Báo Đồng Nai điện tử
En

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân gặp khó

04:06, 04/06/2021

Vài tháng trở lại đây, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại vật tư khác đồng loạt tăng khiến giá thành sản xuất bị đội lên, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Đây là gánh nặng không nhỏ với người nông dân trong tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, đầu ra bấp bênh.

Vài tháng trở lại đây, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại vật tư khác đồng loạt tăng khiến giá thành sản xuất bị đội lên, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Đây là gánh nặng không nhỏ với người nông dân trong tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, đầu ra bấp bênh.

Giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Điền, H.Tân Phú phun thuốc trừ sâu cho cây lúa
Giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Điền, H.Tân Phú phun thuốc trừ sâu cho cây lúa. Ảnh: B.NGUYÊN

Với cây trồng hằng năm, lợi nhuận thấp, gánh nặng đội giá thành sản xuất do giá phân bón, vật tư tăng càng gây bất lợi cho sản xuất. Theo đó, vụ hè thu năm nay, nông dân buồn nhiều hơn vui khi thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp “nóng” ngay từ đầu vụ.

* Giá đồng loạt tăng cao

Theo khảo sát của phóng viên trên thị trường, giá nhiều loại phân bón hiện nay có mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, giá phân DAP tăng khoảng 10,5%, giá phân u-rê tăng hơn 21%, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20-30%...

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, nhập khẩu thuốc trừ sâu trên địa bàn tỉnh giảm trong những tháng đầu năm nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhập khẩu thuốc trừ sâu trên địa bàn tỉnh đạt 1.268,5 tấn, giảm 8,63% so với cùng kỳ năm 2020. Thuốc trừ sâu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm khoảng 42%; Ấn Độ, chiếm trên 14%...

Bà Nguyễn Thị Thúy, nông dân tại xã Phú Cường (H.Định Quán) lo lắng, gia đình tôi có hơn 2ha trồng cây ăn trái, chủ yếu là mít và sầu riêng. Rộ vụ thu hoạch, mít rớt giá chưa từng có nên hầu như không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn. Sầu riêng đầu mùa bán được giá tốt nhưng nhà vườn lại bị thất thu. Năm nay, sầu riêng cho thu hoạch rải vụ do ảnh hưởng thất thường của thời tiết khiến công chăm sóc, công thu hoạch... đều đội lên so với vụ trước. Giá các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao khiến nhà vườn càng gặp nhiều khó khăn.

Vụ thu hoạch năm nay nông dân trồng các loại cây lâu năm như: tiêu, cà phê, bưởi, thanh long... buồn nhiều hơn vui vì năng suất cây trồng không đạt, lại bị mất giá vì thị trường tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, bắt đầu vào cao điểm mùa mưa khiến nhiều loại nấm, bệnh bùng phát trên các loại cây trồng càng chồng chất thêm nỗi lo cho nông dân.

Bà Phan Thị Thanh Tâm, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) chia sẻ, 2 năm trở lại đây, thanh long bán tại vườn thường có giá thấp hơn nhiều so với mọi năm vì thị trường tiêu thụ chậm, nhất là xuất khẩu khó khăn do dịch Covid-19. Vào mùa mưa, cây thanh long xuất hiện nhiều loại nấm, bệnh như: bệnh thối gốc, thối cành; đốm trắng, nấm tắc kè... nên chi phí đầu tư phân, thuốc thường cao hơn các tháng khác trong năm. Trong tình hình này, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao càng chồng chất thêm gánh nặng cho nông dân.

* Vụ sản xuất mới nhiều khó khăn

Chi phí đầu vào đội lên cũng là bài toán khó cho nông dân trồng cây hàng năm khi bước vào vụ sản xuất mới. Tính đến nay, vụ hè thu trên địa bàn tỉnh đã gieo trồng được gần 31 ngàn ha, tăng 353ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm cây lương thực đạt trên 20 ngàn ha, nhóm cây thực phẩm đạt gần 5 ngàn ha, nhóm cây hằng năm khác đạt trên 1,6 ngàn ha...

Theo tính toán của nhiều nông dân, giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, thuốc bảo vệ thực vật cũng chiếm từ 30%-40%, thậm chí cao hơn khi dịch, bệnh bùng phát. Theo đó, vụ hè thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón “nóng” ngay từ đầu vụ, vì đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng, giá phân bón tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Ông Trần Văn Hùng, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất) lo lắng, thời gian qua, các loại rau ăn lá thường có giá thấp. Vào mùa mưa, rau bị hao hụt rất lớn do bị giập, úng, nấm bệnh cũng nhiều hơn khiến chi phí đầu tư đội lên không ít. Giá phân, thuốc bị đội lên gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của nhà vườn.

Theo một số đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Dịch Covid-19 khiến ngành Vận tải gặp khó khăn, thậm chí có thời điểm nhập khẩu bị đình đốn. Khan hiếm nguồn cung khiến giá nhiều nguyên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón bị đẩy lên.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều