Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiện đòi đất, tòa lại xử chia tiền

10:10, 19/10/2016

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Cửu vừa ra kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế mà Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vĩnh Cửu đã mở phiên tòa xét xử ngày 28-9 vì xét thấy bản án có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Cửu vừa ra kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế mà Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vĩnh Cửu đã mở phiên tòa xét xử ngày 28-9 vì xét thấy bản án có nhiều vấn đề chưa thỏa đáng.

* Nguyên đơn kiện đòi đất…

Theo nội dung khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Văn Quốc và Nguyễn Văn Cang, đều ngụ phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), khi qua đời, cha mẹ các ông là Nguyễn Văn Tôm và Trương Thị Thôi để lại một số tài sản nhưng không làm di chúc. Trong số tài sản này, có một mảnh đất rộng hơn 5 ngàn m2 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ số 13 ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). Vì tin tưởng chị gái là bà N.T.K.C. (ngụ phường Bửu Long), anh em các ông đã ký giấy giao tài sản cho bà C. quản lý. Được một thời gian, bà C. tuyên bố tài sản cha mẹ để lại là tài sản riêng của bà. Từ đây, bà C. tự ý quản lý, sử dụng đất bằng việc trồng cây, làm hàng rào quanh đất, xây cổng, sửa nhà lầu, nhà chùa… mà không hỏi ý kiến của các đồng thừa kế. Bức xúc trước việc chị gái muốn lấy hết tài sản thừa kế, các ông Quốc và Cang đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu yêu cầu phân chia tài sản thừa kế.

Được biết, bà Thôi (mất năm 1998) và ông Tôm (mất năm 1999) có 6 người con chung. Trước khi kết hôn, ông Tôm có 2 người con riêng, bà Thôi cũng có 1 người con riêng. Trên mảnh đất hơn 5 ngàn m2 ở xã Bình Hòa có 1 ngôi chùa, 1 căn nhà lầu, 1 chuông chùa, 1 giếng nước, hàng rào, vườn cây ăn trái... Từ năm 1976, ông Tôm và bà Thôi đã đưa nhau ra tòa ly hôn và bản án giải quyết vụ ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh ngày 4-12-1976 đã chia tách tài sản này theo tỷ lệ: ông Tôm được 1/3 diện tích đất và ngôi chùa, còn bà Thôi được 2/3 diện tích đất và nhà lầu.

* …Tòa lại xử chia tiền

Sau khi nghe các đương sự (nguyên đơn, bị đơn và những người có liên quan) trình bày, kết hợp với hồ sơ, chứng cứ thu thập được, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã ra bản án với nhiều nội dung, trong đó thể hiện việc phân chia tài sản là tạm giao cho bà C. quản lý, sử dụng toàn bộ di sản cha mẹ để lại và bà C. có trách nhiệm thanh toán giá trị bằng tiền cho các đồng thừa kế (người ít nhất hơn 77,5 triệu đồng, người nhiều nhất hơn 257 triệu đồng).

Đáng chú ý, ngay từ đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa, các đồng thừa kế đều yêu cầu tòa chia đất và các hiện vật cho họ, nhưng được cho rằng không thể chia đất vì: “Phần đất không thể hiện bằng bản vẽ cụ thể phần nào chia cho ông Tôm, phần nào chia cho bà Thôi… Chia bằng hiện vật thì đường đi vào đất không thuận tiện…, không đảm bảo được giá trị sử dụng cho miếng đất”. Do đó, tòa thẩm định giá trị các loại tài sản thừa kế để chia tiền cho các bên.

Theo Viện Kiểm sát, tòa nhận định như thế là không có căn cứ vì phần đất và tài sản của ông Tôm, bà Thôi đã được Phòng Thi hành án tổ chức thực hiện vào ngày 7-12-1997. Điều này có nghĩa đã xác định được phần đất và di sản của riêng bà Thôi, ông Tôm và buộc phải chia đất cho các bên thừa kế.

Ngoài ra, bản án còn tuyên một số vấn đề bất hợp lý khác. Cụ thể, bản án sơ thẩm xác định, theo định giá tài sản thì di sản bà Thôi có hơn 3,3 ngàn m2 đất, một ngôi nhà lầu với tổng giá trị gần 1,37 tỷ đồng. Di sản của ông Tôm có gần 1,7 ngàn m2 đất, 1 ngôi chùa, 1 chuông chùa với tổng trị giá hơn 750 triệu đồng. Trong quá trình quản lý tài sản, bà C. đã bỏ tiền xây thêm cổng, tường rào, hàng rào, nền xi măng, giếng…, nhưng tòa sơ thẩm cho rằng những tài sản này nằm trong di sản thừa kế là không chính xác. Số tài sản này đáng ra phải được tính vào phần cho bà C. được hưởng.

Cũng theo Viện Kiểm sát, phần tài sản của bà Thôi phải được chia làm 7 phần (6 con chung, 1 con riêng) cho các đồng thừa kế thì tòa sơ thẩm lại chia thành 8 phần (dư 1 phần). Phần di sản của ông Tôm đúng ra phải được chia thành 8 phần (6 con chung, 2 con riêng), tòa lại chia ra 9 phần. Việc tính sai giá trị di sản các đồng thừa kế được hưởng kéo theo việc án phí các đồng thừa kế phải chịu cũng sai. Mặt khác, việc chia chiếc chuông đồng là tài sản dùng vào việc thờ cúng mang giá trị tâm linh là trái với thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt, bản án sơ thẩm chỉ tuyên tạm giao cho bà C. được quyền quản lý, sử dụng di sản của cha mẹ để lại, nhưng lại buộc bà C. có trách nhiệm thanh toán lại giá trị bằng tiền cho các đồng thừa kế là vi phạm nghiêm trọng đường lối giải quyết vụ án.

Với những điều bất hợp lý nêu trên, Viện Kiểm sát đã kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu; đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa cách tuyên, sửa án phí đối với bản án sơ thẩm do có vi phạm nghiêm trọng về thu thập chứng cứ và đường lối giải quyết vụ án.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều