Báo Đồng Nai điện tử
En

Nội địa hóa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

11:12, 07/12/2021

Suốt thời gian dài, ngành chăn nuôi trong nước rơi vào cảnh giá bán thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại tăng cao do phụ thuộc vào nhập khẩu với chi phí vận chuyển hiện đã tăng gấp nhiều lần so với trước.

Suốt thời gian dài, ngành chăn nuôi trong nước rơi vào cảnh giá bán thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại tăng cao do phụ thuộc vào nhập khẩu với chi phí vận chuyển hiện đã tăng gấp nhiều lần so với trước.

Nông dân tận dụng thân cây bắp và các loại phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi bò tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Nông dân tận dụng thân cây bắp và các loại phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi bò tại xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước một cách căn cơ, bài bản, đặc biệt là giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại chỗ từ nguồn cung trong nước.

* Cần sớm linh động về nguồn thức ăn chăn nuôi

Tại hội thảo chuyên ngành về sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời kỳ thách thức đối với ngành chăn nuôi heo diễn ra vào đầu tháng 12, ông Tony Edwards, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho đàn heo của Trung tâm Đổi mới ngũ cốc xuất khẩu Australia (AEGIC) cho biết, thức ăn đang chiếm chi phí nhiều nhất trong chăn nuôi heo nên khâu sử dụng thức ăn chăn nuôi có ý nghĩa quyết định trong việc cạnh tranh của ngành chăn nuôi hiện nay. Heo là động vật ăn tạp, có khả năng thích nghi cao nên có thể sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau hiệu quả nhất. Cần phải linh hoạt về sử dụng nguyên liệu trong khẩu phần ăn của loại vật nuôi này.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Về mặt chính sách, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề xuất giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Về chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, có 5 đề án được triển khai đồng bộ gồm: công nghiệp hóa giống vật nuôi, công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, công nghiệp hóa giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, công nghiệp hóa chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi khoa học, đổi mới khoa học, công nghệ trong ngành chăn nuôi.

Trong đó, đề án về công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra những giải pháp tổng thể nhằm giảm nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Trong đó, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương như: cám, bắp, mì… Ngành Nông nghiệp cũng đang nghiên cứu chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ví dụ, về mặt truyền thống ở châu Á, bắp, đậu nành từ lâu là nguyên liệu nổi trội được sử dụng. Tuy nhiên, với sự gia tăng thương mại quốc tế, các ngũ cốc thay thế khác đã nổi lên và biểu trưng cho lợi ích kinh tế thực sự. Như ở Australia, bắp và đậu nành không phải là nguyên liệu thiết yếu trong khẩu phần thức ăn cho heo mà chủ yếu sử dụng những nguyên liệu thế mạnh nước này có thể sản xuất tại chỗ như: lúa mạch, lúa mì, cây họ đậu và khô dầu cải… Ở Việt Nam có thể không sử dụng bắp trong khẩu phần ăn của con heo mà có thể thay thế bằng cám gạo hoặc khoai mì.

Cùng quan điểm, ông Richard Simonitis, Giám đốc điều hành AEGIC chia sẻ thêm, cạnh tranh về mặt kinh tế, chúng ta cần có cái nhìn mở cho tất cả các sự lựa chọn.

Ông lấy ví dụ, bắp và khô dầu đậu nành có lẽ là những nguyên liệu nổi trội trong thức ăn của heo trên thế giới, nhưng chúng không phải là các nguyên liệu thiết yếu. Cụ thể, ở Australia, người chăn nuôi sử dụng nhiều lúa mạch mà không sử dụng bắp, ít sử dụng khô dầu đậu nành để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Theo đó, người chăn nuôi Việt Nam cần mở rộng sử dụng nhiều loại nguyên liệu mới làm thức ăn chăn nuôi.

* Ưu tiên nguyên liệu tại chỗ

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi đều quan tâm đến giải pháp để tiết kiệm hơn nữa chi phí đầu vào sản xuất, trong đó giảm chi phí thức ăn chăn nuôi là mối quan tâm hàng đầu. Có nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước sản xuất được là mong muốn chung của nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hiện nay.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân (TP.HCM) đặt hàng: “Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo thuộc tốp đầu thế giới, những nhà nghiên cứu nên quan tâm nghiên cứu, đưa lúa rẻ tiền của chúng ta trở thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì để ngành chăn nuôi Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững không thua kém bạn bè quốc tế, ngành Nông nghiệp phải chủ động được các nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm, thậm chí khỏi phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu như hiện nay”.

Ngoài ra, giải pháp phát triển nguyên liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận xét, thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65-70% giá thành sản xuất. Mỗi năm, cả nước sử dụng từ 32-33 triệu tấn thức ăn cho các đối tượng chăn nuôi và thủy sản. Việt Nam phải lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nhưng trong nước lại có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đặc biệt có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay tỷ lệ chăn nuôi nông hộ rất lớn, với quy mô chăn nuôi nông hộ bà con có thể tận dụng thức ăn tại chỗ. Cụ thể, các nông hộ cần tận dụng diện tích để trồng bắp sinh khối hoặc trồng cỏ để làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, phế phụ phẩm nông nghiệp ngày càng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu tận dụng tốt phế phụ phẩm tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả rất tốt cho ngành chăn nuôi nói riêng, ngành Nông nghiệp nói chung. Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đẩy mạnh dự án kinh tế tuần hoàn, sử dụng chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài các dự án của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các địa phương cũng đang ưu tiên nguồn ngân sách để hỗ trợ, nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn trồng bắp, sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế, phụ phẩm nông nghiệp.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều