Báo Đồng Nai điện tử
En

Toàn văn bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn PHÙNG ĐỨC TIẾN

07:12, 04/12/2019

(ĐN)- Chiều ngày 4-12, tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra Lễ công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2019 và tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2010-2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn PHÙNG ĐỨC TIẾN đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này

(ĐN)- Chiều ngày 4-12, tại Trung tâm Hội nghị và Tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra Lễ công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2019 và tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2010-2020. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn PHÙNG ĐỨC TIẾN đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Nai,

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai,

Thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Lễ công bố tỉnh Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 và tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, đón nhận Huân chương Độc lập hạng III – Phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng cho tỉnh Đồng Nai có thành tích đặc biệt xuất sắc trong tổng kết Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, tôi xin gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đồng Nai lời chúc sức khỏe và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Thưa các đồng chí,

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn nhận được sự quan tâm hàng đầu của Đảng xuyên suốt các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cả lý luận và thực tiễn, Đảng ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, vì vậy, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, đã được nhân dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực. Thực hiện Nghị quyết số 26, ngay từ tháng 4 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, và từ tháng 6 năm 2010, chính thức phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 –2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để vận động, huy động các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Kế thừa các kết quả đạt được của giai đoạn 1 (2010-2015), năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương rà soát, đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 để khắc phục căn bản các hạn chế của giai đoạn 1 và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và gần 09 năm năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay, góp sức của nhân dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Đến hết tháng 11/2019, cả nước đã có 4.806 xã (chiếm 54% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, có 111 đơn vị cấp huyện thuộc 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 16,7% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân toàn quốc đạt 15,66 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ), trong đó tỉnh Nam Định và Đồng Nai đã có cả 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Sau hơn 09 năm triển khai Chương trình, cả nước đã huy động được hơn 2,41 triệu tỷ đồng (tương đương với khoảng 110 tỷ USD), bình quân mỗi năm gần 12 tỷ USD. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên khắp mọi miền cả nước đã được nâng cấp và hoàn thiện từng bước hiện đại hoá (điển hình về giao thông nông thông trong 09 năm đã làm mới và nâng cấp được 206 nghìn km đường). Kinh tế nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn đến năm 2018 đạt bình quân 35,9 triệu đ/người; giảm khoảng cách về thu nhập giữa người dân đô thị và người dân nông thôn từ 2,1 lần năm 2010 xuống còn 1,85 lần năm 2018.

Như vậy, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã vượt tất cả các mục tiêu trước gần 02 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và yêu cầu của Quốc hội. Và đây chính là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ngày 19/10/2019 tại tỉnh Nam Định (sớm hơn 01 năm so với kế hoạch). Các thành tựu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ khẳng định là: To lớn, Toàn diện và Lịch sử. Và như vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, đồng thời xem xét ban hành Bộ tiêu chí về nông thôn mới cho giai đoạn tới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Thưa các đồng chí,

Đối với tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù là tỉnh công nghiệp với tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế rất thấp (chỉ còn 5%), nhưng Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, luôn chủ động, sáng tạo ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch hành động, có cơ chế, chính sách đột phá, chỉ đạo đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực xã hội và sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong gần 09 năm qua, cả tỉnh Đồng Nai đã huy động được 376,9 nghìn tỷ (bình quân 2.834 tỷ đồng/xã, cao nhất cả nước); trong đó ngân sách nhà nước các cấp là 41,9 nghìn tỷ (bình quân 315 tỷ đồng/xã cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước 35 tỷ đ/xã). Với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả vượt bậc, làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục,… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững, trong đó, đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tiêu biểu trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông – lâm - thuỷ sản là 3,67%/năm trong giai đoạn 2010-2018, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt 228,8 triệu đ/ha/năm. Là tỉnh công nghiệp, nhưng Đồng Nai đứng đầu cả nước về nhiều nhóm nông sản, như chăn nuôi lợn, nuôi gà, cây xoài, tiêu, sầu riêng, bưởi…. Đồng Nai cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ KHCT, công nghiệp tưới tiên tiết, tiết kiệm nước bón phân qua đường ống cho diện tích 46 nghìn ha, chiếm 33% tổng diện tích có nhu cầu áp dụng trên địa bàn tỉnh.  Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng nhanh và đạt 51,61 triệu đ/người/năm trong năm 2018 (tăng 2,78 lần so với năm 2010) và ước đạt 55,6 triệu đồng/người năm 2019, đưa Đồng Nai trở thành một trong 05 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó có nhiều huyện chỉ còn dưới 0,1% hộ nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Sự nghiêp phát triển giáo dục, y tế, văn hoá vùng nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét; tỉnh Đồng Nai có nhiều mô hình thành công về xã hội hoá các khu vui chơi – thể thao cấp xã, thôn/bản. Đồng Nai cũng ưu tiên và huy động nhiều nguồn lực cho bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Đến nay 100% các xã có tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 98% (cao nhất cả nước). Tỉnh Đồng Nai đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy xử lý rác thải tập trung (như tại huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Trảng Bom…). Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, xuất hiện 42 mô hình tự quản về an ninh trật tự với các mô hình có hiệu quả thiết thực như: tiếng kẻng an ninh, thức cho dân ngủ, câu lạc bộ hoàn ương, mô hình Quỹ doanh nhân với an ninh trật tư. Những kết quả đó đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của tỉnh, từng bước làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.

Về thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới, ngay trong tháng 7/2019, tỉnh Đồng Nai đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với Nam Định và Đà Nẵng trở thành 03 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời, đến tháng 8/2019, toàn tỉnh có 100% số đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đưa Đồng Nai trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, tỉnh Đồng Nai đã vượt trước 02 năm so với mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 về việc giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đây là thành tựu to lớn, là kết quả tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn tỉnh.

Thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới 09 năm qua của tỉnh Đồng Nai. Đặc biệt, xin chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã vinh dự được đón nhận Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Huân Chương Độc lập hạng III của Chủ tịch nước tặng thưởng!

Thưa các đồng chí,

Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới, đó là:

Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp còn thấp. Công tác phòng chống các dịch bệnh một số nơi chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đã tác động rất lớn đến chăn nuôi lợn của tỉnh Đồng Nai. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa có thương hiệu mạnh (sản lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng đồng đều, an toàn thực phẩm, giá bán cạnh tranh...) phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Chưa xây dựng được nhiều cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, việc thu hút nguồn lực xã hội ở một số địa phương chưa được nhiều. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn đầu tư còn chưa đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất một số nơi còn khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, bất cập,...

Do tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và mật độ dân số ngày càng cao, đã tạo nên sức ép lớn về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh lượng chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân nông thôn, Đồng Nai còn là địa bàn tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp với lượng chất thải lớn, nhiều nơi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người dân,… Với sự gia tăng nhanh chóng của dân số cơ học (nhất là lao động nhập cư), hệ thống cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trường học, trạm y tế…) ở một số huyện, thị xã đã và đang quá tải. Đồng thời, nảy sinh nhiều nguy cơ về an ninh trật tư xã hội nông thôn ngày càng phức tạp,

 Vì vậy, để tiếp tục góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những tỉnh đầu tàu của cả nước, tôi đề nghị tỉnh Đồng Nai cần phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh. Cùng với những định hướng phát triển vùng nông thôn của tỉnh trong thời gian tới, tôi xin nhấn mạnh thêm một số trọng tâm sau để Lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, tập trung chỉ đạo:

         Thứ nhất, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGap, GlobalGap) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với các vùng trồng cây ăn trái. Tăng cường phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học, thực hiện chặt chẽ qui trình phòng chống dịch bệnh. Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Tạo cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động. Chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là việc tập trung xây dựng các làng nghề hiện có ở các địa phương thành các làng văn hóa – du lịch trong Chương trình OCOP, nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.  

          Là một tỉnh có tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá rất nhanh, Đồng Nai cần làm rõ định hướng xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá và công nghiệp hoá, rà soát và làm rõ quy hoạch các vùng chức năng, định hướng các huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp – nông thôn và giữ sinh thái, là lá phổi cho tỉnh như huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú,…

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng (cao hơn so với mức đạt chuẩn). Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, liên huyện; mở rộng và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm cấp huyện, trong đó, chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; chủ động giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thứ ba, chú trọng nâng cao hơn chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn; bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn; tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn, để nông thôn Đồng Nai thực sự bình yên, trở thành những miền quê đáng sống, thu hút những người làm việc ở các khu đô thị, khu công nghiệp về sinh sống.

Thứ tư, phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn (tăng tỷ lệ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật được phân loại, thu gom và xử lý), phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh về lâu dài và bảo tồn được hồn cốt văn hoá nông thôn, cũng như hình thành các vành đai sinh thái xanh.        

Thưa các đồng chí,

Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội. Phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai, tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững, luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước và tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện về mọi mặt.

Chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Đồng Nai sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Tin xem nhiều