Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

03:04, 20/04/2021

Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Bộ NN-PTNT trong xây dựng nông thôn mới là phát triển theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân.

Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Bộ NN-PTNT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là phải phát triển ở một tầng cao mới, theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước.

Nông sản của các HTX trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều khách tham quan tại các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên
Nông sản của các HTX trên địa bàn tỉnh thu hút nhiều khách tham quan tại các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Sau 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số lượng và chất lượng chương trình.

* Tăng cả lượng và chất

Năm 2020, toàn tỉnh có 51/131 xã NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng thời đã vượt các mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM. Nổi bật là Xuân Lộc, 1 trong 4 huyện được chọn xây dựng thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước có 9/14 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã hoàn thành mục tiêu NTM kiểu mẫu. Xuân Lộc cũng là huyện duy nhất trong cả nước đạt và vượt mục tiêu về xã NTM nâng cao và đạt mục tiêu về xã NTM kiểu mẫu.

Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Đồng Nai đã hoàn toàn chủ động về định hướng và nguồn lực, xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với điều kiện đặc thù, tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, H.Xuân Lộc tiếp tục chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng đường giao thông, đường trục chính nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để mở rộng diện tích tưới cho cây trồng cạn. Thực hiện mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”, Xuân Lộc đã tập trung quy hoạch sản xuất theo vùng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất với mục tiêu mở rộng các mô hình sản xuất hàng hóa theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất...

Đến nay, huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng xuất khẩu đạt giá trị cao như: vùng sản xuất xoài 1,4 ngàn ha, hồ tiêu 2,2 ngàn ha, chôm chôm 1,4 ngàn ha, thanh long ruột đỏ 500ha... Toàn huyện cũng đã xây dựng được 15 mã vùng trồng, 100% số xã có quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi... Địa phương còn triển khai thí điểm 6 dự án liên kết sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Toàn huyện có trên 7 ngàn ha canh tác ứng dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động; hầu hết các xã đều có mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà lưới, nhà màng, nhà kính.

* Liên kết sản xuất, tiêu thụ

Bám sát mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 của Bộ NN-PTNT xây dựng NTM phát triển ở một tầng cao mới, theo hướng toàn diện, bền vững, Đồng Nai tiếp tục tập trung vào các mục tiêu cụ thể, phát triển sản xuất; phát triển kinh tế nông thôn; thiết chế hạ tầng đồng bộ; đảm bảo môi trường; đảm bảo an sinh, nâng cao thu nhập cho người dân và xóa nghèo. Ấn tượng nhất là các xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như không còn hộ nghèo.

Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Cụ thể, trong năm 2020, toàn tỉnh đã vận động thành lập mới 58 tổ hợp tác và 43 HTX. Trong đó, có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp có nhiều chuyển biến, tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt gần 78%. Nhiều HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) là điển hình cho HTX tổ chức tốt chuỗi liên kết từ sản xuất an toàn đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện HTX đã ký hợp đồng bao tiêu bắp, gạo sạch của xã viên với giá tốt, ổn định. Sản phẩm của HTX đã có nhãn hàng, được thị trường đón nhận.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến cho biết: “Hiện có nhiều đối tác đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm gạo sạch và các sản phẩm chế biến từ gạo sạch của HTX cung cấp cho thị trường xuất khẩu. HTX đã mở rộng liên kết với những HTX, CLB sản xuất khác trên địa bàn tỉnh nhằm nhân rộng vùng sản xuất lúa sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.

Hỗ trợ cho các HTX ngày càng lớn mạnh, không chỉ đầu tư phát triển sản xuất mà còn chủ động được cả đầu ra cho nông sản cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Theo đó, năm qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 40 lượt HTX, doanh nghiệp với 78 gian hàng tham gia 3 đợt hội chợ triển lãm trong tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho 336 lượt HTX, doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, các hội nghị, liên kết giao thương Đồng Nai - Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk... được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn các tỉnh tiêu thụ nông sản phẩm thực phẩm, rau quả an toàn vào hệ thống chợ đầu mối, siêu thị và kênh phân phối truyền thống. Nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, HTX, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đầu ra cho nông sản, đồng thời học tập được những kinh nghiệm tiêu thụ nông sản, những kỹ năng quản lý thương hiệu và một số giải pháp xuất khẩu ra thị trường nước ngoài; hỗ trợ các HTX, trang trại xây dựng website, ứng dụng thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu...

Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh Lê Văn Gọi cho biết, đến nay trên địa bàn Đồng Nai có 129 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt và 113 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.   

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều