Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp lo thiếu vốn

11:08, 30/08/2021

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đến các chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các ngân hàng lại đang siết chặt các điều kiện và hạn mức cho vay vì sợ rủi ro.

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đến các chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì hoạt động. Trong khi đó, các ngân hàng lại đang siết chặt các điều kiện và hạn mức cho vay vì sợ rủi ro.

Doanh nghiệp chế biến mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để ổn định sản xuất trong khó khăn Trong ảnh: Đóng gói nông sản chế biến tại một doanh nghiệp thuộc H.Trảng Bom. Ảnh: Bình Nguyên
Doanh nghiệp chế biến mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để ổn định sản xuất trong khó khăn Trong ảnh: Đóng gói nông sản chế biến tại một doanh nghiệp thuộc H.Trảng Bom. Ảnh: Bình Nguyên

Cả DN và nông dân đều mong muốn được gỡ khó về nguồn vốn để duy trì và phát triển sản xuất trong giai đoạn khó khăn này.

* Lo bị siết hạn mức cho vay

Sản xuất nông nghiệp hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ về nguồn vốn để duy trì sản xuất vì đầu ra gặp khó khăn trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Chưa bao giờ, DN và nông dân lại cần vốn để duy trì hoạt động sản xuất như hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế, cả DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đến nông dân đều rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay, vì hiện nay các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn việc vay vốn, hạn mức cho vay cũng thấp hơn trước rất nhiều do đây là giai đoạn rủi ro cao.

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (tỉnh Bình Định), DN đầu tư 2 cơ sở sản xuất gà giống tại Đồng Nai chia sẻ, hiện giá gà giống bán ra tại trại chỉ còn khoảng 5 ngàn đồng/con, chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất con giống. Tuy giá giống thấp nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ con giống ở khu vực miền Nam hầu như chững lại vì không còn mấy người chăn nuôi nhập giống, tái đàn vì càng nuôi càng lỗ do gà đến lứa khó xuất bán, có bán được cũng lỗ nặng vì giá gà thịt quá thấp.

Thời gian qua, nhiều DN sản xuất gà giống đã thua lỗ, đóng cửa. Hiện DN của ông đang “gồng mình” duy trì sản xuất để đảm bảo việc làm cho hơn 400 công nhân đang làm việc tại công ty mẹ cũng như các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn Đồng Nai. Hơn bao giờ hết, DN rất cần nguồn vốn vay để trang trải, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng với những yêu cầu về thủ tục vay như hiện nay, tiếp cận vốn ngân hàng là điều bất khả thi với DN. Ông Khanh dẫn chứng: “DN không bán được hàng, khó khăn mới có nhu cầu vay vốn để duy trì sản xuất, nhưng yêu cầu trong hồ sơ vay là DN báo cáo tài chính phải giữ được doanh thu. Việc hoàn thành thủ tục vay vốn, nhất là thẩm định tài sản thế chấp vay rất nhiều vướng mắc, khó khăn do dịch bệnh nhưng cùng tài sản như trước đây nhưng hiện nay DN được xét mức vay thấp hơn nhiều so với trước”.

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, do thua lỗ nên người chăn nuôi hiện nay không dám đầu tư tái đàn. Theo đó, hơn 2 tháng trở lại đây, khi nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, trại giống của DN hầu như không bán được con giống heo thịt cũng như giống hậu bị. DN buộc phải bán con giống hậu bị với giá heo thịt và lỗ khoảng 3 triệu đồng/con. “Mong muốn lớn nhất hiện nay của DN là tiếp cận được nguồn vốn vay kịp thời để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng đây là điều rất khó vì cùng tài sản thế chấp, hiện DN vay được số vốn thấp hơn nhiều so với trước do ngân hàng siết lại hạn mức cho vay trong giai đoạn rủi ro cao” - ông Hậu nói.

* Mong tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi

Theo nhiều nông dân và DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, do thời gian dịch bệnh kéo dài và hiện tình hình vẫn đang rất khó khăn nên người sản xuất rất cần được tiếp sức về nguồn vốn; đồng thời, mong các ngân hàng thực hiện kịp thời các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi vay hoặc khoanh nợ, giãn nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết, HTX đã xuất khẩu tốt mặt hàng hồ tiêu vào các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường châu Âu. HTX đang mở rộng đầu tư dự án cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu sạch thu hút nông dân tham gia. Đặc biệt, HTX đang có nhu cầu đầu tư mở rộng dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm từ hồ tiêu. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là dù dự án cánh đồng lớn sản xuất hồ tiêu sạch đã được triển khai nhiều năm qua nhưng tiếp cận được rất ít vốn trong chương trình hỗ trợ. “Vài năm trở lại đây, người trồng hồ tiêu gặp khó khăn và nhất là hiện nay, hoạt động của HTX càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; HTX rất cần sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn ưu đãi để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất trong khó khăn, không mất cơ hội tăng xuất khẩu tiêu sạch vào những thị trường khó tính” - ông Luân nói.

Cùng mong muốn, ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân nuôi cá tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) chia sẻ, ông đã bỏ ra cả tỷ đồng mua vốn, thức ăn cho các ao cá, trong đó một phần tiền đầu tư là vay vốn từ ngân hàng. Hiện ông không còn vốn để xoay sở vì các đại lý cám không cho gối đầu mua cám thiếu đến khi bán cá sẽ trả như trước. Do khó khăn về nguồn vốn vì cá đến lứa thu hoạch không bán được nên các ao cá đang nuôi trong tình trạng cho ăn cầm chừng vì cạn vốn. Ông Hậu mong muốn được ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận thêm nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì sản xuất.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều