Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động sản xuất vụ Tết Nguyên đán 2021

11:11, 12/11/2020

Vụ sản xuất cuối năm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán thường được nông dân tập trung đầu tư vì đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, nhiều mặt hàng nông sản thường có giá bán tốt.

Vụ sản xuất cuối năm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán thường được nông dân tập trung đầu tư vì đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn, nhiều mặt hàng nông sản thường có giá bán tốt.

Nông dân xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu làm đặc sản bưởi hồ lô cho thị trường Tết Nguyên đán
Nông dân xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu làm đặc sản bưởi hồ lô cho thị trường Tết Nguyên đán

Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn chung của nền kinh tế, vụ sản xuất Tết Nguyên đán 2021, cả nông dân và doanh nghiệp đều thận trọng hơn trong đầu tư vì lo thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn hơn mọi năm.

* Thận trọng tính toán nhu cầu thị trường

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm do ảnh hưởng bất lợi của dịch Covid-19. Thị trường liên tục chứng kiến những đợt tồn hàng, rớt giá của cả sản phẩm chăn nuôi đến cây ăn trái, cây công nghiệp.

Theo đó, nhiều mặt hàng trái cây thường hút hàng trong mùa Tết Nguyên đán như: bưởi, thanh long, mãng cầu... nông dân đều thận trọng hơn trong đầu tư vì e ngại thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn hơn mọi năm.

Thời điểm này cùng kỳ năm ngoái, nông dân trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã đua nhau đầu tư làm xoài trái vụ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán vì đây là mùa tiêu thụ có giá tốt nhất trong năm. Nhưng năm nay, đa số nông dân chỉ đầu tư cầm chừng, thậm chí không làm xoài trái vụ. Bà Nguyễn Thị Ngọc, nông dân trồng xoài ở xã La Ngà (H.Định Quán) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi không làm xoài trái vụ vì vụ xoài vừa qua đã lỗ vốn. Thị trường Tết Nguyên đán 2021 có thể gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ tái phát. Nhiều hộ nông dân ở địa phương cũng đầu tư cầm chừng hoặc không đầu tư vì lo thị trường vẫn tiếp tục gặp khó khăn”.

Hơn 2 tháng qua, giá gia cầm, nhất là mặt hàng gà ta thả vườn, giảm sâu dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Vào thời điểm này mọi năm, giá con giống gà, vịt tăng cao vì người nuôi đua nhau tăng đàn vào vụ Tết Nguyên đán thì hiện lại giảm sâu, thậm chí các trại sản xuất giống phải đốt bỏ con giống vì ít người mua.

Ông Hồ Ngọc Thành, người nuôi gà ta thả vườn ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) chia sẻ: “Do liên tục lỗ vốn vì giá gà giảm sâu nên vụ Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi giảm đàn nuôi thay vì tăng lên như mọi năm. Đến thời điểm này, nhiều hộ nuôi gà trong vùng vẫn chưa thả lứa Tết, có trại treo chuồng vì đã cạn vốn đầu tư”.

* E dè đầu tư làm đặc sản

Đầu ra gặp khó khiến nhiều nông dân nuôi, trồng các mặt hàng đặc sản càng thận trọng hơn trong đầu tư cho vụ Tết Nguyên đán năm nay vì các mặt hàng đặc sản giá cao, kén khách càng khó tiêu thụ.

Bà Cao Thị Ten (ấp 2, xã Phú Ngọc, H.Định Quán) lo lắng, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, sức tiêu thụ các sản phẩm trứng, thịt gà thảo mộc giảm hơn 50%, có thời điểm bán không chạy hàng. Theo đó, từ vụ nuôi trước, trang trại của bà Ten buộc phải giảm quy mô đàn nuôi. “Vụ Tết Nguyên đán năm ngoái, trang trại cháy hàng vì không đủ nguồn cung ra thị trường. Khó khăn chung về tình hình kinh tế khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hơn nên vụ Tết năm nay, trang trại chỉ nuôi như ngày thường vì lo đầu ra vẫn gặp khó” - bà Ten nói.

Từ đầu năm đến nay, giá bưởi bán ra thị trường thấp hơn nhiều so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nông dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cho vụ thu hoạch cuối năm. Dự đoán vụ bưởi Tết năm nay nhiều vùng sẽ trúng mùa nên không lo hụt nguồn cung. Nông dân trồng bưởi chỉ kỳ vọng giá bưởi Tết giữ ổn định như mọi năm. Năm nay, phong trào làm bưởi hồ lô bán giá cao làm quà tặng thường được nông dân làm nhiều trong vụ Tết Nguyên đán không còn rầm rộ như mọi năm.

Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu) cho biết: “Năm nay, vườn của tôi chỉ làm khoảng 200 trái bưởi hồ lô, ít hơn nhiều so với mọi năm vì khách đặt dòng hàng bưởi độc đáo này làm quà biếu Tết không nhiều bằng mọi năm. Nhiều nhà vườn cũng chỉ làm vài cặp khi có đơn đặt hàng trước của khách chứ không làm đón đầu”.

Cùng quan điểm, ông Vũ Ngọc Tuấn, chủ trại nuôi đặc sản gà Đông Tảo tại xã Đông Hòa (H.Trảng Bom) cho hay, vụ Tết Nguyên đán năm nay, trại ông nuôi với sản lượng như ngày thường vì chủ yếu cung cấp cho một số mối khách quen vì dòng đặc sản giá cao này khá kén khách. Giá bán thị trường Tết cũng sẽ không biến động nhiều để “giữ chân” khách hàng.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,15 triệu con, tăng 10,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Vài tháng gần đây, tổng đàn heo trên đà hồi phục tốt. Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị chăn nuôi là doanh nghiệp, chủ trang trại có quy mô lớn có đủ điều kiện an toàn đảm bảo công tác tái đàn, đảm bảo con giống cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khôi phục chăn nuôi. Đặc biệt, các công ty chăn nuôi có quy mô lớn đã thuê lại các chuồng trại để trống trước đây để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi. Theo đó, giá heo hơi trên địa bàn Đồng Nai hiện còn từ 71-76 ngàn đồng/kg, giảm cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Doanh nghiệp, người chăn nuôi heo đang tiếp tục tập trung tái đàn, tăng đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết Nguyên đán 2021.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều