Ngày 2 và 3-12, tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú) sẽ diễn ra hội thảo tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG)...
Ngày 2 và 3-12, Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) Đồng Nai tổ chức hội thảo tổng kết công tác năm 2021 và khởi động chuyển đổi số trong các khu DTSQTG; hội nghị 10 năm đánh giá định kỳ lần I Khu DTSQTG Đồng Nai (2011-2021), 20 năm Khu DTSQTG tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú).
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (giữa) thăm Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai (ảnh chụp năm 2020). Ảnh: H.LỘC |
Đây là dịp để Khu DTSQTG Đồng Nai đánh giá lại những kết quả đạt được và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Khu DTSQTG.
* Đa dạng các giá trị thiên nhiên, văn hóa - lịch sử
Khu DTSQTG Đồng Nai được hình thành trên cơ sở mở rộng Khu Di sản thiên nhiên thế giới Cát Tiên cũ. Năm 2011, Khu DTSQTG Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu DTSQTG thứ 580 của thế giới.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQTG Đồng Nai cho biết, từ khi được UNESCO công nhận đến nay, Ban quản lý luôn thực hiện tốt 3 nhiệm vụ: bảo tồn đa dạng sinh học đi đôi với phát triển bền vững, gìn giữ các giá trị văn hóa - lịch sử, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
Khu DTSQTG Đồng Nai được Đại hội đồng các Khu DTSQTG (thuộc UNESCO) công nhận năm 2011 trên cơ sở mở rộng Khu Di sản thiên nhiên thế giới Cát Tiên. Khu có diện tích 756 ngàn ha, nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương và Đắk Nông. Tại Đồng Nai, Khu DTSQTG gắn liền với các địa danh: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Khu Bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu. Đây là những khu vực có đa dạng sinh học cao, thích hợp cho các hoạt động: nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, về nguồn. |
Hiện Khu có 3 vùng là: lõi, đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông, trong đó 80% diện tích vùng lõi nằm ở Đồng Nai. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với hơn 2,3 ngàn loài thực vật, hơn 1,8 ngàn loài động vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Số lượng loài, cá thể trong từng loài ngày càng tăng.
Cùng với các giá trị về sinh học, trong Khu DTSQTG Đồng Nai có Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên; 3 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh và Khu Ramsar Bàu Sấu. Đây là những địa danh có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, thích hợp cho các hoạt động giáo dục về nguồn.
Ngoài ra, khu vực này có rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động - thực vật đặc hữu, quý hiếm đang đe dọa tuyệt chủng như: voi châu Á, bò tót, gấu chó, tê giác 1 sừng; một số loài cây như: cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương…
Vùng đất này còn được cộng sinh bởi các giá trị văn hóa truyền thống của hơn 30 dân tộc. Trong đó, người Chơro, S’tiêng và Mạ là những cư dân có mặt sớm và lưu giữ được nhiều phong tục, lễ hội mang màu sắc văn hóa riêng. Các giá trị này vừa làm nên nét đặc trưng riêng của Khu DTSQTG Đồng Nai so với các khu khác trong nước và trên thế giới, vừa là tiềm năng để thu hút du khách, nhà đầu tư, nhà khoa học đến tham quan, tìm hiểu.
* Bảo tồn và phát triển các giá trị
Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý Khu DTSQTG Đồng Nai Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, đơn vị đang thực hiện có hiệu quả mô hình Bảo tồn cho phát triển, phát triển để bảo tồn.
Cụ thể, để thực hiện chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu DTSQTG Đồng Nai phối hợp với ban quản lý vùng lõi tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thực hiện các chương trình, dự án lớn như: trồng và khôi phục rừng cây gỗ lớn bản địa vùng Chiến khu Đ giai đoạn 2009-2014; đầu tư và phát triển Vườn thực vật, Vườn quốc gia bảo tồn cây thuốc miền Nam; bảo tồn khẩn cấp quần thể voi châu Á, cải tạo sinh cảnh cho các loài động vật; chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt; cứu hộ, chăm sóc và bảo vệ các loại thú hoang dã...
Bên cạnh các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa được thực hiện thông qua hoạt động giao lưu văn hóa bản địa hằng năm, phục hồi và duy trì các lễ hội truyền thống của các dân tộc.
Để cải thiện đời sống cho người dân địa phương và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng, Khu DTSQTG thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, chính sách hỗ trợ vùng đệm, phát triển du lịch sinh thái; phát triển nhãn hiệu sinh thái, chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn kinh phí của Chính phủ và các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, phát triển du lịch sinh thái nhằm giúp người dân địa phương có thêm việc làm, thu nhập.
Những năm gần đây, Khu DTSQTG được ví như “phòng thí nghiệm ngoài trời” đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, tập huấn và đào tạo, giám sát và thúc đẩy giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên, người dân và giới nghiên cứu. Không những vậy, khu còn tích cực chia sẻ thông tin ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu; hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển các giá trị.
* Chú trọng phát triển kinh tế xanh
Từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn tỉnh để phục hồi và phát triển rừng. Điều này cho thấy tỉnh rất quan tâm đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Du lịch sinh thái tại Khu Ramsar Bàu Sấu |
Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu DTSQTG Đồng Nai theo các cam kết, Ban quản lý khu cần tiếp tục làm gia tăng tính đa dạng sinh học; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhằm hạn chế các tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thiên nhiên và văn hóa.
Chú trọng phát triển kinh tế xanh, trong đó ưu tiên phát triển du lịch sinh thái. Tỉnh tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư triển khai dự án du lịch sinh thái trong phạm vi Khu DTSQTG Đồng Nai. Các dự án này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Việc phát triển kinh tế xanh tại Khu DTSQTG vừa khai thác hiệu quả các giá trị lợi thế về cảnh quan; quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Đồng Nai, vừa góp phần tăng việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là cộng đồng dân tộc bản địa trong khu vực. Bên cạnh đó, nguồn thu từ phát triển kinh tế xanh là trợ lực hiệu quả nhất cho công tác phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng, đa dạng sinh học.
Cùng với đó, truyền thông, giáo dục môi trường về vị thế và vai trò của Khu DTSQTG tại Đồng Nai đến các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao hiểu biết và thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên.
Ban Quản lý Khu DTSQTG Đồng Nai cho rằng, tới đây đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học bảo tồn văn hóa - lịch sử và biện pháp cải thiện sinh kế người dân; đề xuất chính sách phù hợp để thu hút các thành phần trong xã hội tham gia vào quá trình quản lý Khu DTSQTG.
Hoàng Lộc