Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tốc triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm

07:08, 10/08/2022

Với quỹ thời gian thực hiện gấp rút, áp lực hoàn thành các công việc đối với 2 dự án giao thông trọng điểm đường vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất lớn.

Với quỹ thời gian thực hiện gấp rút, áp lực hoàn thành các công việc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án giao thông trọng điểm đường vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất lớn.

Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần giải quyết thực trạng độc đạo của quốc lộ 51 trong liên kết vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Phạm Tùng
Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần giải quyết thực trạng độc đạo của quốc lộ 51 trong liên kết vùng Đông Nam bộ. Ảnh: Phạm Tùng

* Bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30-6-2023

Hai dự án đường vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022. Đây là 2 dự án giao thông đặc biệt quan trọng đối với liên kết vùng Đông Nam bộ. Chính vì vậy, thời gian triển khai các dự án cũng rất gấp rút.

Theo dự kiến, cả 2 dự án đường vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2023, hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và khai thác đồng bộ vào năm 2026. Để đáp ứng các mốc tiến độ trên, riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải hoàn thành bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30-6-2023 để phục vụ khởi công các dự án.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho hay, đối với 2 dự án này, Đồng Nai cũng phải thực hiện theo các mốc chung của toàn dự án mà Chính phủ đưa ra nên áp lực về tiến độ rất lớn, đặc biệt là đối với công tác giải phóng mặt bằng vì đây là công việc khó. “Các đơn vị, địa phương liên quan phải hết sức quyết tâm mới có thể hoàn thành” - ông Lê Quang Bình cho biết.

Đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 11km. Hiện nay, đoạn dài hơn 6km thuộc dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch đang được triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Như vậy, đối với dự án này, Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với đoạn 5km còn lại. Để đảm bảo sự đồng bộ, UBND tỉnh cũng đã quyết định giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Nhơn Trạch làm chủ đầu tư đối với dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Nhơn Trạch Trần Văn Bảy cho hay, đoạn tuyến còn lại không dài, nhưng để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 30-6-2023 cũng là rất khó khăn. Bởi công tác xác định nguồn gốc đất, lập bản đồ thu hồi đất, xuất hồ sơ kỹ thuật mất nhiều thời gian, trong khi quỹ thời gian thực hiện rất hạn hẹp.

Trong khi đó, đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, áp lực công tác giải phóng mặt bằng lớn hơn rất nhiều so với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. Đối với dự án này, công tác giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư.

Trong tổng chiều dài 53,7km toàn tuyến thì đoạn đi qua địa bàn tỉnh dài hơn 34km. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) Nguyễn Hồng Quế cho rằng, để đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ đối với công tác giải phóng mặt bằng là cực kỳ khó. Do đó, việc xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án phải được thực hiện thật khẩn trương. “Không có tái định cư thì không thể thu hồi đất” - ông Quế cho hay.

Nhìn nhận công tác giải phóng mặt bằng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn nhưng để đảm bảo tiến độ chung của các dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan phải tập trung thực hiện; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các dự án trước ngày 30-6-2023.

* Xây dựng sớm các khu tái định cư

Để đảm bảo tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án, một trong những yêu cầu then chốt là phải xây dựng được các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân.

Đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, hiện nay H.Nhơn Trạch cũng đang tiến hành các thủ tục để xây dựng 2 khu tái định cư tại xã Phú Hội và xã Phước An.

Theo ông Nguyễn Hồng Quế, đối với dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, dù số hộ dân ảnh hưởng không nhiều nhưng cũng đòi hỏi các khu tái định cư phải được xây dựng sớm để bố trí tái định cư cho người dân mới có thể thu hồi đất.

Trong khi đó, để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ có 4 khu tái định cư được xây dựng trên địa bàn TP.Biên Hòa và H.Long Thành.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho hay, hiện nay TP.Biên Hòa đang hoàn thiện các thủ tục để đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư phục vụ dự án. Sau khi hoàn tất các thủ tục, thành phố sẽ trình UBND tỉnh.

“2 khu tái định cư, một khu có diện tích hơn 49ha tại P.Phước Tân và 1 khu có diện tích hơn 13ha tại P.Tam Phước” - ông Trương Vĩnh Hiệp cho biết.

Đối với H.Long Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lê Hoàng Sơn cho biết, khu tái định cư tại xã Long Đức hiện đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong khi đó, khu tái định cư tại xã Long Phước cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư đang gặp vướng mắc trong việc xác định đơn giá để bồi thường đối với diện tích cây cao su.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu TP.Biên Hòa phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng 2 khu tái định cư trên địa bàn. Đối với vướng mắc về giá bồi thường cây cao su, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng giao Sở TN-MT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phương án để làm việc với Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Theo Phó giám đốc Sở GT-VT NGUYỄN BÔN, về nguồn vốn thực hiện dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM sẽ có 50% nguồn vốn trung ương và 50% nguồn vốn đối ứng của tỉnh đối với cả công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp. Trong đó, nguồn vốn trung ương được sử dụng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Nguồn vốn này chỉ được sử dụng đến hết năm 2023, nếu thực hiện sau năm 2023 sẽ không thể giải ngân được nguồn vốn trung ương bố trí cho dự án.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều