Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương mại, dịch vụ: Từ truyền thống đến hiện đại

07:09, 01/09/2022

Những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai ngày càng phát triển, có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng được cải thiện, nâng cao. Người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn để mua sắm từ phương thức truyền thống đến hiện đại, từ trực tiếp đến trực tuyến (online)…

Những năm qua, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai ngày càng phát triển, có bước tiến đáng kể, mở rộng về quy mô và đa dạng về hình thức, hàng hóa, dịch vụ, chất lượng được cải thiện, nâng cao. Người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn để mua sắm từ phương thức truyền thống đến hiện đại, từ trực tiếp đến trực tuyến (online)…

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân

* Mở rộng các kênh bán lẻ, dịch vụ

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá, bình quân trong giai đoạn 2015-2020 đạt 11%/năm. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 187,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 2,4% so với năm 2020. Trong 8 tháng của năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 148,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Toàn tỉnh hiện có 139 chợ đang hoạt động, trong đó 1 chợ đầu mối, 7 chợ hạng I, 29 chợ hạng II và 102 chợ hạng III. Ngoài ra, còn có hơn 65 ngàn cửa hàng, điểm bán tạp hóa, bách hóa tổng hợp… đang hoạt động.

Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) Võ Văn Phi cho biết, để nâng cao mãi lực, Ban Quản lý chợ sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các tiểu thương nâng cao cung cách phục vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, đảm bảo các mặt hàng, ngành hàng kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo được uy tín trong hoạt động kinh doanh, mua bán để giữ niềm tin đối với khách hàng.

Với các kênh bán lẻ hiện đại, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 251 cửa hàng tiện lợi thuộc các hệ thống: Bách Hóa Xanh, Winmart, Co.opFood, Porkshop, GS25... đang hoạt động.

Bà Thanh Mai (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, ngày trước bà chủ yếu đi chợ để mua sắm thực phẩm, đồ dùng gia đình nhưng cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển nên càng có nhiều kênh mua sắm tiện lợi, đa dạng sự lựa chọn.

 “Theo tôi, các gian hàng từ bán lẻ truyền thống đến hiện đại ngày càng phát triển và thu hút người mua với đa dạng sản phẩm, đi kèm những đổi mới trong tư duy, phương thức kinh doanh như: hỗ trợ đặt hàng giao tận nơi, đóng gói thân thiện với môi trường, thanh toán không dùng tiền mặt...” - bà Mai chia sẻ thêm.

Trưởng phòng Quan hệ công chúng hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh Đặng Thanh Phong cho biết, trong thời gian tới, chuỗi cửa hàng tiện lợi của hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ tập trung tối ưu hóa vận hành, nâng cao chất lượng phục vụ, bố trí lại các quầy kệ, gian hàng, quy cách hoạt động theo chuẩn mới của chuỗi. Về định hướng phát triển, chuỗi tiếp tục hướng tới các đối tượng khách hàng như: các bà nội trợ, công nhân, người lao động. Các cửa hàng sẽ được cân đối phù hợp, tập trung ở những khu vực dân số đông, mật độ hợp lý hơn.

* Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số

Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, bài toán về ứng dụng công nghệ là một giải pháp để ngành dịch vụ, thương mại vững vàng hơn trước những rủi ro về thị trường, dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, là dịp để các doanh nghiệp (DN), đơn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Trong đó, các ứng dụng mua sắm online trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… trở nên phổ biến hơn.

Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được về sự phát triển trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Đồng Nai trong những năm gần đây. Đồ họa: Hải Hà
Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được về sự phát triển trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Đồng Nai trong những năm gần đây. Đồ họa: Hải Hà

Một trong những yếu tố then chốt để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, nhất là đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ đó là hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây chính là điều kiện cần để các DN, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa.

Vào cuối tháng 12-2021, Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Đồng Nai (ecdn.vn) chính thức ra mắt, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trải nghiệm dịch vụ, các DN có thêm kênh bán hàng, quảng bá sản phẩm… Điểm nổi bật của ecdn.vn là sàn TMĐT đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Đến nay, Sở Công thương đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều DN, HTX… tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến cho biết, công ty đưa khoảng 12 mặt hàng lên Sàn TMĐT Đồng Nai từ cuối năm ngoái đến nay. Về ưu điểm, hiện sàn đã được tích hợp hỗ trợ thanh toán bằng mã QR như các sàn TMĐT lớn, khách hàng khi đặt hàng cần thanh toán trước. Hơn thế nữa, đây là Sàn TMĐT của địa phương nên độ uy tín, chất lượng hàng hóa được đảm bảo, được hỗ trợ miễn phí việc đưa hàng hóa lên sàn.

Theo báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam - EBI 2022 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai xếp thứ 5 toàn quốc, giữ nguyên vị trí so với năm ngoái. Trong năm vừa qua, TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số TMĐT, tiếp sau đó là Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương.

Chỉ số TMĐT của các địa phương được tổng hợp từ 3 thành phần gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch TMĐT giữa DN với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch TMĐT giữa DN với DN (B2B).

Ngoài ra, thị hiếu, xu hướng tiêu dùng cũng tác động tới quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là sau những biến động do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành chia sẻ, để hàng hóa, sản phẩm địa phương được nhiều người quan tâm, chọn mua trên các sàn TMĐT, nhất là các sàn TMĐT của địa phương, trong đó có sàn TMĐT của Đồng Nai, các DN cần tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tham gia sàn; tăng sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng và trả lời, giải đáp thắc mắc đơn hàng, thông tin phản hồi. Qua đó, góp phần đem lại niềm tin cao hơn nữa cho khách hàng, không chỉ mua một lần mà còn tiếp tục ủng hộ ở những lần tiếp theo.

Bên cạnh đó, các DN cần chủ động cập nhật thông tin, hình ảnh chuẩn xác, mô tả về sản phẩm đúng quy định trên các gian hàng trực tuyến, các sàn TMĐT của địa phương để vừa có hình ảnh đẹp, nội dung hay về sản phẩm. Qua đó, thu hút khách hàng tham gia tìm kiếm, mua - bán sản phẩm ngày càng nhiều hơn.

Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt xuất hiện nhiều hơn. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến trải nghiệm, máy ATM đa chức năng… để giúp người dân có thêm điều kiện để trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số dễ dàng và thuận tiện hơn.

Ông TRANG PHÚC, phụ trách bộ phận thu ngân Co.opmart Biên Hòa cho biết, tỷ lệ giao dịch, thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng tại Co.opmart Biên Hòa, chiếm khoảng 30% tổng lượt thanh toán ở siêu thị. Đối tượng khách hàng sử dụng hình thức này phần lớn đến từ nhóm 18-40 tuổi với các cách thức phổ biến như: quẹt thẻ ngân hàng, dùng internet banking, ví điện tử Momo, chuyển khoản trước khi đến siêu thị nhận hàng…

Hải Quân

Tin xem nhiều