Hiện nay, nhiều vùng nông sản của Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch, nhất là các loại rau, trái cây, thủy sản... đang bị ùn ứ cục bộ. Ngay cả những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ hằng ngày lớn như rau tươi cũng xảy ra tình trạng tồn hàng, rớt giá.
Hiện nay, nhiều vùng nông sản của Đồng Nai đang vào vụ thu hoạch, nhất là các loại rau, trái cây, thủy sản... đang bị ùn ứ cục bộ. Ngay cả những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ hằng ngày lớn như rau tươi cũng xảy ra tình trạng tồn hàng, rớt giá.
Nhiều địa phương tồn hàng trăm tấn cá chờ tiêu thụ. Cá bè tại H.Định Quán đang ùn ứ do dịch bệnh Covid-19 (ảnh tư liệu) |
Giá nhiều mặt hàng xuống thấp, nông dân mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ để duy trì sản xuất trong khó khăn.
* Nông sản tươi ứ hàng
Vài tuần trở lại đây, củ sắn ở xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ) đang vào vụ thu hoạch. Nông dân ở địa phương này cầu cứu được hỗ trợ tiêu thụ vì hiện còn cả ngàn tấn củ sắn gặp khó về đầu ra.
Ông Phạm Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ sản xuất củ sắn xã Xuân Bảo lo lắng cho biết, tuy củ sắn đã vào vụ thu hoạch 2-3 tuần nay nhưng nông dân vẫn chưa thể tìm được thương lái thu mua. Có thời điểm thương lái hầu như ngưng mua khiến giá bán rớt xuống chỉ khoảng 1 ngàn đồng/kg.
Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã tích cực tổ chức các hoạt động kết nối nhằm tiêu thụ nông sản cho nông dân. Sở đã tổ chức đường dây nóng kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Qua phản hồi, toàn tỉnh có 120 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Đến nay, có 17 đơn vị đã được hỗ trợ tiêu thụ hết sản phẩm, chủ yếu là các mặt hàng rau, trái cây tươi... Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm tấn rau, trái cây, thủy sản... đến vụ thu hoạch nhưng chưa có đầu ra. |
Hiện nay, có thương lái về địa phương thu mua, giá củ sắn bán tại ruộng được 2,2 ngàn đồng/kg nhưng nông dân rất lo lắng vì mức giá này vẫn dưới giá thành sản xuất và thương lái chỉ mua nhỏ giọt trong khi sản lượng sắn cần tiêu thụ còn rất lớn.
Ông Hùng lo lắng: “Chỉ riêng rẫy củ sắn của tôi hiện còn khoảng 30 tấn cần tiêu thụ dù từ tháng trước đã có thể thu hoạch. Tôi rất lo lắng vì củ sắn càng để càng hao hụt, củ già càng rớt giá và khó bán”.
Ngay cả mặt hàng rau xanh vốn tiêu thụ khá tốt trước đó thì thời gian gần đây cũng rơi vào cảnh rớt giá, tồn hàng. Ông Vũ Văn Chuyên, Giám đốc HTX Rau Trường An (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho biết, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường hàng chục tấn rau, cao điểm có thể cung cấp được 70-80 tấn rau/ngày. Nguồn rau chủ yếu cung cấp vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, người dân không được ra khỏi nhà, thành phố gặp khó khăn trong việc phân phối lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân khiến nhu cầu tiêu thụ của nhiều mặt hàng nông sản tươi sống bị ảnh hưởng lớn.
Ông Vũ Văn Chuyên cho biết thêm: “Có 3 ngày trong tuần qua, các đối tác không đặt hàng vì phân phối không kịp. Hiện nay, HTX vẫn tiếp tục cung cấp đơn hàng nhưng sản lượng giảm mạnh và chủ yếu chỉ cung cấp các loại rau củ có thể trữ được lâu hơn. Do đó, việc tiêu thụ các loại rau ăn lá gặp rất nhiều khó khăn”.
Nông dân trồng thanh long tại H.Trảng Bom mong được hỗ trợ tiêu thụ |
Các loại rau củ quả gần đây rớt giá mạnh so với cuối tháng trước. Các loại rau ăn lá chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg, các loại rau củ quả như: khổ qua, bầu, bí, dưa leo cũng chỉ còn từ 5-8 ngàn đồng/kg, trong khi vài tuần trước, giá bán đều trên 10 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng rau đang rơi vào cảnh thua lỗ.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 120 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký về Sở mong được hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Cụ thể, trung bình mỗi ngày các đầu mối mong được hỗ trợ tiêu thụ 200 tấn rau các loại, 170 tấn trái cây, thịt gà 65 tấn, thịt heo 120 tấn, cá các loại 45 tấn...
* Cần nhanh chóng hỗ trợ kết nối tiêu thụ
Theo Sở NN-PTNT, các loại rau ăn lá, rau ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt sản lượng ước trên 303,7 ngàn tấn/năm; trung bình mỗi tháng có thể cung cấp khoảng 25 ngàn tấn ra thị trường. Nhu cầu rau của tỉnh khoảng trên 29 ngàn tấn/tháng, sản lượng rau cần nhập thêm khoảng 3-4 ngàn tấn/tháng.
Dự ước năm 2021, tổng sản lượng trái cây của tỉnh đạt 700 ngàn tấn. Riêng từ tháng 9 đến tháng 12, sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165 ngàn tấn. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường nội tỉnh khoảng 13 ngàn tấn/tháng.
Do nguồn cung lớn hơn cầu vì hiện việc cung ứng nông sản ra ngoại tỉnh, đặc biệt là thị trường tiêu thụ chính là TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn nên nhiều vùng nông sản như rau, trái cây đang rộ vụ thu hoạch rơi vào cảnh ùn ứ cục bộ. Theo phản ảnh của các địa phương, mỗi ngày có hàng trăm tấn rau xanh, trái cây các loại cần hỗ trợ tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Lợi, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, chưa bao giờ giá bưởi rớt thảm và nông dân trồng bưởi lo lắng về đầu ra như hiện nay. Trung thu là mùa thu hoạch bưởi lớn thứ 2 trong năm sau vụ bưởi Tết Nguyên đán, được nông dân tập trung đầu tư vì bưởi thường bán được với giá cao hơn các tháng khác trong năm do nhu cầu mua bưởi làm quà biếu tăng cao. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, suốt thời gian qua, sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, nguồn bưởi tại các địa phương tồn lại ở nhà vườn rất nhiều nên hiện giá bưởi bán ra thị trường giảm chưa từng có. Hiện giá bưởi da xanh bán tại vườn chỉ còn từ 7-8 ngàn đồng/kg. Ngay cả đặc sản bưởi đường lá cam giá bán cũng chỉ từ 100-300 ngàn đồng/chục, giảm mạnh so với mọi năm loại bưởi nhất có giá bán cả triệu đồng/chục.
Bình Nguyên