Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp đối mặt nguy cơ ''mất'' đơn hàng cuối năm

03:08, 31/08/2021

Giữa tháng 9 là thời điểm nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai bắt đầu vào mùa sản xuất cuối năm. Đây cũng là lúc có nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng để phục vụ cho việc mua sắm dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Giữa tháng 9 là thời điểm nhiều doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai bắt đầu vào mùa sản xuất cuối năm. Đây cũng là lúc có nhiều đối tác nước ngoài đặt hàng để phục vụ cho việc mua sắm dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam khiến DN lo lắng sẽ mất nhiều đơn hàng.

Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata) thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất 30-40%. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata) thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất 30-40%. Ảnh: H.Giang

Trong các tháng 7, 8-2021, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã phải giảm công suất hoạt động của các nhà máy do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, nhiều DN chỉ duy trì sản xuất được 30-70%, làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết.

* Sản xuất, xuất khẩu sụt giảm

Nếu trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng cao thì trong các tháng 7, 8 vừa qua, ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã khiến sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đều giảm sâu. Cụ thể, trong tháng 7-2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6% so với tháng trước đó và dự kiến trong tháng 8 tiếp tục giảm mạnh vì một số DN sản xuất lớn phải tạm ngừng hoạt động như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), Công ty CP Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Công nghệ nghe nhìn Boe Việt Nam (H.Nhơn Trạch)... Vì thế kéo theo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cũng giảm. Nếu tháng 7-2021, kim ngạch xuất khẩu gần 1,78 tỷ USD thì tháng 8 chỉ còn 1,55 tỷ USD.

Theo UBND tỉnh, Đồng Nai có hơn 1,2 ngàn DN đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”. Trong đó, có hơn 1,1 ngàn DN trong khu công nghiệp và hơn 100 DN ngoài khu công nghiệp. Các DN đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” giải quyết việc làm cho hơn 136 ngàn lao động. Còn lại hàng trăm ngàn lao động đang phải nghỉ việc.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata) cho hay: “Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, công ty chưa khôi phục được sản xuất như dịp đầu năm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đơn hàng. Vì cuối năm là mùa sản xuất, tiêu thụ giày dép các loại ở thị trường nội địa và xuất khẩu”. Tuy Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nhưng số lao động bố trí tại các nhà máy chỉ hơn 1,1 ngàn người. Còn lại gần 2,4 ngàn lao động đang phải nghỉ việc vì DN không thể đảm bảo việc lưu trú tại công ty cho tất cả lực lượng lao động này khi thực hiện “3 tại chỗ”.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết: “DN đang rất lo lắng cho các đơn hàng đã ký kết vào cuối năm. Dịch bệnh Covid-19 căng thẳng kéo dài, tiếp tục giãn cách xã hội, công ty chưa thể khôi phục được sản xuất thì nhiều đơn hàng sẽ bị dịch chuyển qua nước khác”.

* Lo mất nhiều đơn hàng

Hiện nay, các DN mong mỏi nhất là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM sẽ nhanh chóng dập được dịch bệnh Covid-19, ngừng giãn cách xã hội để phục hồi lại sản xuất trong các nhà máy. Bởi vì, đây là 3 khu vực quan trọng của cả nước trong sản xuất công nghiệp và luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào. Hiện nhiều nhà máy sản xuất của TP.HCM, Bình Dương đang ngừng sản xuất do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều DN của Đồng Nai vì thiếu nguyên liệu đầu vào và đầu ra bị ngưng trệ.

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết: “Công ty có 2 nhà máy sản xuất các loại chăn, drap, gối, đệm nhưng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi nên 1 nhà máy ở TP.Biên Hòa nằm trong vùng phong tỏa phải tạm dừng sản xuất, nhà máy ở H.Vĩnh Cửu chỉ duy trì công suất khoảng 20-30% do một số công ty cung ứng nguyên liệu ở TP.HCM, Bình Dương tạm dừng sản xuất. Công ty rất lo lắng dịch kéo dài sẽ khó nhận được đơn hàng cuối năm”.

Hiện nay, hàng ngàn DN tại Đồng Nai đang lo lắng sẽ bị vuột mất nhiều đơn hàng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, rất ít công ty giám ký kết các đơn hàng lớn với đối tác trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thấy dịch bệnh tại khu vực phía Nam vẫn căng thẳng sẽ rút bớt đơn hàng sang những quốc gia đang ít chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho dịp mua sắm cuối năm.

Theo một số chuyên gia kinh tế, khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc kinh tế đang hồi phục khá tốt, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong những tháng cuối năm sẽ tăng cao. Do đó, Việt Nam nếu không kịp thời dập được dịch và khôi phục sản xuất công nghiệp vào giữa tháng 9-2021 sẽ mất đi rất nhiều đơn hàng cho dịp cuối năm và đầu năm sau. Nếu các đơn hàng bị “rút” đi, sau này các DN tại Việt Nam rất khó khăn trong tìm đơn hàng mới để phục hồi sản xuất. Trong tình huống nếu thiếu đơn hàng, DN bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ đóng cửa rất lớn và kéo theo hàng trăm ngàn lao động không có việc làm, an sinh xã hội sẽ trở thành gánh nặng cho các tỉnh, thành và Chính phủ.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích