Câu chuyện xây dựng trái phép một lần nữa lại rộ lên với tin tức nguyên một "khu phố" ở TP.Biên Hòa vừa phát hiện được xây dựng chui sau khi đã được hoàn thành. Một điều thật trớ trêu, nghịch lý ở chỗ người dân cho rằng họ chỉ cần "xách vài xô hồ sửa cái cửa" thôi là địa chính phường đã biết trong khi cả khu phố xây dựng xong xuôi mà chính quyền không hay không biết, tựa như chuyện "con voi to lớn lại chui lọt qua lỗ kim".
Câu chuyện xây dựng trái phép một lần nữa lại rộ lên với tin tức nguyên một “khu phố” ở TP.Biên Hòa vừa phát hiện được xây dựng chui sau khi đã được hoàn thành. Một điều thật trớ trêu, nghịch lý ở chỗ người dân cho rằng họ chỉ cần “xách vài xô hồ sửa cái cửa” thôi là địa chính phường đã biết trong khi cả khu phố xây dựng xong xuôi mà chính quyền không hay không biết, tựa như chuyện “con voi to lớn lại chui lọt qua lỗ kim”.
Có một thực tế là tại những địa phương có nền kinh tế phát triển năng động, dân nhập cư đông, tốc độ gia tăng dân số nhanh thì áp lực về nhà ở rất lớn đối với cả chính quyền địa phương cũng như người dân. Trong khi công tác quản lý buông lỏng, không theo kịp, thậm chí nhiều khi lơ là trong kiểm tra, giám sát.
Tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến, và mỗi địa phương xử lý vi phạm khác nhau. Có nơi làm nghiêm, buộc tháo dỡ phần sai phạm ngay cả với những công trình nhỏ, có nơi lại chỉ xử lý hình thức, ban hành quyết định phạt, rồi để cho tồn tại.
Việc “phạt cho tồn tại” trong thời gian qua cũng đã dấy lên nhiều tranh luận cả trên nghị trường của Quốc hội lẫn trong việc điều hành, quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng “phạt cho tồn tại” đang làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. Tiếp tục cấp phép cho các công trình sai phạm đang tạo ra tiền lệ xấu đối với những chủ đầu tư có chủ đích lách luật, làm sai từ đầu và thực tế cũng cho thấy việc những dự án về xây dựng sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở khắp cả nước.
Về lâu dài, việc xây dựng không phép, sai phép và câu chuyên “du di” trong xử phạt có thể gây ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển của địa phương. Nó phá vỡ về quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, gây áp lực lên công tác điều hành, quản lý của Nhà nước, dẫn đến quy hoạch không theo kịp tình hình thực tế của địa phương. Để rồi cuối cùng, phải điều chỉnh quy hoạch chỉ nhằm “chữa cháy” cho những bất cập trước mắt, bất lợi cho mục tiêu phát triển lâu dài. Vòng luẩn quẩn này cứ thế tiếp tục tái diễn qua nhiều năm, nhiều thời kỳ.
Vẫn biết việc đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người dân khi dân số gia tăng mạnh, tập trung đông là một áp lực không hề nhỏ, nhưng cần một sự quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. Thậm chí mạnh tay với những dự án, công trình của các nhà đầu tư “lách luật”, cố tình vi phạm rồi tìm cách xoay xở để mình được áp dụng hình thức “phạt cho tồn tại”.
Văn Gia