Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp 'vượt bão' Covid-19

08:05, 21/05/2022

Hơn 2 năm qua, tình hình kinh tế cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng, gặp rất nhiều thử thách do đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đứng trước nhiều khó khăn tưởng như không vượt qua nổi.

Hơn 2 năm qua, tình hình kinh tế cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng, gặp rất nhiều thử thách do đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cũng đứng trước nhiều khó khăn tưởng như không vượt qua nổi. Nhờ những chính sách quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ DN trong công tác tiêm vaccine ngừa bệnh cũng như các giải pháp về tài chính, tiền tệ hỗ trợ DN của Chính phủ mà tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN đã từng bước hồi phục. DN đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để thực hiện nhiệm vụ, góp phần vào mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế
Sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp An Phát (TP.Biên Hòa). Ảnh: Vương Thế

Bài 1: Thời kỳ khó khăn “bủa vây”

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra nghiêm trọng hơn so với năm 2020 và đến hiện tại vẫn đang còn nhiều khó khăn. Đối với cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai, nhiều chủ DN cho hay, có những thời điểm “sức cùng lực kiệt”, DN đối mặt với bài toán tồn tại hay không tồn tại. Những thời điểm khó khăn cũng chứng tỏ sức sống của DN, quyết tâm không từ bỏ, bám trụ để chờ thời cơ phục hồi.

* Liên tiếp đối mặt thử thách

Ca bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào cuối năm 2019 và lan rộng ra thế giới trong năm 2020. Đặc biệt, năm 2021 là năm mà dịch bệnh Covid-19 tiếp tục hoành hành với mức độ chưa từng có. Từ tất cả các châu lục, quốc gia lớn nhỏ đều bị ảnh hưởng. Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng có những thời điểm làn sóng dịch bệnh cuốn ào ào tới, lắng dịu rồi lại xuất hiện làn sóng mới.

Nhìn lại quãng thời gian hơn 2 năm qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cho rằng, chưa bao giờ họ gặp phải những sóng gió liên tiếp như vậy. Ngay cả thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2009 cũng không có mức độ lớn như vừa qua.

Là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu lớn của tỉnh, chế biến gỗ Đồng Nai có tới 1,5 ngàn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đứng thứ 2 về xuất khẩu gỗ của cả nước. Trong những thời điểm xảy ra dịch bệnh, đặc biệt là giữa năm 2021, khi nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh phải cách ly y tế, phong tỏa để phòng, chống dịch thì DN đối mặt với hàng loạt khó khăn.

Hồi tưởng lại thời gian đó, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Lê Xuân Quân cho hay, hàng loạt hội viên trong hiệp hội đều gặp khó. Không chỉ ngành gỗ mà các DN sản xuất, kinh doanh khác cũng rất lao đao.

“Nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế vì dịch bệnh, có những thời điểm nhiều DN hội viên của chúng tôi chỉ còn phân nửa công nhân làm việc, thậm chí nhiều nhà xưởng phải tạm ngưng sản xuất một thời gian vì quá nhiều người bị nhiễm Covid-19. Riêng DN tôi cố gắng duy trì sản xuất “3 tại chỗ” cho một bộ phận anh em trong 1 ngàn lao động cũng là nỗ lực rất lớn” - ông Quân nói.

Cũng theo ông Lê Xuân Quân, chống chịu, cầm chừng rồi thì khó khăn cũng dần trôi qua khi Đồng Nai từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hơn hết là công nhân lao động được tỉnh ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19. Từ đó, DN có đà phát triển mạnh hơn cho đến nay. Mặc dù vậy, khó khăn chưa bao giờ kết thúc. Hiện nay, khó khăn là đối mặt với nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất và giá cả các mặt hàng tăng cao, cùng với đó là cước phí vận chuyển “ăn mòn” lợi nhuận của DN. Những khó khăn cố hữu lâu nay như: năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ và nhân lực cũng làm giảm sức cạnh tranh của DN.

Doanh nghiệp Đồng Nai trong giai đoạn sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: V.Thế
Doanh nghiệp Đồng Nai trong giai đoạn sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: V.Thế

Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Seiko, chuyên sản xuất các mặt hàng công nghiệp phụ trợ ngành nhựa, cho biết dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu hàng hóa bị chậm lại, giá chi phí vận chuyển đội lên. Giá nguyên liệu trên thế giới và Việt Nam tăng cao, trong khi đơn hàng giảm so với trước nhưng giá thành sản phẩm xuất ra không được thay đổi vì đã ký hợp đồng trước. Có những đơn hàng xuất đi tìm mãi không có container để vận chuyển, điều đó kéo theo nhiều thứ. Chưa kể các DN đối tác cũng chậm xuất hàng nên cấu kiện, linh kiện phải nằm chờ các nhà máy đó tới nhận.

“Chúng tôi xác định phải “sống chung với lũ” nên từng bước tìm cách vượt qua khó khăn. Sống chung với lũ rồi thì bạn cũng sẽ tìm ra được quỹ đạo của nó, từ đó xác định được hướng đi phù hợp hơn” - ông Tân chia sẻ.

Đồng Nai là một trong số ít tỉnh, thành có thu ngân sách, xuất khẩu, công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc tốp lớn nhất cả nước. Vì thế, kinh tế của Đồng Nai suy giảm gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế cả nước. May mắn là trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, dù Đồng Nai là một trong những địa phương bị ảnh hưởng rất lớn, tỉnh cũng đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế, trợ giúp DN hồi phục.

* Trong khó khăn, vẫn đồng hành chống dịch

Từ các DN tư nhân lớn trên địa bàn, các tổng công ty nhà nước đến các nhà đầu tư nước ngoài đều hưởng ứng các chương trình vận động của Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Các DN trên địa bàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cùng triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Quầy hàng nhân ái; Tiếp sức tuyến đầu gửi trọn niềm tin; động viên tinh thần đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và chiến sĩ lực lượng vũ trang; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19; trao tặng, ủng hộ bình oxy cho chương trình ATM - oxy; Túi thuốc an sinh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện và các bệnh viện dã chiến…

Theo ông Lê Xuân Quân, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai có gần 160 hội viên. Ngay từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hiệp hội có nhiều chương trình ủng hộ, trong đó đã thành lập Quỹ Hỗ trợ thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 cùng Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 và kêu gọi các hội viên đóng góp.

Ngoài ra, hiệp hội đã trao tặng hàng trăm giường y tế cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh đó, nhiều DN lớn, nhỏ trong tỉnh cũng tùy theo tình hình thực tế có sự góp sức phù hợp. Trong số đó phải kể đến Công ty CP Đầu tư kinh doanh Golf Long Thành. Với tiềm lực lớn, DN này đã ủng hộ 500 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine phòng, chống dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động, ủng hộ hệ thống máy xét nghiệm SARS-CoV-2 RT-PCR trị giá 5,2 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tặng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 4 máy thở oxy dòng cao (HFNC)… Ngoài ra, DN còn ủng hộ 1 ngàn tấn gạo cho người dân các địa phương trong tỉnh thông qua sự tiếp nhận của MTTQ các cấp.

Tiếp nhận những sự hỗ trợ nói trên, lãnh đạo tỉnh nhận định rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy trách nhiệm của cộng đồng DN. Các DN hết sức ủng hộ và chống dịch ngay tại cơ sở của mình. Họ tham gia cùng Nhà nước, chính quyền, đóng góp của cải vật chất và công sức để cùng nhau chống dịch. Đó là cơ sở để Đồng Nai phát huy sức mạnh tập thể, từng bước kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh.

“Dù trong bối cảnh liên tiếp nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của các DN bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm sút, phải “gồng mình” để giải quyết lương, phụ cấp hỗ trợ người lao động…, nhưng các DN chúng tôi vẫn luôn hướng về cộng đồng và luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà địa phương đang gặp phải” - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh chia sẻ.

Vương Thế - Hoàng Lộc - Vi Lâm

Bài 2: Phục hồi và tăng trưởng

Tin xem nhiều