Trong gần 2 tháng qua, máy tính, điện tử và linh kiện là một trong 5 mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai phục hồi khá nhanh.
Trong gần 2 tháng qua, máy tính, điện tử và linh kiện là một trong 5 mặt hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai phục hồi khá nhanh. Dự kiến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng trên sẽ vượt 1 tỷ USD và Đồng Nai tiếp tục trở thành nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn đa quốc gia.
Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới. Ảnh: K.MINH |
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 10-2021 đạt 96 triệu USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng 28,5% so với tháng trước, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng của năm 2021, xuất khẩu mặt hàng trên được 912 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
* Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về lĩnh vực trên và các doanh nghiệp (DN) đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sản xuất tại Đồng Nai đã bán sang được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2016 đến nay, ngành này luôn giữ mức tăng trưởng trên
15-20%/năm.
Ông Kim Byunggi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: “Sau vài năm đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Amata khá thành công, nhu cầu đặt hàng của đối tác tăng cao, đầu năm 2021, công ty quyết định đầu tư thêm 100 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy sản xuất mới ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) giai đoạn 2. Nhà máy mới chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử có quy mô dự án sản xuất khoảng 10,8 triệu sản phẩm/năm”.
Sản xuất của các DN được mở rộng đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu tăng cao và thị phần ở thị trường trong nước cũng được nâng lên. Tiêu thụ nội địa tăng sẽ giúp cho nhiều nhóm hàng tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng xuất siêu, phù hợp với yêu cầu của Chính phủ trong tiến trình tham gia vào hội nhập sâu.
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Nhiều DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử cho nhiều ngành khác nhau như: ô tô, điện thoại, máy tính, hàng không, máy móc công nghiệp, nông nghiệp… cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các DN trên lĩnh vực này đều áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới nên hàng hóa làm ra đa số xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành nhà sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 80 DN ngành máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 13% trong tổng số DN ngành công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại xếp thứ 5 trong các mặt hàng xuất khẩu của Đồng Nai. Đây cũng là ngành có mức tăng trưởng cao, ổn định trong nửa thập niên qua.
* Thu hút nhiều DN nước ngoài
Hơn 5 năm trở lại đây, ngành máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ở Đồng Nai thu hút khá nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều nhà máy sản xuất lớn được đầu tư xây dựng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để sản xuất các linh kiện điện tử cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Những DN FDI dẫn đầu trong đầu tư vào ngành máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là: Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty TNHH Hansol Electronics Vietnam Hochiminhcity, Công ty TNHH Platel Vina, Công ty TNHH Chang Dae Vina (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa)…
Ông Yu Hie Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH Platel Vina cho biết: “Công ty trực thuộc Tập đoàn Intops của Hàn Quốc. Tập đoàn hiện đã đầu tư 6 nhà máy gồm: 2 nhà máy ở Hàn Quốc, 2 nhà máy ở Trung Quốc và 2 nhà máy ở Việt Nam và cũng là nhà cung ứng số một của Samsung. Mới đây, Tập đoàn Intops đã quyết định đầu tư thêm 1 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD tại Khu công nghiệp Amata. Nhà máy sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện tử, công suất 400 tấn sản phẩm/năm để tăng số lượng cung cấp cho Tập đoàn Samsung”.
Lĩnh vực máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện thu hút nhiều DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Trong 5 năm qua, ngoài những dự án cấp phép đầu tư mới, nhiều DN FDI trên lĩnh vực này liên tục tăng vốn, mở rộng đầu tư.
Ông Ken - Ichiro Abe, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam cho biết: “Fujitsu đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 25 năm và nhiều lần tăng vốn để mở rộng sản xuất, xuất khẩu trong những năm qua. Sản phẩm của Fujitsu chủ yếu là linh kiện điện tử cho ngành sản xuất ô tô, điện thoại di động, máy tính và hiện đã xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới. Dự tính của Fujitsu là tiếp tục mở rộng sản xuất tại Việt Nam và đa dạng sản phẩm để thêm thị trường tiêu thụ”.
Theo các hiệp hội DN nước ngoài tại Đồng Nai, lĩnh vực điện tử sẽ tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư FDI vào tỉnh. Vì các DN đầu tư vào Đồng Nai có nhiều cơ hội liên kết, mở rộng sản xuất, xuất khẩu vì tỉnh có nhiều DN FDI trên các lĩnh vực và giao thông thuận lợi giáp những trung tâm công nghiệp lớn như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khánh Minh