Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Đồng Nai cùng với TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Đồng Nai cùng với TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo nên khu vực phát triển sôi động, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Cơ khí, chế tạo là một trong những lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Đồng Nai. Ảnh: Vương Thế |
Trong xu thế mới, Đồng Nai đang hướng tới sự phát triển bền vững với việc tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG, Đồng Nai đang sắp xếp, quy hoạch lại lĩnh vực công nghiệp của địa phương. Theo đó, quan điểm của tỉnh là phải phát triển đúng quy hoạch, những khu vực nào không phù hợp quy hoạch và tồn tại nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường sẽ buộc phải di dời. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tiềm năng phát triển của địa phương là rất lớn khi trong tương lai gần sẽ có sự cộng hưởng của sân bay quốc tế, cảng biển, hệ thống đường cao tốc... Đó là điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN tìm kiếm cơ hội làm ăn, đầu tư. |
* Cực phát triển quan trọng của đất nước
Trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, địa phương phát triển được 32 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 31 khu đã đi vào hoạt động. Khi quỹ đất để thu hút đầu tư ngày càng được lấp đầy, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cho Đồng Nai bổ sung thêm 7 KCN. Hiện các KCN này đang được thực hiện các thủ tục pháp lý, kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng để bổ sung vào quỹ đất cho thuê thêm hàng ngàn ha, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, hiện đã có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 1,8 ngàn dự án có tổng vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD. Hơn 2 năm qua, tuy chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19 nhưng các DN trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, phục hồi sản xuất công nghiệp khá nhanh.
Không chỉ tập trung phát triển các KCN mà Đồng Nai còn đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, từ cơ sở hạ tầng đến là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, tỉnh luôn được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm học tập.
Song song đó, gần đây việc thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn với những nhà máy chế biến nông sản và các dự án tận dụng nguồn lao động tại địa phương cũng đã góp phần tạo điều kiện cho các huyện vùng núi, vùng nông thôn phát triển. Nhiều khu, cụm công nghiệp cũng dần dịch chuyển về khu vực nông thôn, tạo động lực mới cho phát triển của khu vực
Từ những nỗ lực của cộng đồng DN, kinh tế Đồng Nai phát triển nhanh về quy mô kinh tế và luôn ở tốp đầu cả nước. Tính đến cuối năm 2021, quy mô GRDP toàn tỉnh đạt hơn 214,3 ngàn tỷ đồng (giá so sánh với năm 2010), thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức hơn 5,1 ngàn USD/năm, xếp vào hạng cao của cả nước.
Trong 8 tháng của năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các tác động của cục diện thế giới, song nhiều điểm sáng về kinh tế của địa phương vẫn được tiếp tục phát triển.
Trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, Đồng Nai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, đặc biệt, những năm gần đây, xuất siêu của Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước. Xuất khẩu của tỉnh trong 8 tháng đạt hơn 17 tỷ USD với mức thặng dư xuất siêu hơn 3,4 tỷ USD, bình quân hàng tháng tỉnh xuất siêu 440 triệu USD. Mức xuất siêu này đóng góp quan trọng vào thành tích ổn định và cân bằng thị trường xuất, nhập khẩu của quốc gia.
Sự phát triển về kinh tế cũng giúp cho lĩnh vực thu ngân sách của địa phương có nhiều tiến bộ. Năm 2021, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 63,7 ngàn tỷ đồng, đạt 135% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 44,1 ngàn tỷ đồng, đạt 130% so với dự toán. Thu lĩnh vực xuất - nhập khẩu của tỉnh đạt gần 19,6 ngàn tỷ đồng, đạt 148% so với dự toán. Đồng Nai là một trong 3 địa phương (cùng với Hà Nội và TP.HCM) có tỷ lệ vượt thu cao nhất và được Chính phủ khen thưởng.
* Tìm kiếm mô hình phát triển mới
Trong xu thế phát triển chung, Đồng Nai hướng tới phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Chuyển hướng thu hút đầu tư, thay đổi từ lượng sang chất, có sự chọn lọc mạnh mẽ. Theo đó, mục tiêu của Đồng Nai là thu hút các dự án có chất lượng cao nên sẽ có chọn lọc kỹ lưỡng, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn vào tỉnh nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo cho phát triển kinh tế bền vững hướng đến nền kinh tế xanh.
Song song với công tác quy hoạch, phát triển vĩ mô thì những vấn đề cụ thể của cộng đồng DN đã được địa phương nỗ lực quan tâm, giải quyết. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình DN phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và đa dạng, đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh với nhiều dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn thuộc các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thuộc những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh, góp phần đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Công tác hỗ trợ DN cũng được quan tâm thực hiện, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được khơi dậy mạnh mẽ, được người dân và DN hưởng ứng và tích cực tham gia triển khai với nhiều hoạt động phong phú và hiệu quả.
Để thúc đẩy cộng đồng DN trên địa bàn phát triển, Đồng Nai đang thực hiện Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025. Đề án đề cập đến nhiều nhóm vấn đề hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần hình thành các DN công nghệ, dẫn dắt phát triển.
Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thước đo đánh giá sự thành công của địa phương hiện nay là sự lớn mạnh của cộng đồng DN. Với Đồng Nai, tương lai của sự phát triển là đang hướng tới phát triển theo chiều sâu, công nghệ cao. Chính vì vậy, DN cũng phải đồng lòng với chính quyền, phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư theo chuẩn mực mới. Sự hợp tác, tương tác giữa chính quyền và DN thể hiện ở chỗ tháo gỡ khó khăn của DN, tiêu cực, nhũng nhiễu phải được xử lý.
Khi về làm việc với tỉnh vào đầu tháng 8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, với vị thế của mình, trong thời gian tới Đồng Nai cũng phải tìm cho mình động lực tăng trưởng mới. Theo đó, xác định tầm nhìn mới, khát vọng mới trong điều kiện khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh, mạnh như hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đồng Nai phải là nơi đáng làm, đáng sống, đáng ở. Không chỉ phát triển cho riêng mình mà Đồng Nai còn phải trở thành cực lan tỏa cho sự phát triển của các địa phương lân cận.
Theo số liệu của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 600 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm tỷ lệ hơn 11,4% tổng số DN, tạo việc làm cho hơn 158 ngàn lao động. Công nghiệp hỗ trợ được sự quan tâm với những chính sách khuyến khích, thúc đẩy được ban hành. Đồng Nai được coi là một trong những trung tâm của ngành công nghiệp hỗ trợ khi đóng góp hơn 21,4% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và hơn 52% giá trị xuất khẩu công nghiệp của tỉnh. Sự phát triển của ngành đóng góp vào định hướng phát triển bền vững cho địa phương. |
Vương Thế