Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm những "cánh chim đầu đàn"

07:08, 10/08/2022

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế. Với tiềm năng lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng quan tâm phát triển thị phần ở thị trường nội địa, chú trọng xây dựng thương hiệu, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng trên sân nhà.

Với dân số gần 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người gia tăng nhanh, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của khu vực và quốc tế. Với tiềm năng lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng quan tâm phát triển thị phần ở thị trường nội địa, chú trọng xây dựng thương hiệu, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng trên sân nhà.

Nhóm hàng thực phẩm chế biến có nhiều thương hiệu Việt nổi bật trên thị trường. Trong ảnh: Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm thực phẩm chế biến tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Nhóm hàng thực phẩm chế biến có nhiều thương hiệu Việt nổi bật trên thị trường. Trong ảnh: Người tiêu dùng tham khảo, chọn mua các sản phẩm thực phẩm chế biến tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng như hiện nay thì trên thị trường cần có nhiều hơn nữa các thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm, tạo được dấu ấn riêng trước sự cạnh tranh của các DN ngoại và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về mạng lưới, quy mô của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thị trường nội địa.

* Không thể “giậm chân tại chỗ” khi bước vào hội nhập

Vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ, tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều tiềm năng phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, bởi quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình tăng nhanh. Cùng với đó là sự hội nhập, liên tục mở rộng ký kết các hiệp định thương mại tự do đã làm cho thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động hơn. Song, điều này cũng tạo ra nhiều thách thức cho các DN nội địa.

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hữu Nam chia sẻ, trong sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng, các DN Việt không thể nào “giậm chân tại chỗ” mà cần chủ động thay đổi hướng tiếp cận thị trường, thay đổi tư duy về quản trị, tích cực đầu tư cho con người, công nghệ, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm có mẫu mã đẹp và phong phú, giá thành hợp lý và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đó là chìa khóa để chiến thắng, giữ và nâng cao thị phần ngay trên sân nhà.

Bên cạnh chiến lược mở rộng thị phần và có sự thay đổi trong xu hướng bán lẻ cũng như theo thị hiếu của người tiêu dùng, các DN Việt cần phải thật sự khẳng định được vị thế sân nhà qua việc xây dựng một thương hiệu Việt đầy tự hào, uy tín, đủ tầm và lực.

Chẳng hạn, khi nhắc đến ngành mỹ phẩm làm đẹp, người ta sẽ nghĩ ngay đến Tập đoàn AmorePacific - với hơn 30 thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc hay Tập đoàn L’Oreal của Pháp, nhưng họ thành công là vì dám bứt phá bằng chiến lược toàn cầu hóa trên bối cảnh địa phương. Điều này có nghĩa là DN ngoại luôn nắm bắt, thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt về mong muốn, nhu cầu và truyền thống của mỗi quốc gia, nhằm mang đến những sản phẩm phù hợp và đáp ứng nguyện vọng, tiện ích của người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các DN Việt chưa đủ độ phủ đến mức trở thành thương hiệu quốc gia kiểu mẫu, được ngành bán lẻ toàn cầu “săn đón”.

Theo nhiều đại diện siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Các sản phẩm hàng Việt được bày bán ở siêu thị đã có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã với giá cả cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, về độ nhận diện thương hiệu, độ “chịu chi” để quảng bá sản phẩm ra mặt tiền, ở vị trí vừa tầm mắt người mua hoặc triển khai các chương trình khuyến mãi thì nhiều DN Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với các công ty, tập đoàn đa quốc gia vốn có thế mạnh về nguồn vốn và nhân sự…

Bà Nguyễn Thanh Ngọc (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều DN bán lẻ ngoại mạnh về công nghệ, quản trị vận hành nhưng mức độ am hiểu người tiêu dùng Việt lại không bằng DN nội. Thế nhưng, khi đến các trung tâm thương mại, siêu thị, hay dạo quanh các sàn thương mại điện tử thì mức độ phổ biến, lượt mua cũng như ấn tượng dành cho các thương hiệu ngoại vẫn chiếm lĩnh khá lớn.

