Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy hoạch cần sát hơn với thực tiễn

11:04, 22/04/2022

Trong chuyến khảo sát nắm bắt tiến độ đầu tư, tình hình hoạt động các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh vào ngày 1-4 và các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện những ngày gần đây đã cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cần được xử lý triệt để, nhằm hạn chế tối đa tác động của chất thải, hoạt động xử lý chất thải đến môi trường và đời sống người dân.

Trong chuyến khảo sát nắm bắt tiến độ đầu tư, tình hình hoạt động các khu xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh vào ngày 1-4 và các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh do HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện những ngày gần đây đã cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cần được xử lý triệt để, nhằm hạn chế tối đa tác động của chất thải, hoạt động xử lý chất thải đến môi trường và đời sống người dân.

Đối với việc thu gom, vận chuyển chất thải, hiện vẫn còn nhiều đơn vị xử lý chất thải sử dụng phương tiện vận chuyển, thu gom rác không đạt chuẩn; người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nhưng vì nhiều lý do, các đơn vị xử lý chất thải lại thu gom, tập kết và xử lý chung với nhau khiến việc phân loại rác từ các hộ dân được các cơ quan chức năng của tỉnh ra sức tuyên truyền, vận động thời gian qua trở nên vô ích. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển rác, nước rỉ rác chảy ra đường, nhiều bãi rác trung chuyển gây ô nhiễm môi trường…

Trong khi đó, các đơn vị xử lý rác cho rằng, do không có vốn để đầu tư xe thu gom rác riêng từng loại, phí thu gom rác quá thấp, không đủ tiền thuê thêm công nhân vệ sinh nên phải thu gom, xử lý chung. Mức phí thu gom rác tỉnh ban hành cả chục năm, đến nay không còn phù hợp với thực tế, doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý tốn nhiều chi phí nhưng mức giá trần tỉnh đưa ra thấp nên không thể tham gia đấu thầu xử lý rác thải sinh hoạt; các địa phương còn nợ số tiền xử lý rác rất lớn, trong nhiều năm nên doanh nghiệp không thể đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại; doanh nghiệp đầu tư nhà máy, công nghệ theo công suất được tỉnh duyệt nhưng lượng chất thải tiếp nhận ít. Đáng chú ý là việc đấu thầu xử lý rác hằng năm gây khó khăn cho doanh nghiệp xử lý rác, bởi đầu tư dây chuyền, công nghệ xử lý rác hiện đại tốn chi phí rất lớn, nhưng nếu trong năm đấu thầu không trúng thì không có rác để xử lý, công nghệ máy móc sẽ để “trùm mền”…

Ngoài ra, các khu xử lý chất thải hiện hữu đã được duyệt quy hoạch từ 10 năm trước. Thời điểm đó, công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp hoặc đốt tiêu hủy, tái chế và tái sử dụng. Thời gian qua, các khu xử lý chất thải chủ yếu tập trung khâu xử lý, chưa đầu tư tái chế, tái xử lý. Đáng chú ý, các khu xử lý chất thải hiện đáp ứng tỷ lệ chôn lấp dưới 15%, nhưng thực tế chưa có cơ sở, số liệu chỉ do chủ đầu tư báo cáo. Qua kiểm tra thực tế các khu xử lý chất thải cho thấy, một số bãi nén, xay chất thải thành mùn rồi chôn lấp.

Đặc biệt, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, công tác quy hoạch quản lý, xử lý chất thải cần phải tính toán lại, bởi quy hoạch các khu xử lý chất thải có công suất quá lớn, vượt xa thực tế. Như chất thải nguy hại, trong năm 2021, toàn tỉnh mới phát sinh 501 tấn/ngày nhưng quy hoạch lên đến gần 4,2 ngàn tấn/ngày, gấp 8 lần; hay công suất quy hoạch chất thải công nghiệp hơn 4,5 ngàn tấn, nhưng chất thải công nghiệp thực tế chỉ có 1,3 ngàn tấn… Vì xác định công suất quá lớn dẫn đến quy hoạch diện tích lớn, lãng phí đất đai.

Quy hoạch xử lý chất thải tốt sẽ góp phần giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, qua đó tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, từng bước thay đổi thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần đề ra các chính sách đồng bộ nhằm đưa hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải ngày càng hiệu quả, để môi trường sinh thái của Đồng Nai ngày càng được bảo vệ tốt hơn, hướng đến một tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh và bền vững.        

Phạm Mai

Tin xem nhiều