Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai dự tính thu hút đầu tư trong nước được hơn 133,7 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn trên được doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...
Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai dự tính thu hút đầu tư trong nước được hơn 133,7 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn trên được doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...
Huyện Nhơn Trạch là nơi có nhiều dự án bất động sản lớn được triển khai xây dựng. Ảnh:K. Minh |
Theo Sở KH-ĐT, gần 5 năm qua, tỉnh đã thu hút được 424 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký khoảng 121 ngàn tỷ đồng và 72 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm gần 12,7 ngàn tỷ đồng. Những địa phương thu hút được nhiều dự án đầu tư trong nước là các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Các dự án có vốn đầu tư trong nước đã đóng góp lớn cho kinh tế địa phương.
* Thấy trước tiềm năng
Trước khi đầu tư vào tỉnh, các DN thường tìm hiểu rất kỹ về môi trường đầu tư, tiềm năng của từng khu vực. Các địa phương gần các trục đường giao thông lớn và có hạ tầng kỹ thuật phát triển được nhiều DN lựa chọn để đầu tư.
Theo Sở KH-ĐT, trong 10 tháng của năm 2020, Đồng Nai đã thu hút đầu tư trong nước được khoảng 26,9 ngàn tỷ đồng. Dự tính năm 2020, thu hút đầu tư trong nước đạt 29 ngàn tỷ đồng. Một số dự án có vốn đầu tư lớn đều nằm ở H.Nhơn Trạch là: khu dân cư Phú Hội hơn 1,5 ngàn tỷ đồng, khu dân cư Long Tân hơn 1 ngàn tỷ đồng. |
Trong cơ cấu các dự án vốn trong nước cấp mới đầu tư vào Đồng Nai thì lĩnh vực bất động sản đứng đầu với 158 dự án, chiếm tỷ lệ khoảng 39,5%; lĩnh vực sản xuất công nghiệp 107 dự án, chiếm tỷ lệ 27%; thương mại dịch vụ 45 dự án, chiếm tỷ lệ trên 11% và lĩnh vực nông nghiệp 35 dự án, xấp xỉ 9%. Còn lại là các dự án đầu tư vào những lĩnh vực khác như: du lịch, giáo dục, khoa học - công nghệ...
Ông Đỗ Chánh Quang, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết: “Từ khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành và đưa vào khai thác, thu hút đầu tư trong nước vào TP.Long Khánh rất thuận lợi. Thời gian qua, nhiều DN đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư của thành phố và dự tính sẽ thực hiện dự án trên địa bàn. Hiện các khu công nghiệp của thành phố đã gần lấp đầy”. Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, đã được UBND tỉnh phê duyệt thì TP.Long Khánh triển khai 102 dự án với diện tích 460ha.
Mới đây, trong buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay: “Từ khi dự án Sân bay Long Thành khởi động, nhiều DN đã đến huyện đầu tư dự án mới và các dự án đã cấp trước cũng được đẩy nhanh tiến độ để đón đầu các công trình hạ tầng. Tới đây, khi cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành, cầu Cát Lái được xây dựng sẽ giúp Nhơn Trạch phát triển nhanh hơn”. H.Nhơn Trạch hiện đã được quy hoạch gần 200 dự án có diện tích 5.651ha. Riêng lĩnh vực bất động sản là 74 dự án với gần 3.400ha.
* Vốn đầu tư sẽ tăng cao giai đoạn tới?
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ là nơi có sức hút lớn với nhà đầu tư trong nước, nước ngoài. Tỉnh có ưu thế là cửa ngõ về giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây nguyên, miền Tây và Nam Trung bộ. Một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh sẽ được DN rót vốn vào nhiều là bất động sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, du lịch. Thế nhưng, muốn thu hút đầu tư trong nước tốt, tỉnh cần chuẩn bị sẵn những yêu cầu cần và đủ của DN. Đồng thời, khâu chọn lựa dự án phải kỹ càng để có được nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để triển khai nhanh các dự án mới góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh: “Những năm tới, có thể sẽ có làn sóng đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực nên các địa phương phải phối hợp với các sở, ngành làm tốt các quy hoạch trên từng lĩnh vực để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Như vậy, khi DN được cấp phép đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện dự án, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương và tỉnh”. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, ngoài làm tốt các quy hoạch, tỉnh sẽ ưu tiên vốn để đầu tư nâng cấp, mở rộng, làm mới những tuyến đường giao thông để kết nối, tạo thuận lợi trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.
TS Nguyễn Hoàng Phương, giảng viên Học viện Chính trị khu vực II (TP.HCM), chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế đánh giá: “Nơi nào có giao thông kết nối thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng, đất đai rộng sẽ dễ dàng thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Các yếu tố DN cần để lựa chọn đầu tư Đồng Nai đã có sẵn, nhưng muốn các dự án triển khai nhanh, tỉnh nên chú ý đến khâu giải quyết thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian”.
Qua tìm hiểu, nhiều dự án bị kéo dài ở khâu giải quyết hồ sơ, thủ tục có khi mất 2-3 năm mới hoàn thành và đây được coi là một trong những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ.
Khánh Minh