Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động chính thức, Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Đồng Nai (ecdn.vn) đã bước đầu kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX, nhất là các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đưa hàng hóa lên trang ecdn.vn.
Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động chính thức, Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Đồng Nai (ecdn.vn) đã bước đầu kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX, nhất là các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đưa hàng hóa lên trang ecdn.vn.
Một lớp tập huấn về kỹ năng quản trị gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn) vừa được Sở Công thương tổ chức vào giữa tháng 7-2022. Ảnh: Hải Quân |
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành vẫn còn tồn tại những khó khăn, nhất là về vấn đề nhân sự, ngoài ra, còn cần thêm thời gian để phát triển, hoàn thiện các khâu xử lý, vận chuyển đơn hàng.
* Vẫn hỗ trợ quảng bá sản phẩm là chủ yếu
Sàn TMĐT Đồng Nai chính thức được ra mắt từ cuối năm 2021. Điểm nổi bật của ecdn.vn là sàn TMĐT đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Đến nay, Sở Công thương đã kết nối, hỗ trợ miễn phí cho nhiều DN, HTX… tham gia đưa hàng hóa lên sàn để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, các gian hàng trên Sàn TMĐT Đồng Nai cần cập nhật thông tin chuẩn xác, mô tả đúng quy định để có ảnh đẹp, nội dung hay nhằm thu hút khách hàng tham gia tìm kiếm, mua bán sản phẩm ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, trong thời gian tới, sàn cần phát triển thêm nền tảng đặt hàng trên điện thoại di động để người dân thuận tiện đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng… |
Theo nhiều DN, HTX đã đưa hàng hóa lên trang ecdn.vn thì các sở, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều hỗ trợ để kết nối đưa sản phẩm lên sàn cũng như đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm, hỗ trợ thanh toán, vận chuyển đơn hàng… Tuy nhiên, việc đưa hàng hóa lên sàn hiện nay chủ yếu là để phát huy về mặt quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm địa phương. Vì thực tế lượng giao dịch, tương tác nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, cần thêm thời gian để gia tăng các giao dịch thành công.
Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) Liu Thị Yến cho biết, công ty đã được hỗ trợ đưa khoảng 12 mặt hàng lên Sàn TMĐT Đồng Nai từ cuối năm ngoái đến nay. Về ưu điểm, hiện sàn đã được tích hợp hỗ trợ thanh toán bằng mã QR như các sàn TMĐT lớn, khách hàng khi đặt hàng cần thanh toán trước. Hơn thế nữa, đây là Sàn TMĐT của địa phương nên độ uy tín, chất lượng hàng hóa được đảm bảo, được hỗ trợ miễn phí việc đưa hàng hóa lên sàn.
“Số lượng giao dịch thành công trung bình mỗi tháng khoảng 10 đơn hàng, tuy còn khiêm tốn nhưng nhìn chung bước đầu như vậy cũng là chấp nhận được khi so với cùng khoảng thời gian đầu mà công ty đưa hàng hóa lên bán ở những sàn TMĐT lớn khác” - bà Yến chia sẻ thêm.
Cũng theo bà Yến, do trang ecdn.vn mới vận hành nên vẫn còn một số khâu cần đồng bộ thêm. Trong đó, khâu thanh toán và khâu vận chuyển cần thêm liên kết để các giao dịch đặt hàng được tiến hành thuận tiện hơn. Công ty mong muốn hàng hóa đưa lên sàn ngày càng được quảng bá để nhiều người biết đến, cũng như phí vận chuyển có thể được cân đối lại phù hợp hơn nhằm thu hút khách hàng.
Tương tự, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Trường Phát (H.Nhơn Trạch) Nguyễn Thị Bích Lệ cho biết, HTX đã được Sở Công thương hỗ trợ đưa sản phẩm lên trang ecdn.vn. Do đây mới là khoảng thời gian đầu nên việc đưa hàng hóa lên sàn chủ yếu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm là chính. Còn về việc nâng cao tỷ lệ giao dịch phải cần thêm thời gian khi sàn vận hành ổn định, được nhiều người biết đến.
Là người tư vấn và phối hợp với Sở Công thương Đồng Nai phát triển các gian hàng trên Sàn TMĐT Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) cho biết, trang ecdn.vn nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương và sự nỗ lực kết nối hỗ trợ của Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan.
Sàn TMĐT Đồng Nai hiện là một trong những sàn đi đầu trong việc tích hợp thanh toán điện tử, logistics và được đánh giá cao về mức độ ứng dụng trong 44 sàn TMĐT địa phương đang được vận hành, triển khai. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều sàn TMĐT địa phương khác, hiện số lượng DN tham gia sàn này chưa nhiều, cần cập nhật thường xuyên hơn. Trên thực tế, số lượng giao dịch ở những sàn TMĐT ở các địa phương vẫn còn khiêm tốn.
“Bản thân tôi cũng từng đặt hàng trên ecdn.vn nhiều lần. Theo tôi, hạ tầng về công nghệ của sàn là có nhưng cần thêm sự đồng bộ giữa các bên liên quan. Đặc biệt là nên bố trí thêm nhân lực vận hành sàn TMĐT của tỉnh vì hiện phòng chuyên môn của Sở Công thương chỉ có 1-2 người phụ trách trong khi các sàn khác có đến vài ngàn người phụ trách vận hành thì rất khó. Vận hành không chỉ là khi gặp sự cố thì báo cáo để sửa chữa mà ở đây còn phải tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tham gia sàn; tăng sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng. Đồng thời, sàn cũng cần cân đối, giảm phí vận chuyển để thu hút người mua” - ông Thành chia sẻ thêm.
* Chủ động hoàn thiện, nâng cấp
Ngày nay internet, mạng xã hội đã trở thành kênh kết nối gần nhất với người tiêu dùng hiện đại. Thông qua đó, việc mua sắm trực tuyến đã dễ dàng hơn, tạo điều kiện để mọi người tiếp cận, trải nghiệm sản phẩm một cách nhanh chóng, linh hoạt. Cụ thể như nhắc đến mua sắm online, ngoài mạng xã hội thì người tiêu dùng thường “lướt” trên các sàn TMĐT lớn như: Lazada, Shopee, Tiki... Còn đối với các sàn TMĐT của địa phương vẫn chưa dễ tạo được ấn tượng để người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm, đặt mua hàng trên đó.
Anh Thiện Thanh (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gần đây, khi nghe thông tin tỉnh mình ra mắt sàn TMĐT, tôi có truy cập thử nhưng nhìn chung giao diện, sản phẩm chưa thật sự đa dạng và thu hút người tiêu dùng, mặc dù phần thông tin, nguồn gốc sản phẩm rất rõ ràng, minh bạch. Theo tôi, Đồng Nai có rất nhiều đặc sản, nông sản thế mạnh, có tiếng nhưng hiện tại chưa được đẩy mạnh quảng bá hay tổ chức chương trình khuyến mãi, kích cầu hoạt động mua sắm trực tuyến trên sàn này nên không tạo được sự chú ý. Do đó, cần có thêm những kênh truyền thông, hội chợ đưa sàn TMĐT cũng như các loại nông sản bày bán trên sàn đến gần hơn với người tiêu dùng”.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn TMĐT Đồng Nai, đơn vị quản lý, vận hành sàn cũng như các DN cần bố trí thêm người trực trả lời tin nhắn tư vấn trên sàn và các sản phẩm được đưa lên sàn của mỗi DN, bởi xu thế của TMĐT hiện nay là không giới hạn về mặt thời gian, người tiêu dùng thường mua hàng vào lúc rảnh rỗi. Tất nhiên ở giai đoạn mới cũng gặp một số khó khăn nhất định như DN còn bỡ ngỡ, do đó cần có những quy định thực thi giữa các bên để hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Thành lưu ý, bên cạnh việc hỗ trợ kết nối các DN, HTX, chủ thể, đơn vị kinh doanh ở địa phương, trang ecdn.vn cần mở rộng, kết nối với các địa phương khác, cùng mời họ tham gia bán các đặc sản, sản phẩm tiêu biểu của họ. Cùng với đó, tổ chức các chương trình khuyến mãi, quảng bá các sản phẩm mới, các sản phẩm đặc trưng của địa phương để chia sẻ trong nhóm 44 sàn TMĐT địa phương khác trên toàn quốc. Đồng thời, phải tiếp cận qua thị trường ngách, tức là chỉ riêng thị trường đặc sản vùng miền mà các sàn TMĐT lớn chưa có…
Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, Sở sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn TMĐT Đồng Nai cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Sàn TMĐT Đồng Nai; tăng cường hỗ trợ các DN, HTX, nhất là các chủ thể OCOP trên địa bàn đưa hàng hóa lên sàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nhằm xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; nâng cao kỹ năng quản trị gian hàng trên Sàn TMĐT Đồng Nai; nâng cao việc kinh doanh online hiệu quả trên các kênh TMĐT phổ biến hiện nay… |
Hải Quân