Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng hướng đến "sản xuất xanh"

04:11, 14/11/2020

Một cuộc gặp gỡ báo chí quy mô toàn quốc của ngành sản xuất gỗ vừa được tổ chức ngày 9-11 để giới thiệu định hướng phát triển ngành sản xuất gỗ trong tương lai.

Một cuộc gặp gỡ báo chí quy mô toàn quốc của ngành sản xuất gỗ vừa được tổ chức ngày 9-11 để giới thiệu định hướng phát triển ngành sản xuất gỗ trong tương lai. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai mà một trong những nguyên nhân được cho là do nạn phá rừng, trong đó ngành sản xuất gỗ đang phải liên đới.

Nguồn gốc hợp pháp là yêu cầu tiên quyết đối với gỗ xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia
Nguồn gốc hợp pháp là yêu cầu tiên quyết đối với gỗ xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Gia

Nhằm hướng tới sản xuất bền vững, Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa) và các hiệp hội gỗ khác trong toàn quốc đã ký cam kết sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp trong sản xuất, đồng thời thành lập Quỹ  Vì một Việt Nam xanh để quảng bá, hỗ trợ hoạt động trồng rừng, bảo vệ môi trường.

* Nguồn gỗ hợp pháp, điều kiện tiên quyết của gỗ xuất khẩu

Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành gỗ vẫn là một trong 5 ngành có giá trị xuất khẩu đạt mức tăng trưởng tốt trong 10 tháng của năm 2020. Cụ thể, trong thời gian này, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 9,6 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, mục tiêu 12,5 tỷ USD cả năm 2020 của ngành gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Tương tự như cả nước, tại Đồng Nai, sản phẩm gỗ hiện xếp thứ ba về tăng trưởng xuất khẩu trong 10 tháng của năm 2020 với kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 6,75% so với cùng kỳ. Hiện có nhiều DN ngành gỗ đã nhận được đơn hàng đến cuối quý I và đầu quý II-2021. Một số DN cũng có thêm những đơn hàng mới đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo các DN, đối với gỗ xuất khẩu, một trong những yêu cầu tiên quyết để đưa được hàng vào các nước là nguồn gốc sản phẩm phải hợp pháp. Nguyên do là các nước châu Âu, Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam (Mỹ chiếm khoảng 50%) rất coi trọng vấn đề này. Nếu phát hiện vi phạm trong nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu gỗ không hợp pháp, sẽ bị khiếu kiện và trừng phạt thương mại rất cao nên hầu như không có DN nào làm hàng xuất khẩu vi phạm.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), các sản phẩm gỗ và hàng nội - ngoại thất Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước, vùng lãnh thổ. Dù đối mặt với các vụ kiện bán phá giá song chưa có trường hợp nào vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, trong đó có các nước châu Âu, Mỹ. Đối với xuất khẩu gỗ, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT để thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU.

Ông Phạm Văn Sinh, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowa), Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Minh Trí khẳng định, các thành viên trong hiệp hội luôn coi trọng gỗ có nguồn gốc xuất xứ. Dowa cũng đã liên kết được 100 DN tham gia hợp tác cùng với nhau, xây dựng thị trường nguyên liệu gỗ hợp pháp. Gỗ nhập từ các khu vực trên thế giới về Đồng Nai cưa xẻ, chế biến đều đảm bảo các giấy tờ kiểm tra theo quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế.

* Hợp sức để “sản xuất xanh”

Gỗ xuất khẩu được cộng đồng DN cam kết là hợp pháp và không ảnh hưởng đến thiên nhiên do là gỗ trồng, gỗ có nguồn gốc nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với ngành sản xuất gỗ nội thất phục vụ thị trường trong nước thì đây lại là câu chuyện khác.

Hằng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác “lậu” và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Và đồ gỗ càng quý, càng bền theo thời gian thì thông thường là những loại gỗ cấm khai thác hoặc gỗ tự nhiên, trong khi Chính phủ đã có quyết định đóng cửa rừng.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, đợt thiên tai ở miền Trung thời gian vừa qua là kết quả của việc con người ứng xử với thiên nhiên, trong đó có khai thác rừng tự nhiên một cách không hợp lý. Do vậy, để bảo vệ rừng, người tiêu dùng cần thay đổi thị hiếu, cần quan tâm hơn đến nguyên liệu gỗ rừng trồng, từ đó tác động lên ngành sản xuất gỗ. Ông Lập cũng cho biết thêm, hầu hết hoạt động của các DN thuộc các hiệp hội ngành gỗ ở đây không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng. Bởi vì sản phẩm của họ sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp. Các DN cần dành sự quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa và đồng lòng hỗ trợ xây dựng một ngành gỗ có trách nhiệm, một ngành lâm nghiệp bền vững.

Để thể hiện vai trò của mình và hợp sức cùng Chính phủ hướng đến nền “sản xuất xanh”, Viforest và hiệp hội gỗ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Thanh Hóa và TP.HCM cùng với Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ đã cùng ký cam kết phát triển ngành gỗ Việt theo hướng bền vững, nói không với gỗ bất hợp pháp. Các đơn vị nói trên cũng ra mắt Quỹ Vì một Việt Nam xanh với số vốn góp ban đầu 6,5 tỷ đồng.

“Quỹ Vì một Việt Nam xanh là sự chung tay, góp sức của các hiệp hội gỗ tại những địa phương có ngành sản xuất gỗ phát triển trong cả nước. Quỹ sẽ tiếp tục phát triển nguồn vốn để tài trợ cho những dự án bảo vệ môi trường, trồng rừng và tổ chức các sự kiện liên quan đến bảo vệ rừng” - ông Phạm Văn Sinh cho biết thêm.

Văn Gia

Tin xem nhiều