Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

11:12, 10/12/2021

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào hội nhập, kinh tế trang trại được Đồng Nai rất quan tâm khuyến khích phát triển.

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào hội nhập, kinh tế trang trại được Đồng Nai rất quan tâm khuyến khích phát triển.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch trong nhà màng tại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch trong nhà màng tại Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần nhiều chính sách hỗ trợ để kinh tế trang trại phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

* Nhiều trang trại kiểu mẫu

Thời gian qua, kinh tế trang trại của Đồng Nai đã có những bước phát triển ấn tượng. Trong đó, nhiều mô hình trang trại sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Trang trại thanh long ruột đỏ rộng hơn 40ha do ông Bùi Đình Anh quản lý tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) được hình thành từ sự góp tiền, góp đất của nhiều thành viên. Đây là mô hình hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa để có cánh đồng sản xuất lớn; cũng là mô hình điểm về ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hành sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khiến giá vật tư nông nghiệp đầu vào không ngừng tăng cao, đầu ra cho trái cây tươi rất bấp bênh, ông Bùi Đình Anh vẫn mạnh dạn đầu tư thay dàn đèn thắp hiện đại hơn, tiết kiệm điện hơn để làm thanh long trái vụ.

Ông Bùi Đình Anh cho biết: “Mùa sản xuất cao điểm, trang trại này tạo việc làm cho khoảng 80 lao động. Trang trại có nhà ở cho người lao động và họ được chia 25-31% trên tổng thu nhập của diện tích vườn được khoán. Nhờ cách làm này, trang trại luôn đạt năng suất cao, chất lượng trái tốt, được thương lái bao tiêu vườn với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường”.

Trang trại công nghệ cao trồng rau quả sạch trong nhà màng của Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) lại là mô hình điểm của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trang trại tập trung trồng những loại rau quả cho hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, ớt chuông, măng tây...

Trang trại chăn nuôi heo theo quy mô công nghiệp tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)
Trang trại chăn nuôi heo theo quy mô công nghiệp tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ)

Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt chia sẻ, hướng phát triển của trang trại là ứng dụng công nghệ cao xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ cạnh tranh tốt cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Trang trại sẵn sàng liên kết với nhiều trang trại, nông dân theo hình thức chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai đang phát triển mạnh chăn nuôi theo quy mô trang trại. Hiện trên 90% tổng đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp hiện đại. Trang trại chăn nuôi heo và sản xuất con giống của ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) là mô hình điển hình về trang trại tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hiệu quả. Không chỉ bỏ nguồn vốn lớn để đầu tư đàn heo giống đầu dòng, trang trại còn đi tiên phong đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, nhất là sử dụng hệ thống cho heo ăn bằng chíp điện tử. Ngay trong giai đoạn ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp này đang đầu tư thêm trang trại sản xuất giống hoàn toàn tự động với công nghệ hiện đại nhất hiện nay để tăng lợi thế cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

* Nhiều chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, Đồng Nai có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ kinh tế trang trại phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai đề án phát triển kinh tế trang trại và đến nay đã hỗ trợ cho 98 mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản và chế biến cho các trang trại trên địa bàn tỉnh. Tính đến năm 2020, tổng kinh phí hỗ trợ cho các trang trại đạt gần 3 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ trang trại xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tham gia thương mại điện tử qua việc hỗ trợ trang trại xây dựng được website; xây dựng thương hiệu nông sản…

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, hiện toàn tỉnh có 1.649 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi chiếm tỉ trọng lớn với 1.305 trang trại, 244 trang trại trồng trọt, 62 trang trại thủy sản và 34 trang trại tổng hợp. Giá trị thu được từ các trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 6,6 ngàn tỷ đồng; doanh thu bình quân/trang trại đạt 5 tỷ đồng/năm. Các trang trại đã đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tổ chức sản xuất quy mô lớn; góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, tạo nên những vùng sản xuất tập trung với trình độ thâm canh cao. Các trang trại cũng luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; thực hiện việc sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm đáp ứng tốt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Về phát triển kinh tế trang trại của Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Đồng Nai là địa phương có tiềm năng lớn để dấn thân vào khởi nghiệp, phát triển các dịch vụ kinh tế liên quan đến nông nghiệp. Nhìn chung, hoạt động của các trang trại trên địa bàn tỉnh có hiệu quả cao, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế là phần lớn trang trại vẫn là hộ gia đình, chưa thu hút mạnh các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỉnh cần quan tâm hơn, nhất là về mặt chính sách khuyến khích kinh tế trang trại phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển sản xuất. 

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều