Trải qua những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh và sự gián đoạn nguồn cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực vượt khó và đạt được tăng trưởng quan trọng. Khi "bình thường mới" trở lại, cộng đồng DN, nhất là DN Việt tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu.
[links()]Trải qua những thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh và sự gián đoạn nguồn cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực vượt khó và đạt được tăng trưởng quan trọng. Khi “bình thường mới” trở lại, cộng đồng DN, nhất là DN Việt tăng tốc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu.
Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ. Trong ảnh: Chế biến cao su xuất khẩu tại một nhà máy của Công ty TNHH MTV tổng công ty cao su Đồng Nai. Ảnh: V.THẾ |
Đồng hành cùng DN, Đồng Nai đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành để triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế”.
* Phục hồi sản xuất trong thời bình thường mới
Năm 2021 là năm mà bức tranh sản xuất trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung có những xáo trộn nhất định trong các khoảng thời gian khác nhau do tác động của dịch bệnh. Khó khăn bủa vây nhưng cuối năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước vẫn đạt được 2,8%. Đối với Đồng Nai, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng tương ứng là 2,15%. Dù đây là những con số tăng trưởng không đạt mục tiêu ban đầu song vẫn rất ấn tượng. Đặt trong bối cảnh TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm thì 2 địa phương lân cận là Đồng Nai, Bình Dương đều tăng trưởng trên 2% dù dịch bệnh diễn biến phức tạp đã cho thấy sự nỗ lực lớn của cộng đồng DN và toàn xã hội.
Sự phục hồi của nền kinh tế được thể hiện một phần khi năm 2022 Đồng Nai dự báo cần khoảng 130 ngàn lao động vì rất nhiều DN thành lập mới, nhiều DN mở rộng sản xuất... Tuy vậy, việc tuyển dụng lại đang rất khó khăn do sự cạnh tranh về lao động. Các DN cho hay, để có thể bổ sung vào số lao động thiếu hụt, bộ phận tuyển dụng nhân sự đã tìm các giải pháp từ tuyển dụng trực tiếp tại các sàn giao dịch việc làm đến tuyển dụng qua mạng xã hội… Đồng thời tổ chức các đoàn tuyển dụng về tới các tỉnh ở Tây nguyên, Tây Nam bộ… phối hợp với địa phương để tuyển dụng lao động. |
Quý III-2021 là giai đoạn mà kinh tế Đồng Nai cũng như cả nước sụt giảm mạnh. Sang quý IV, xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là 2 tháng cuối năm. Điều này đã đưa kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai năm 2021 đạt hơn 21,8 tỷ USD, tăng 16,16% so với năm 2020, vượt mục tiêu đặt ra là tăng từ 8,1-8,5%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 thực hiện xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Bước sang năm 2022, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn những tháng đầu năm. Điều này cho thấy công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu 2022 năm tăng 6,41% so với cùng kỳ. Sản xuất hồi phục nên xuất khẩu cũng tăng trưởng ấn tượng khi đạt giá trị hơn 8,7 tỷ USD, tăng 16,32% so với cùng kỳ. Trong đó kinh tế nhà nước tăng 12,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,5% và kinh tế ngoài nhà nước tăng trưởng hơn 41%. Điều đó chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ của cộng đồng DN tư nhân, trong cùng kỳ, có thêm gần 1,4 ngàn DN thành lập mới khi cơ hội khởi nghiệp, mở rộng quy mô hoạt động vẫn tiếp tục thu hút.
Là DN sản xuất bao bì, Công ty CP Sản xuất bao bì công nghiệp Toàn Cầu (Glopaco) trong năm 2021 có tăng trưởng hơn 20%. Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty cho hay, điều này có được nhờ nhu cầu lớn trong mảng bao bì nông sản và phân bón. Trong đó xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng khá nên nhu cầu cho lĩnh vực này của các đối tác tăng cao, giúp cho DN đứng vững và vượt qua khó khăn trong đại dịch
Mặc dù đã có được vị thế đối với khách hàng truyền thống của mình, DN này vẫn tiếp tục hiện đại hóa quản trị sản xuất, quản trị nhân sự và đầu tư công nghệ và lấy đó làm năng lực cạnh tranh. “Tái đầu tư sản xuất là nhiệm vụ số một nên DN đã chuẩn bị được quỹ đất 1,2ha trong khu công nghiệp để đầu tư thêm một nhà máy mới hiện đại, quy mô và có hệ thống máy móc tiên tiến hơn. Từ đó mở rộng thị trường và số lượng khách hàng cũng như nâng cao tỷ trọng xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á so với chỉ 10% giá trị sản xuất như hiện nay” - ông Chính cho biết.
Công ty CP Diệp Nam Phương là DN chuyên kinh doanh mặt hàng thép không gỉ. Xác định ngách thị trường là phân khúc cao cấp, Diệp Nam Phương chỉ nhập khẩu hàng chính phẩm loại 1 từ các thương hiệu nổi tiếng thế giới về phục vụ sản xuất, thương mại ở thị trường trong nước. Với doanh thu hằng năm 250 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9% sản lượng bán ra thị trường từ thương hiệu Aceinox và 3% cho các thương hiệu còn lại, Diệp Nam Phương được nhìn nhận là một trong số ít những DN có thực lực của mặt hàng thép không gỉ ở các tỉnh, thành phía Nam.
“Làm thực, làm đúng với những gì mình đã công bố và cam kết với khách hàng là một trong những giải pháp và mục tiêu mà chúng tôi luôn nhắc nhở, thực hiện để tạo sự tin tưởng của đối tác. Từ đó nâng sức cạnh tranh của mình và cũng giúp DN sớm phục hồi” - ông Nguyễn Hữu Thật, Giám đốc công ty chia sẻ.
* Đồng hành hỗ trợ DN
Bắt đầu từ cuối tháng 9-2021, Đồng Nai từng bước chuyển trạng thái sang bình thường mới. Từ đây, các hạn chế cấp bách từng bước được nới lỏng để DN thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đó cũng là thời gian mà DN trên địa bàn tỉnh tăng tốc phục hồi, vừa đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đặt ra của từng đơn vị, vừa góp phần phục vụ mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phát triển được sản xuất kinh doanh và ổn định xã hội mà tỉnh đặt ra.
Đánh giá về sự đóng góp và tầm quan trọng của việc phục hồi sản xuất của DN nói riêng và kinh tế cả tỉnh nói chung, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng DN là trụ cột để Đồng Nai phục hồi kinh tế. Để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, Đồng Nai đã thành lập tổ công tác đặc biệt giúp nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh, vướng mắc của DN trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bước sang năm 2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị để điều chỉnh các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn. Mục tiêu được đặt ra là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; các giải pháp nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương. Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 đảm bảo chất lượng, xứng tầm vị thế và tiềm năng của tỉnh.
Theo Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương, đến nay, các DN đã cơ bản hồi phục các khâu sản xuất, kinh doanh của mình. DN chung tay cùng địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là những khó khăn, tác động của tình hình thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng, nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng như ách tắc trong khâu vận chuyển… Do vậy, cùng với sự nỗ lực của mình, cộng đồng DN mong muốn thời gian tới, bên cạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ như từ trước đến nay, chính quyền địa phương cũng cần nghiên cứu những giải pháp mới phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ thêm cho DN.
Vương Thế - Hoàng Lộc - Vi Lâm
Bài cuối: Giai đoạn mới, tư duy mới