Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm lại so với những năm trước. Một số nguyên nhân khiến đầu tư vào các KCN giảm là do dịch bệnh Covid-19, đất công nghiệp cho thuê còn rất ít…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh có xu hướng chậm lại so với những năm trước. Một số nguyên nhân khiến đầu tư vào các KCN giảm là do dịch bệnh Covid-19, đất công nghiệp cho thuê còn rất ít…
Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) nhiều năm vướng bồi thường giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: H.GIANG |
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, kế hoạch năm 2022, Đồng Nai sẽ thu hút vốn đầu tư trong nước vào các KCN khoảng 2 ngàn tỷ đồng và vốn FDI là 700 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, thu hút vốn đầu tư trong nước được gần 183 tỷ đồng, đạt hơn 9,1% kế hoạch năm và thu hút vốn FDI hơn 218 triệu USD, đạt trên 31% kế hoạch.
* Rào cản ngăn dòng vốn đầu tư
Có 3 vấn đề chính đang ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn đầu tư FDI và dòng vốn của doanh nghiệp (DN) trong nước vào các KCN của tỉnh là dịch bệnh Covid-19; giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng phi mã; các KCN của tỉnh diện tích đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đã hết hoặc còn rất ít. Do đó, có một số tập đoàn FDI định đầu tư vào tỉnh từ vài trăm đến cả tỷ USD nhưng không tìm được diện tích công nghiệp lớn đành phải chờ đợi hoặc tìm nơi khác để thực hiện dự án. Ngoài ra, Đồng Nai thu hút đầu tư có chọn lọc nên những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, thâm dụng nhiều lao động đều bị từ chối.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh NGUYỄN HỒNG QUẾ cho hay: “Trong bồi thường giải phóng mặt bằng cho các KCN cũng như các dự án khác trên địa bàn tỉnh có đến 80% là vướng về giá cả do người dân không đồng ý. Có những KCN chia làm nhiều giai đoạn thực hiện, khu vực nào thu hồi đất sau giá bồi thường cao hơn so với trước cũng làm nhiều người dân bức xúc và khiếu nại. Đồng thời, có KCN bồi thường theo giá đất từ trước năm 2010, người dân bị thu hồi đất không đồng ý”. |
Ông Mikkel Lyndrup, Phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Đan Mạch đã đầu tư vào Đồng Nai 2 dự án tại KCN Nhơn Trạch 3 và KCN Long Thành với tổng vốn khoảng 42 triệu USD. Hiện Tập đoàn Pandora dự tính đầu tư vào tỉnh số vốn lớn để xây dựng một nhà máy sản xuất mặt hàng trang sức có công suất khoảng 60 triệu sản phẩm/năm. Tuy nhiên, Tập đoàn Pandora đang gặp khó khăn trong tìm diện tích đất công nghiệp lớn ở Đồng Nai để đặt nhà máy. Dự án sẽ có công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng sạch. Ngoài dự án trên, trong thời gian tới, Đan Mạch dự tính đầu tư vào Đồng Nai những dự án khác”.
Vì thiếu đất công nghiệp diện tích lớn cho DN thuê xây dựng nhà xưởng nên thời gian qua, Đồng Nai đã mất đi cơ hội đón được nhiều nhà đầu tư lớn vào tỉnh. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, có tập đoàn FDI dự tính đầu tư vào tỉnh dự án khoảng 1 tỷ USD nhưng do không tìm được vài chục ha đất công nghiệp để thuê nên họ đã chuyển qua Bình Dương. Hiện có 2-3 tập đoàn FDI lớn đang chờ Đồng Nai có diện tích đất công nghiệp lớn để thuê cả 100ha đặt nhà máy sản xuất và kéo theo một số DN nhỏ đến đặt nhà máy sản xuất cung ứng sản phẩm đầu vào cho họ.
* Tìm cách gỡ khó
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 KCN được thành lập với diện tích hơn 10,2 ngàn ha, trong đó 31 KCN đang hoạt động và 1 KCN đang trong quá trình bồi thường, thu hồi đất và xây dựng hạ tầng. Các KCN trên nếu hoàn thành hạ tầng sẽ có hơn 7,1 ngàn ha đất cho thuê, nhưng đến nay diện tích đất cho thuê là gần 5,9 ngàn ha. Như vậy, diện tích còn lại khoảng 1,2 ngàn ha nhưng lại vướng chưa bồi thường xong nên không thể xây dựng hạ tầng cho DN thuê. Đây là vấn đề nhiều công ty hạ tầng KCN kiến nghị giải quyết nhiều năm chưa xong. Trong đó có những KCN việc thu hồi đất kéo dài 6-15 năm chưa hoàn thành như: Sông Mây, Hố Nai, Bàu Xéo (H.Trảng Bom), Amata (TP.Biên Hòa), Ông Kèo (Nhơn Trạch)…
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã đến làm việc với các công ty đầu tư hạ tầng KCN để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, quản lý và thu hút đầu tư để có biện pháp gỡ khó kịp thời. “Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các công ty hạ tầng thực hiện nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư hoàn chỉnh các KCN và thu hút nhà đầu tư. Nếu không có đất công nghiệp để cho thuê, Đồng Nai sẽ bỏ lỡ nhiều dự án FDI có vốn lớn, công nghệ hiện đại làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của tỉnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.
Thực tế, bồi thường giải phóng mặt bằng tại các KCN còn chậm trễ chủ yếu là do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường vì cho rằng quá thấp so với giá đang giao dịch trên thị trường.
Hương Giang