Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp ''chóng mặt'' trước ''bão giá'' nguyên liệu đầu vào

11:02, 18/02/2022

Giá các loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu, liên tục tăng cao khiến các DN sản xuất phải "gồng mình" để chống đỡ. Trong khi đó, các gói hỗ trợ vẫn chưa đến được với DN.

Giá các loại nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu, liên tục tăng cao khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất phải “gồng mình” để chống đỡ. Trong khi đó, các gói hỗ trợ vẫn chưa đến được với DN.

Hoạt động vận tải hàng hóa đang “cõng” chi phí cao từ giá xăng dầu. Ảnh: V.Gia
Hoạt động vận tải hàng hóa đang “cõng” chi phí cao từ giá xăng dầu. Ảnh: V.Gia

* Đồng loạt tăng giá

Năm 2021, giá mủ cao su liên tục tăng và đà tăng này được dự báo sẽ tiếp tục tiếp diễn trong năm 2022. Giá mủ cao su tăng mang lại niềm vui cho các DN khai thác, chế biến mủ cao su nhưng lại là bài toán khó giải đối với các DN sử dụng cao su là nguyên liệu đầu vào.

Là nhà sản xuất găng tay cao su lớn của Đồng Nai, mỗi năm Công ty TNHH Nam Long sử dụng hơn 3 ngàn tấn mủ cao su phục vụ sản xuất. Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho hay, hiện nay giá mủ cao su liên tục tăng nhưng giá thành sản phẩm lại không tăng tương ứng nên DN gặp rất nhiều khó khăn để cân đối trong sản xuất.

Bên cạnh giá mủ cao su, thời gian qua, giá các loại mặt hàng như sắt thép, nhôm kính cũng liên tục tăng. Trên thị trường thế giới, giá nhôm đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, do nhu cầu bùng nổ. Trong khi đó, hàng loạt nhà máy luyện nhôm từ Trung Quốc đến châu Âu phải đóng cửa dẫn đến nguy cơ thiếu hụt mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng này.

Khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao khiến các nhà sản xuất, chế tạo các sản phẩm sử dụng nhôm làm nguyên liệu đầu vào đối mặt với nhiều nỗi lo.

Ông Đinh Đức Điền, Giám đốc Công ty TNHH Cửa Gia An (H.Nhơn Trạch) cho biết, hiện giá nhôm đứng ở mức đỉnh sau Tết Nguyên đán 2022 làm cho chi phí sản xuất của DN phải tăng theo. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Tương tự, các nhà thầu xây dựng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi giá sắt thép, nhôm tăng cao.

Trong ngành chăn nuôi, sau Tết Nguyên đán 2022, giá thức ăn chăn nuôi cũng hòa chung xu thế tăng giá của hầu hết các mặt hàng. Phần lớn các DN sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đều đã thông báo sẽ tăng giá bán thức ăn chăn nuôi.

Cụ thể, Công ty CP MNS Feed (Hệ thống nhà máy Proconco & Anco) cho biết, sẽ điều chỉnh giá bán thức ăn chăn nuôi tăng thêm 300 đồng/kg đối với nhóm sản phẩm Bio-Zeem đỏ cho heo và gà thịt; tăng giá thêm 240 đồng/kg đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi cho gia cầm đẻ và tăng giá 200 đồng/kg đối với các nhóm sản phẩm còn lại.

Công ty TNHH De Hues thông báo sẽ tăng giá 300 đồng/kg đối với thức ăn chăn nuôi đậm đặc dành cho heo, gà; tăng giá 240 đồng/kg đối với thức ăn chăn nuôi dành cho heo con và tăng 200 đồng/kg đối với tất cả các loại thức ăn chăn nuôi còn lại. Giá thức ăn chăn nuôi nêu trên sẽ được áp dụng cho đến khi có thông báo mới.

Đối với ngành sản xuất gỗ, trong suốt năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, các DN chế biến, xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh nhận được rất nhiều đơn hàng. Tuy nhiên, việc sản xuất lại gặp trở ngại khi giá gỗ nguyên liệu, phụ kiện phục vụ sản xuất cũng liên tục tăng. Hiện nay, nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước cung cấp chính đang thiếu nguồn cung hoặc bị gián đoạn chuỗi cung, từ đó giá bị đẩy lên cao. Khó khăn càng lớn hơn khi tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container dẫn đến giá cước phí vận tải tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

* Xăng dầu trở thành gánh nặng

Thời gian qua, trong số các mặt hàng nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá thì xăng dầu chính là mặt hàng tăng giá “sốc” nhất. Việc giá xăng dầu lên cao càng khiến DN sản xuất thêm lao đao bởi đây là mặt hàng nguyên liệu đầu vào rất quan trọng. Trong số này, các DN vận tải là đối tượng phải “chịu trận” nặng nề nhất. Vừa mới bắt đầu hồi phục được một phần sau khi phải “lao đao” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nay các DN vận tải lại phải đối mặt với thách thức lớn khi giá xăng dầu tăng liên tục.

Từ ngày 11-2 đến nay, giá xăng dầu tăng cao ở mức tăng kỷ lục trong vòng 8 năm qua, vượt ngưỡng 25 ngàn đồng/lít với xăng RON 95. Điều này đang trực tiếp trở thành gánh nặng “đè” lên các DN vận tải.

HTX Dịch vụ vận tải Thành Phát (TP.Biên Hòa) hiện có gần 3 ngàn thành viên hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách ở Đồng Nai cũng như khắp cả nước. Hoạt động kinh doanh của đơn vị này trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chu Thế Thành, đại diện HTX cho hay, suốt nhiều tháng qua, các phương tiện hoạt động cầm chừng vì thiếu hàng hóa để vận chuyển. Khi hoạt động sản xuất và vận tải bắt đầu phục hồi thì giá xăng lại liên tục tăng. “Thời điểm hiện nay, phương tiện chạy cũng lỗ mà không chạy càng nguy hiểm hơn, bởi hầu hết các thành viên đều có thế chấp xe ở ngân hàng. Do vậy, bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cách để chạy” - ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Thành, không chỉ gặp khó khăn do xăng dầu tăng giá mà ngành vận tải còn phải đóng đủ các loại thuế, phí khác. Nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, các loại phí bảo hiểm không được giảm; tiền thu kho bãi cũng tăng cao. Bên cạnh đó là tình trạng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu với Trung Quốc, nhiều phương tiện của đơn vị vẫn còn nằm tại đây, do vậy các chi phí phát sinh lại càng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu tăng giá cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, khiến giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân và lợi thế cạnh tranh của DN.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích