê Mai, khi đối tượng có nhu cầu trợ giúp pháp lý tìm đến chi nhánh đề nghị được trợ giúp pháp lý thì trợ giúp viên phải tiếp và hỗ trợ tận tình cho họ. Tuy nhiên, theo quy định của Cục Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp, đối tượng được trợ giúp pháp lý theo luật quy định có nhu cầu trợ giúp pháp lý thì trợ giúp viên mới ghi vào sổ theo dõi, báo cáo.

Riêng đối tượng nằm ngoài Luật Trợ giúp pháp lý điều chỉnh, trợ giúp viên thực hiện hỗ trợ cho họ rất nhiều nhưng không được ghi vào sổ theo dõi để đánh giá chỉ tiêu thực hiện vụ việc, hoàn thành nhiệm vụ quý, năm. Dù trong thực tế, trợ giúp viên đã trợ giúp pháp lý cho người dân rất nhiều, nhưng theo quy định chỉ được xem đó là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị phải thực hiện, hỗ trợ người dân, chính quyền trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.

Trưởng chi nhánh trợ giúp pháp lý huyện Thống Nhất Hồ Thị Xuân Chi bày tỏ thời gian qua trợ giúp viên các chi nhánh hỗ trợ các địa phương rất nhiều trong việc đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống và điều này đã được các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, do quy định quá khắt khe của ngành trợ giúp pháp lý nhà nước và Luật Trợ giúp pháp lý nên các trợ giúp viên rất khó hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch ngành giao.

Trong 115 vụ việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng theo Luật Trợ giúp pháp lý trong 6 tháng đầu năm, trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh chỉ trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, ngoài tố tụng được 35 vụ việc. Tỷ lệ này rất thấp so với chỉ tiêu của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp giao là 117 vụ việc trong năm 2017. Vì vậy, 6 tháng còn lại, các trợ giúp viên phải “chạy nước rút” để hoàn thành chỉ tiêu năm. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đơn vị, việc trợ giúp viên nỗ lực một mình hiệu quả sẽ thấp hơn nếu không có sự hỗ trợ từ chính quyền, các cơ quan tố tụng.

* Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Các địa phương ở Đồng Nai đang hướng tới đích nông thôn mới nên đối tượng thuộc diện nghèo, đối tượng trợ giúp pháp lý theo luật không còn nhiều như trước. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế phát triển, nhận thức pháp luật của dân cao và đội ngũ luật gia, luật sư trên địa bàn tỉnh khá hùng hậu nên hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí được xã hội chú trọng, quan tâm. Vì vậy, đối tượng được trợ giúp pháp lý theo luật có nhiều cơ hội để yêu cầu đơn vị, tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí trong tỉnh trợ giúp pháp lý miễn phí cho mình, không nhất thiết phải đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh.

Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng của tỉnh, chỉ rõ nguyên nhân việc trợ giúp viên hỗ trợ đối tượng được trợ giúp pháp lý theo luật trong hoạt động tố tụng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế là lỗi do chủ quan. “Công tác truyền thông của các đơn vị được giao làm nhiệm vụ này chưa đi sâu, rộng rãi đến với các đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý nhà nước. Sự phối hợp và hỗ trợ qua lại giữa các đơn vị chưa thật sự kịp thời và cả hạn chế do trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của từng trợ giúp viên” - ông Tiến nhấn mạnh.

Để hạn chế nguyên nhân này, theo ông Lê Quang Vinh, cần sự hỗ trợ của các cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) trong việc giới thiệu đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các chi nhánh.

Cũng theo ông Vinh, những hạn chế về mặt chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến chỉ tiêu, thành tích công tác của các trợ giúp viên đang dần được khắc phục. Dù rất cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của các trợ giúp viên trong thực tế, nhưng quan điểm và quy định của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã ban hành thì mọi người phải chạy nước rút, tự khẳng định trách nhiệm, uy tín của mình để hoàn thành niệm vụ.

“Mọi người dân chủ bàn giải pháp, chỉ ra nguyên nhân tồn tại để khắc phục là rất quý, nhưng chỉ tiêu, nhiệm vụ đã giao cụ thể ngay từ đầu năm thì phải bằng mọi giá, quyết tâm hoàn thành” - ông Vinh nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều