UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) cho ý kiến về việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai để địa phương có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh vừa có văn bản đề nghị Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa LHQ (UNESCO) cho ý kiến về việc xây dựng cầu Mã Đà và tuyến quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai để địa phương có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực nơi được tỉnh Bình Phước đề xuất xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Ảnh: N.Tùng |
* “Lá phổi xanh” của vùng Đông Nam bộ
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được UNESCO công nhận vào ngày 29-6-2011 trên cơ sở nâng cấp và đổi tên từ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Tiên. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có tổng diện tích 756 ngàn ha, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông.
Theo UBND tỉnh, trên địa bàn Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia. Do đó, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các di tích lịch sử cách mạng. |
Ngay từ khi được công nhận, UBND tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên, Đồng Nai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) và Vườn quốc gia Cát Tiên là 2 vùng lõi quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai tập trung bảo vệ diện tích rừng, trồng bổ sung rừng mới. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cho hay, một trong những chức năng, nhiệm vụ chính của Khu bảo tồn là tổ chức quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi các hệ sinh thái rừng, cảnh quan tự nhiên và các loài động vật rừng, góp phần mở rộng nơi cư trú cho các loài động vật hoang dã. Tạo ra phạm vi bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nối liền với Vườn quốc gia Cát Tiên, mở rộng vùng địa lý sinh thái đặc thù của miền Đông Nam bộ. “Đến nay, rừng Khu bảo tồn đã phát triển ổn định, đa dạng sinh học, đang dần được phục hồi và nâng cao” - ông Nguyễn Hoàng Hảo cho biết.
Với những giá trị nói trên, theo UBND tỉnh, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được xem là lá phổi xanh của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đây là nơi kết nối các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa, lịch sử cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp.
* Xây dựng quốc lộ 13C không phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp
Ngày 20-3-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về việc xây dựng cầu Mã Đà để kết nối và nâng cấp tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang (tỉnh Đồng Nai) với đường Đồng Xoài - Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) thành quốc lộ 13C đi qua lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Tuy nhiên, việc xây dựng cầu Mã Đà cũng như quốc lộ 13C với khoảng 40km đường đi xuyên qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai lại làm dấy lên lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.
Vì vậy, trong văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, UBND tỉnh cũng đã nêu các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp quy định về việc can thiệp đến di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt và làm cầu, làm đường trong rừng.
Cụ thể, theo quy định tại các điểm a và b, Khoản 1, Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Khu bảo tồn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai được công nhận là di sản thiên nhiên. Đồng thời, theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; căn cứ vào giá trị nổi bật của thiên nhiên cần được bảo vệ, bảo tồn thì Khu bảo tồn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thuộc nhóm di sản về đa dạng sinh học cao.
Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp, nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước. Căn cứ vào quy định này, UBND tỉnh cho rằng, việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C đi qua phân khu phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn là không phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp.
Theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, nếu chuyển từ đất rừng đặc dụng sang mục đích khác, địa phương phải trình Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Theo UBND tỉnh, căn cứ vào các quy định pháp luật, việc xây dựng cầu Mã Đà tạo ra tuyến đường gần 40km đi xuyên qua vùng lõi Khu bảo tồn đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ nghiêm diện tích rừng hiện hữu, sinh cảnh sống của các loài động vật quý, hiếm và gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Khi có tuyến đường đi xuyên qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng cháy rừng trong mùa khô.
Cũng theo UBND tỉnh, việc xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua rừng của Khu bảo tồn và vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ đi ngược lại định hướng chung là hạn chế phương tiện và dân cư lưu thông xuyên qua rừng nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được nghiêm ngặt, tránh tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng từ các đối tượng lợi dụng đường giao thông đi xuyên qua rừng.
Đánh giá về ảnh hưởng của việc xây dựng cầu Mã Đà cũng như tuyến quốc lộ 13C đối với Khu bảo tồn và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, UBND tỉnh cũng cho biết, ngày 20-1-2022, Ủy ban Quốc gia chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam (MABVN) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ TN-MT, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội. Trong đó, MABVV đã kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà vì việc xây dựng đường, cầu và các hạng mục phụ trợ sẽ kéo theo việc hình thành tuyến đường dài hơn 40km đi xuyên qua vùng lõi của rừng đặc dụng sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Đây là các hoạt động vi phạm nghiêm trọng Chiến lược Seville của UNESCO/MAB (chương trình Con người và sinh quyển), đi ngược định hướng của Chiến lược MAB 2015-2025, Kế hoạch hành động Lima 2016-2025. Nếu tổ chức UNESCO can thiệp thì sẽ thu hồi danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Phạm Tùng