Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, nhất là các chủ doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ chịu nhiều tác động. Hoạt động kinh doanh dù có dấu hiệu phục hồi nhưng nhìn chung sức mua của nhiều loại hình dịch vụ, cửa hàng vẫn chưa đúng với kỳ vọng.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà đầu tư, nhất là các chủ doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ chịu nhiều tác động. Hoạt động kinh doanh dù có dấu hiệu phục hồi nhưng nhìn chung sức mua của nhiều loại hình dịch vụ, cửa hàng vẫn chưa đúng với kỳ vọng.
Thông báo cho thuê mặt bằng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Phương |
Do đó, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh vẫn còn e dè, thận trọng hơn trong việc thuê mặt bằng mở cửa hàng… Tại một số trung tâm thương mại, những vị trí đắc địa trên các tuyến đường nội ô ở TP.Biên Hòa, nhiều mặt bằng vẫn đang… chờ người thuê.
* “Dư âm” của đại dịch
Ông Tường Quy (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây, tôi có thuê mặt bằng khoảng 40m2 ở gần công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) để kinh doanh quán ăn uống đêm với mức giá thuê 12 triệu đồng/tháng, hợp đồng thuê 1 năm, sau mỗi năm tăng thêm 10%. Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 và những biến động kinh doanh “hết đóng rồi mở”, doanh số của quán bị sụt giảm; đồng thời, quán phải gồng gánh nhiều chi phí như: mặt bằng, nhân sự, tân trang lại quán... Do vậy, cuối năm rồi, tôi quyết định thanh lý luôn hợp đồng để trả mặt bằng bởi ý định khởi nghiệp cũng khó cầm cự lâu dài vì giá thuê mặt bằng và các chi phí phát sinh khi vật giá leo thang”.
Đối với nhiều chuỗi hệ thống kinh doanh dịch vụ, dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, nhất là chuỗi kinh doanh về dịch vụ ăn uống, thời trang. Nhiều chuỗi cửa hàng đã phải cắt giảm các chi phí về nhân sự, mặt bằng, thậm chí còn thu hẹp hệ thống để đảm bảo duy trì hoạt động, thích ứng trước những biến động của thị trường, rủi ro về dịch bệnh…
Ông Anh Vũ, quản lý một chuỗi quán ăn ở TP.Biên Hòa chia sẻ, hiện chi phí thuê mặt bằng của các chi nhánh trung bình vào khoảng 20 triệu đồng/mặt bằng/tháng, riêng chi nhánh chính với mặt bằng rộng ở khu vực mặt tiền đường lớn khoảng 60 triệu đồng/tháng. Để tiết giảm chi phí vận hành, dồn sức tân trang, đầu tư cửa hàng chính, các chi nhánh hoạt động hiệu quả, chuỗi cửa hàng đã điều chỉnh hoạt động từ 10 chi nhánh xuống còn 7 chi nhánh.
Ngoài ra, thời gian gần đây, do vật giá leo thang nên nhiều cửa hàng dịch vụ có xu hướng đẩy mạnh kinh doanh theo hình thức các ki-ốt, xe đẩy bán hàng để giảm chi phí mặt bằng hoặc chuyển sang kinh doanh online…, càng khiến cho thị trường mặt bằng cho thuê có phần trầm lắng hơn.
* Cần tiếng nói chung giữa chủ mặt bằng và khách thuê
Trước những biến động của thị trường, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng cao tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh mong muốn được các chủ cho thuê mặt bằng xem xét, cân đối lại giá cho thuê hoặc có thêm những hỗ trợ để hoạt động kinh doanh được duy trì ổn định, từng bước phục hồi, thích ứng trong trạng thái bình thường mới.
Ông Anh Vũ chia sẻ thêm: “Tình hình kinh doanh giai đoạn “hậu Covid-19” mới bắt đầu có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ chưa ổn định, chi phí đầu vào phát sinh... Do đó, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh như tôi rất mong chủ cho thuê mặt bằng có thêm các phương án hỗ trợ phù hợp để phần nào giúp các cửa hàng sớm vực dậy tình hình kinh doanh sau dịch, hướng tới sự hợp tác lâu dài, ổn định”.
Nhiều chủ cho thuê mặt bằng bắt đầu “xuống nước”, hạ giá thuê hoặc linh hoạt hơn đối với phương án cho thuê, thời hạn thuê hoặc các điều khoản về điều chỉnh giá thuê để chia sẻ những khó khăn của người đang thuê hoặc thu hút khách thuê mới trong giai đoạn này. Tuy nhiên, trên thực tế, để người thuê và người cho thuê mặt bằng có được tiếng nói chung vẫn cần có thêm sự thỏa thuận, đồng lòng giữa hai phía.
Bà Thiên Hương (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay, bà có căn nhà khoảng 50m2 1 trệt 1 lầu trong con hẻm lớn đường Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) dành để cho thuê. Vào năm ngoái, bà dự định cho thuê với mức giá 6 triệu đồng/tháng, nhưng dịch bùng phát khiến bà rao vài lần không được. Đến khoảng cuối năm 2021, sau nhiều lần cân nhắc, bà cũng đã hạ giá cho một hộ kinh doanh cắt tóc và gội đầu thuê với mức giá 4 triệu đồng/tháng, hợp đồng ít nhất 1 năm và chỉ cần cọc trước 1 tháng. Nhìn chung, điều kiện và giá thành thuê đã “giảm nhiệt” dù thị trường vật giá đang “tăng nhiệt” rất nhiều so với trước nhằm chia sẻ khó khăn chung với các hộ kinh doanh trực tiếp.
Trong khi đó, ông H.T. (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, gia đình ông có căn nhà mặt tiền đường D4, P.Thống Nhất với diện tích 72m2, 1 trệt 2 lầu đang rao cho thuê với giá 16 triệu đồng/tháng. Trước đây, có người thuê hợp đồng 1 năm để kinh doanh quần áo, phụ kiện nhưng dịch bệnh cùng với những xu hướng thay đổi mua sắm trực tuyến nhiều hơn khiến doanh thu của cửa hàng này sụt giảm. Trong giai đoạn dịch bệnh, ông chia sẻ khó khăn chung bằng cách giảm 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng bên thuê không thể cầm cự được, sau khi hết hợp đồng đã ngừng thuê.
“Mặc dù tình hình cho thuê mặt bằng kinh doanh, văn phòng có phần ảm đạm hơn so với trước kia nhưng tôi không muốn bị “ép giá” bởi với mặt tiền đắc địa, ở trung tâm thành phố tổng diện tích sử dụng hơn 200m2 thì giá tôi đưa ra đã khá mềm so với trước. Ngoài ra, cho thuê mặt bằng còn phải tính khấu hao giá trị nhà theo thời gian, tính theo giá trị trường...” - ông T. chia sẻ.
Theo đại diện một số trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa, tình hình cho thuê mặt bằng, ki-ốt có những chuyển biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là các gian hàng, chuỗi cửa hàng có tiềm lực về vốn, duy trì hoạt động ổn định từ sau dịch. Còn đối với các ki-ốt, gian hàng mà người thuê cũ trả lại mặt bằng trong đợt dịch Covid-19 thì nhìn chung vẫn chưa dễ kiếm khách thuê mới. Hiện “độ phủ” các gian hàng, ki-ốt đang hoạt động tại nhiều trung tâm thương mại ở TP.Biên Hòa đạt khoảng 65-80%. |
Lam Phương