Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nhiều DN thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, có trường hợp đã phải tạm ngừng sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nhiều DN thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, có trường hợp đã phải tạm ngừng sản xuất, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Điều này tác động không nhỏ tới mức tăng trưởng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực XNK của các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Dư nợ cho vay đối với hoạt động XNK những tháng gần đây bị chững lại khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
* Chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Theo nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực XNK bị chững lại, giữ ở mức tương đương hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2020.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7-2021, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực XNK của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 37,8 ngàn tỷ đồng, tăng 1,42% so với cuối năm 2020, chiếm tỉ trọng 14,2% so với tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong đó, cho vay xuất khẩu đạt trên 21,6 ngàn tỷ đồng, tăng 1,68% so với cuối năm ngoái. Dự ước đến cuối tháng 8-2021, dư nợ về cho vay xuất khẩu sẽ giảm khoảng 5% so với cuối năm ngoái.
Các ngân hàng đang triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có các DN trong lĩnh vực XNK theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 01) ngày 13-3-2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (gọi tắt là Thông tư 03) ngày 2-4-2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, trong những tháng đầu năm nay, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, có trường hợp DN phải tạm thời dừng hoạt động hoặc giảm lao động, công suất sản xuất, số lượng các đơn hàng giảm. Điều này đã khiến cho nhu cầu vay vốn của DN trong lĩnh vực XNK của các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng theo.
Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Biên Hòa cho hay, những tháng gần đây, mức độ tăng trưởng trong dư nợ cho vay đối với các DN XNK của chi nhánh có phần chững lại, giữ ở mức tương đương so với cuối năm 2020. Chi nhánh thường xuyên cập nhật, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất đối với các DN XNK trên địa bàn nói riêng và các hoạt động tín dụng, thanh toán liên quan đến hoạt động XNK nói chung theo quy định.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 7-2021, dư nợ cho vay đối với các DN trong lĩnh vực XNK của chi nhánh ở mức tương đương so với cuối năm 2020.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó giám đốc chi nhánh cho biết, trong thời gian qua, chi nhánh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo đúng chủ trương, quy định của NHNN...
* Vẫn còn nỗi lo trong những tháng cuối năm
Hiện nay, phần lớn các khoản vay về XNK là các khoản vay ngắn hạn để DN tìm nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động XNK của nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn, dẫn tới dư nợ cho vay trong hoạt động này cũng bị tác động theo.
Theo các chuyên gia, nhiều DN vẫn đang “gồng gánh” để duy trì sản xuất khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trường hợp tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng vẫn còn “độ trễ” để các DN phục hồi sản xuất trong thời gian tới, chứ không thể “ngày một ngày hai” có thể phục hồi ngay. Do đó, trong những tháng cuối năm, DN rất cần tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, nguồn vay vốn phù hợp để duy trì, phục hồi sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai chia sẻ, theo thống kê, hiện có khoảng 40% DN hội viên của Hội đang phải tạm ngừng sản xuất vì tình hình dịch bệnh phức tạp, số hội viên còn lại đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, nhưng cũng chỉ đảm bảo được khoảng 50-60% công suất so với bình thường. Trong đó, nhiều DN trong ngành giày da, gỗ xuất khẩu… chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Theo ông Chương, các DN mong muốn được hỗ trợ các gói tín dụng phù hợp trong bối cảnh dịnh bệnh phức tạp như hiện nay. Với các khoản vay ngắn hạn, nhiều DN đang gặp khó khăn khi không thể xoay vòng, luân chuyển nguồn vốn vì tình hình sản xuất gián đoạn, nhiều trường hợp không thể thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nên không kịp bàn giao đơn hàng đã ký kết cho khách hàng, đối tác. Do đó, rất cần có phương án khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ kịp thời cho DN nhằm hạn chế trường hợp DN không kịp xoay vòng vốn để đáo hạn nợ và có thể bị đưa vào nhóm nợ xấu...
Hải Quân