Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 công trình cấp nước nông thôn (CNNT) nhưng chỉ 56 công trình đang hoạt động với công suất đạt 50% so với thiết kế, 26 công trình đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Hệ quả là người dân nông thôn thiếu nước sạch, địa phương kêu gọi đầu tư dự án mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 88 công trình cấp nước nông thôn (CNNT) nhưng chỉ 56 công trình đang hoạt động với công suất đạt 50% so với thiết kế, 26 công trình đã ngưng hoạt động hoàn toàn. Hệ quả là người dân nông thôn thiếu nước sạch, địa phương kêu gọi đầu tư dự án mới.
Tổ Đại biểu HĐND tỉnh giám sát công trình cấp nước nông thôn tại H.Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc |
Việc rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả từ đó đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng công trình đã đầu tư, nâng tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch là vấn đề cấp thiết.
* Nhiều công trình xuống cấp
Thông tin từ Sở NN-PTNT, tính đến hết tháng 9-2022, trên địa bàn tỉnh có 88 công trình CNNT (tăng 5 công trình so với năm 2021); trong đó, có 56 công trình đang hoạt động với công suất bình quân đạt 50% so với thiết kế, 26 công trình CNNT đã ngưng hoạt động, còn lại công trình mới đầu tư hoặc mới nâng cấp, sửa chữa đang trong giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu, bàn giao.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, nhìn chung hiệu quả hoạt động của các công trình CNNT thấp so với nhu cầu và công suất thiết kế. Nguyên nhân là phần lớn các công trình xây dựng trước năm 2010 bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 134 và 135 quy mô công suất nhỏ, chỉ cấp nước cho một cụm dân cư, sau này giao cho UBND cấp xã quản lý vận hành, thu không đủ chi dẫn đến không có kinh phí duy tu, sửa chữa. Tại nhiều khu vực, người dân vẫn sử dụng đồng thời 2 nguồn nước (giếng khoan/đào và từ công trình CNNT) dẫn đến công trình không đạt công suất thiết kế. Nguồn nước ngầm nhiều nơi không đảm bảo về lưu lượng và chất lượng.
Đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 do UBND tỉnh ban hành đặt mục tiêu hết năm 2025 có 85% dân số nông thôn dùng sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Trong đó, sử dụng nước sạch từ công trình CNNT gần 26%, đấu nối công trình cấp nước đô thị gần 30%, thiết bị lọc hộ gia đình 18%, còn lại từ công trình giếng khoan/đào. |
“Thời điểm xây dựng các công trình này cần thiết, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên sau này, số lượng hộ gia đình ngày càng nhiều trong khi nguồn nước ngầm sụt giảm và ô nhiễm, tiêu chuẩn đối với chất lượng nước sạch sinh hoạt ngày càng cao nên tính hiệu quả giảm” - ông Trần Trung Hiếu, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) chia sẻ.
Cũng theo ông Hiếu, tháng 8 và 9 vừa qua, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với 9 huyện và TP.Long Khánh rà soát thống kê công trình CNNT đã đầu tư, phân loại hiệu quả và nghe kiến nghị địa phương, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh hiện trạng và đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả.
Trước đó, chia sẻ tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh diễn ra tháng 7-2022, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho rằng, nước sạch nông thôn là lĩnh vực cần thiết đối với đời sống nhân dân và chương trình xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền quan tâm thông qua việc đầu tư các công trình CNNT, ban hành chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ vay vốn với nhà đầu tư. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của tỉnh tăng lên 83%. Hiện tại, một số công trình không còn phát huy hiệu quả công suất và không phù hợp với đề án Cấp nước sạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh ban hành đầu năm 2022.
* Đấu nối với cấp nước đô thị
Từ kết quả rà soát hiện trạng và kiến nghị của các địa phương, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, TP.Long Khánh lập hồ sơ thanh lý 25/26 công trình đã ngưng hoạt động để thay thế bằng công trình có quy mô lớn, sử dụng nguồn nước mặt đảm bảo tính bền vững, riêng công trình tại xã Tà Lài (H.Tân Phú) đề xuất địa phương bố trí kinh phí nâng cấp phục vụ người dân.
Đối với 56 công trình đang hoạt động, Sở tiến hành đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: thu phí dịch vụ đủ bù đắp phí vận hành, bảo trì; nước sau xử lý đạt quy chuẩn; khả năng cấp nước thường xuyên trong năm; công suất thực tế so với thiết kế sau 2 năm vận hành; đội ngũ quản lý vận hành. Từ đó lập kế hoạch, lộ trình và bố trí kinh phí nâng cấp, bổ sung thiết bị xử lý. Ngoài ra, Sở NN-PTNT phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu và đề xuất triển khai công trình CNNT mới cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu để đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 85%.
Sở NN-PTNT kiến nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình cấp nước trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch từ các công trình CNNT. Tổng hợp nhu cầu, phạm vi cấp nước của từng xã để phối hợp với các đơn vị cấp nước trên địa bàn đấu nối, lắp đặt các tuyến ống nhánh, lắp đặt đồng hồ nước cho người dân. Kiểm soát, ngăn chặn khoan giếng ở những khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất.
Chia sẻ về giải pháp đấu nối với công trình cấp nước đô thị, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho biết, trên địa bàn huyện đang triển khai 2 công trình CNNT liên xã dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay và năm 2023. Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nước sạch trên địa bàn mở rộng phạm vi, đấu nối đưa đường ống cấp nước sạch về các xã. Khó khăn hiện nay là 12 công trình CNNT ngưng hoạt động chưa được thanh lý, một số khu vực huyện đã đầu tư đường ống nước sạch bằng nguồn vốn ngân sách nhưng khi mời gọi doanh nghiệp đầu tư cần có cơ chế quản lý, bàn giao tài sản giữa hai bên.
Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho rằng, thời gian qua, huyện đã nhiều lần kiến nghị Công ty CP Cấp nước Đồng Nai về đấu nối, mở rộng đường ống cấp nước sạch tập trung khai thác nguồn nước mặt về các xã và khu vực TT.Trảng Bom nhưng tiến độ triển khai rất chậm, doanh nghiệp đầu tư nhỏ giọt. Huyện kiến nghị UBND tỉnh làm việc với các công ty cấp nước sạch yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nước sạch cho người dân trên cơ sở đề án cấp nước sạch của tỉnh.
Hoàng Lộc