* Mở rộng “độ phủ” về thương hiệu

Điều đáng ghi nhận là nhiều thương hiệu hàng Việt Nam đã có mặt trên kệ hàng từ thành thị đến thôn quê, từ bán lẻ truyền thống đến các hình thức bán lẻ hiện đại, từ bán lẻ trực tiếp đến bán lẻ trực tuyến. Đơn cử, ở mảng thực phẩm chế biến có thương hiệu Vissan, ngành hàng nước chấm và gia vị có thương hiệu của Masan. Ngành sữa nổi bật với các thương hiệu Việt như: Vinamilk, TH Truemilk, Lothamilk, Nutifood… Hay ngành thời trang có các thương hiệu An Phước, Việt Thắng, Việt Tiến, Biti’s, Ninomaxx… cũng tạo được nhiều dấu ấn, bản sắc riêng.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm sữa của Việt Nam tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Hà

Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, là một trong những DN của Đồng Nai thường xuyên đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), công ty luôn chú trọng vận hành quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu cao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn thế nữa, công ty cũng thường xuyên đẩy mạnh hoạt động marketing, tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, bên cạnh thị trường ở các tỉnh, thành phía Nam, công ty còn mở rộng thị trường ra phía Bắc.

Tuy nhiên, số lượng các thương hiệu Việt lớn, đủ sức cạnh tranh với những thương hiệu lớn từ nước ngoài hoặc các tập đoàn đa quốc gia nhìn chung vẫn chưa được như kỳ vọng, cần thêm sự nỗ lực hơn nữa để “độ phủ” của các thương hiệu Việt ngày càng mở rộng, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm, tin dùng sản phẩm Việt.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những điểm yếu mà lâu nay DN Việt vẫn còn mắc phải đó là thiếu tính liên kết để cùng nhau phát triển mà thay vào đó là phát triển mang tính đơn lẻ… Điều này sẽ gặp khó khi cạnh trạnh với các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia trong bối cảnh như hiện nay. Do đó, để nâng cao vị thế hàng Việt trên sân nhà, các DN trong nước sẽ cần tăng cường liên kết, mở rộng kết nối giao thương, đồng thời tìm cách kết nối thành những mạng lưới lớn mạnh trên thị trường nội địa, với sự dẫn dắt từ các thương hiệu lớn, đủ sức vươn tầm để chủ động hướng ra biển lớn một cách bền vững hơn.

Chị Hoàng Lan (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ trước đến nay, các thương hiệu, sản phẩm của DN nội địa đề cao uy tín, chất lượng nên quan niệm chỉ cần duy trì điều đó là đã ổn định, nhưng thật sự nhìn rộng ra, chỉ khi nào có sự thay đổi bứt phá mới có thể mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ thể hiện ở chất lượng sản phẩm mà còn ở chính sách hậu mãi, đưa khách hàng lên hàng đầu, đa tiện ích trong cùng hệ sinh thái đa kênh. Khi đó, dấu ấn, bản sắc của DN đó mới được công nhận rộng rãi không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài.

Theo Hội DN HVNCLC, qua các đợt bình chọn, có 524 DN chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC năm 2022. Đáng chú ý, có 36 DN được người tiêu dùng bình chọn 26 năm liên tiếp. Ngoài ra, còn có 87 DN mới đạt lần đầu và tập trung hơn vào nhóm DN thực phẩm, có sản phẩm tiêu biểu trên thị trường đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 5 sao, DN khởi nghiệp hoặc DN đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong thực hành sản xuất.

Chủ tịch Hội DN HVNCLC VŨ KIM HẠNH chia sẻ, trong thời gian tới, Hội sẽ chú trọng các hoạt động kết nối nhóm các DN Việt dẫn đầu, đã tạo được thương hiệu lớn mạnh, nhiều năm đạt danh hiệu HVNCLC với nhóm các DN nhỏ và vừa, DN trẻ, DN khởi nghiệp ở các địa phương… để nhóm này có thể học hỏi thêm những kinh nghiệm, bài học về quản trị, vận hành, phát triển thương hiệu từ các DN đi trước…

Hải Hà

Tin xem nhiều