Báo Đồng Nai điện tử
En

Áp lực để hạn chế đà tăng lạm phát

08:03, 28/03/2022

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, quý I năm nay là thời gian mà giá tiêu dùng (CPI) có sự gia tăng cao so với nhiều năm trở lại đây.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, quý I năm nay là thời gian mà giá tiêu dùng (CPI) có sự gia tăng cao so với nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2022 so với tháng trước tăng 1,57%, là tháng có chỉ số giá tăng cao nhất trong quý I năm nay, mặc dù là tháng sau Tết Nguyên đán. So với tháng 12-2021, chỉ số giá 3 tháng đầu năm tăng 3,03%, là quý I có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với các năm gần đây.

Trong 11 nhóm hàng thì có 9 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Tính ra, chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục do vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này còn hạn chế. Các nhóm hàng còn lại đều có mức tăng cao, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất (+18,25%) do ảnh hưởng của tình hình chính trị bất ổn trên thế giới làm cho giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục tăng.

Từ góc độ Đồng Nai, nhìn tổng thể cả nước thời gian qua, khi cộng đồng doanh nghiệp đang hồi phục sản xuất, các hoạt động trở lại bình thường, nền kinh tế cũng phải chịu áp lực lạm phát từ sự gia tăng đột biến của tổng cầu trong giai đoạn hậu Covid-19. Trong khi đó, chuỗi cung ứng chưa ổn định và nguồn cung hạn chế dẫn đến khó đáp ứng mức tăng lớn của tổng nhu cầu từ người tiêu dùng.

Đối với sản xuất, giá cả nguyên liệu đầu vào nhiều mặt hàng liên tiếp lập đỉnh, giá xăng dầu tăng dựng đứng, các chi phí về vận chuyển logistics vẫn neo ở mức cao, chưa hạ nhiệt, mặt khác còn cộng thêm những yếu tố như tâm lý tăng giá, “té nước theo mưa”… cũng góp phần làm cho chỉ số giá tăng trong thời gian qua. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, diễn biến dịch bệnh, tình hình thế giới vẫn còn rất phức tạp, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao cho rất khó để đảm bảo nếu không có sự chủ động.

Đối với doanh nghiệp, chủ động từ việc xây dựng hệ thống phân phối để giữ sự ổn định sản xuất, tìm các nguồn hàng thay thế nếu như giá cả các nguyên liệu đầu vào gia tăng. Với người dân, giá cả các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng là điều tất yếu, thắt chặt chi tiêu, hạn chế nhu cầu không cần thiết và “bình tĩnh” chấp nhận, không tích trữ quá mức, cũng là giải pháp góp phần ổn định thị trường. Về phía Nhà nước, cần tăng cường công tác kiểm soát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát luôn chực chờ.       

         Văn Gia

Tin xem nhiều