Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 02/04/2025, 02:08 En

Hộ kinh doanh cá thể gặp khó

07:07, 23/07/2022

Đồng Nai có khoảng 156,6 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể (số liệu thống kê năm 2021) hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là nguồn quan trọng để phát triển thành doanh nghiệp (DN) của không chỉ Đồng Nai mà còn đối với cả nước.

Đồng Nai có khoảng 156,6 ngàn cơ sở kinh doanh cá thể (số liệu thống kê năm 2021) hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản. Hộ kinh doanh cá thể được đánh giá là nguồn quan trọng để phát triển thành doanh nghiệp (DN) của không chỉ Đồng Nai mà còn đối với cả nước.

Sản xuất tại Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình (H.Thống Nhất). Ảnh: V.Gia
Sản xuất tại Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình (H.Thống Nhất). Ảnh: V.Gia

Trải qua thời gian bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều gặp rất nhiều khó khăn. Để phát triển ổn định và tiến tới quy mô DN, họ mong muốn nhận được những hỗ trợ từ cơ chế, chính sách.

* Nguồn lớn để phát triển doanh nghiệp

Chọn lĩnh vực thực phẩm để khởi nghiệp, sau hơn 5 năm, chủ Cơ sở Thực phẩm khô bò Tam (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thụy Hà Vy đã xây dựng được quy mô nhà xưởng rộng 1,5 ngàn m2 với hệ thống máy móc chế biến hiện đại, bán tự động. Cơ sở đang tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương và đưa được sản phẩm vào các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng như đại lý tại nhiều khu vực.

Khi đã mở rộng quy mô, chị Vy cho biết, tương lai sẽ phấn đấu phát triển cơ sở thành DN. Trước mắt, cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng, thuê thêm nhân công cũng như phát triển các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để trở thành DN thực phẩm đa dạng hơn.

Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đề án đưa ra nhiều chính sách như: bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…

Tương tự, nhiều năm theo đuổi lĩnh vực gỗ mỹ nghệ, Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Thành Nhân (H.Trảng Bom) của ông Nguyễn Thành Nhân đã trở thành thương hiệu có tiếng của Đồng Nai ở cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước. Sản phẩm Thành Nhân đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, khu du lịch... trong cả nước và bán tại nhiều quốc gia.

Theo ông Nhân, phương châm của ông là “tiến chậm nhưng chắc”, cho đến nay, mặt bằng sản xuất, nhân lực và công nghệ đang còn phải đầu tư nhiều. Vì thế, dù có những thời điểm đối tác đặt hàng số lượng lớn nhưng ông phải từ chối vì không đáp ứng được. Nguyện vọng của ông là mong muốn các cơ sở trong ngành cùng liên kết lại với nhau để tạo nên sức mạnh, thương hiệu và sự cạnh tranh tốt hơn cho gỗ thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai.

Theo số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Cục Thống kê Đồng Nai tổ chức, trên địa bàn tỉnh có gần 256,6 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Các cơ sở kinh doanh cá thể năm 2021 thu hút trên 257 ngàn lao động. Trong tổng số 256,6 ngàn hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thì TP.Biên Hòa chiếm tỷ lệ đông nhất với 49,8 ngàn cơ sở. Số lượng hộ kinh doanh cá thể tương đối lớn được coi là nguồn để phát triển DN của tỉnh.

* Vẫn còn nhiều thách thức

Số lượng hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện tại khá lớn, song trên thực tế, tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây đang chậm lại. Trong 4 năm, Cục Thống kê Đồng Nai điều tra, số lượng hộ kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ tăng được 2,68 ngàn cơ sở so với năm 2017, tốc độ tăng trưởng chỉ 0,43%/năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,72% giai đoạn trước đó.

Đề án cũng xác định nhiệm vụ hỗ trợ trọng tâm là chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị... Với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 65,5 ngàn DN nhỏ và vừa.

Đặc biệt, gần 3 năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến thành phần kinh tế này. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể có tính chất hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, là bộ phận dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Đại dịch Covid-19 trong những năm qua đã càn quét hầu hết các cơ sở và để lại hậu quả nặng nề. Nhiều cơ sở phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, kéo theo sự tăng trưởng về số lượng lao động trong khu vực này chỉ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021 là 0,97%/năm.

Để phát triển và tháo gỡ khó khăn, các cơ sở kinh doanh cá thể cũng mong muốn nhận được thêm những hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là từ đơn vị quản lý địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hào, chủ Cơ sở Mây tre lá Thanh Bình (H.Thống Nhất) cho biết, tuy cơ sở đang có điều kiện để sản xuất, xuất khẩu nhưng việc duy trì sản xuất được đến năm nào là rất khó nói, bởi nghề thủ công mỹ nghệ đang ngày càng mai một và thưa vắng lao động tâm huyết với nghề. Điều mà các cơ sở kinh doanh mong mỏi là chính quyền địa phương, trong đó có các cán bộ phụ trách, cần sâu sát hơn nữa, nắm bắt những khó khăn của đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mình quản lý. Do phần lớn các chủ cơ sở thường thiếu kiến thức nền về những quy định pháp luật chuyên ngành nên có những quy định không hiểu được cặn kẽ. Để cơ sở sản xuất có điều kiện phát triển và tiến lên DN thì cần được thông tin rõ ràng, dễ hiểu ngay từ đầu, từ việc thành lập đến đặt tên cũng như các quy định liên quan sau khi thành lập...

 Văn Gia

Tin xem nhiều