Mặc dù bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh...
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng và phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại, trong đó có cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới.
Giữ ổn định việc làm cho người lao động là yếu tố sống còn với doanh nghiệp lúc này. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành hàng công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: V. Gia |
Về lâu dài, sau khi dịch bệnh kết thúc, DN cũng như nền kinh tế cần một chiến lược đào tạo lao động phù hợp, thích ứng tốt với những biến động phức tạp không lường trước.
* Nỗ lực giữ việc làm cho người lao động
Trên địa bàn Đồng Nai, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh giảm sút song để chia sẻ với người lao động, nhiều DN đã nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động.
Tại Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa), trong các tháng đầu năm, tình hình kinh doanh khó khăn, lãnh đạo công ty cho biết các đơn hàng chăn, drap, gối nệm có biến động so với cùng kỳ năm trước. Tuy ít bị ảnh hưởng trực tiếp song DN này cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo ông Phạm Thế Linh, Giám đốc công ty, nhiều lao động đã gắn bó với DN từ những ngày đầu thành lập nên ưu tiên số một của công ty vẫn là phải giữ được việc làm cho đội ngũ này.
“Dù khó khăn nhưng chúng tôi cam kết tất cả mọi công nhân đều không bị mất việc làm, mọi chế độ phúc lợi vẫn được hưởng theo quy định của Nhà nước. Do vậy, anh chị em cán bộ, nhân viên yên tâm làm việc, không nên lo lắng, bi quan và phải tuân thủ các quy định phòng dịch của cơ quan chức năng trong quá trình sản xuất” - ông Linh cho hay.
Tương tự, tại các nhà máy trực thuộc của Công ty TNHH Thực phẩm G.C (G.C Food) ở 2 tỉnh Đồng Nai và Ninh Thuận, việc làm của người lao động được đảm bảo một cách tốt nhất. Ngoài sản phẩm chế biến từ nha đam, hiện DN đang đẩy mạnh sản xuất, chế biến các loại nông sản cao cấp một cách khép kín từ đồng ruộng đến nhà máy. Mục tiêu là trong thời gian sớm nhất, đưa được sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường các nước châu Âu và Mỹ để khẳng định giá trị thương hiệu.
Người lao động cũng được coi là yếu tố sống còn của Công ty TNHH Great Kingdom. Là nhà sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu nên thị trường thế giới ngưng đọng ảnh hưởng rất lớn đến công ty. DN này cũng đang trong quá trình chuyển nhà máy sản xuất ở Khu công nghiệp Biên Hòa I đến Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom) nên đảm bảo sự ổn định về lao động là yêu cầu tiên quyết.
“Lường trước được những khó khăn sắp tới, công ty chúng tôi coi vấn đề giữ chân người lao động là rất quan trọng. Do vậy, DN đã lên sẵn kế hoạch từ trước, vẫn duy trì ổn định công việc sản xuất, không để lao động phải nghỉ việc. Hy vọng dịch bệnh trên thế giới sớm được kiềm chế, các nước trở lại nhập hàng sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển” - ông Lương Ngọc Hồi, Phó tổng giám đốc công ty chia sẻ.
* Xây dựng chiến lược tái đào tạo sau dịch
Qua khảo sát từ các DN, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, trong điều kiện dịch bệnh và sau dịch bệnh, nhiều DN sẽ phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại lực lượng lao động, dẫn tới một bộ phận lao động bị mất việc làm. Do vậy, VCCI đề nghị Chính phủ mở rộng chính sách cho DN được vay lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để trả tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ DN thực hiện tái cấu trúc.
“Cũng cần bổ sung thêm Quỹ hỗ trợ cho DN để giữ chân được người lao động có tay nghề phải nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là đối với các ngành nghề/lĩnh vực đòi hỏi thời gian đào tạo nghề lâu hơn (như điện tử, cơ khí...). Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho DN khi sản xuất tăng trở lại nếu không có sẵn những người lao động có tay nghề cao” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất như trên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN ngày 9-5 mới đây.
Tương tự, theo Bộ LĐ-TBXH, Tổ chức Lao động quốc tế đã khuyến cáo, để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đánh giá, hệ lụy rất lớn sau dịch Covid-19 là nếu cắt giảm nhân sự hàng loạt thì chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn hoặc DN phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại. Vì vậy, Bộ sẽ trình với Thủ tướng ban hành chỉ thị về vấn đề này.
Theo đó, đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3-5 ngàn tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại. Về phương thức thực hiện, sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn với các hoạt động sản xuất trực tiếp, đồng thời DN sẽ trực tiếp cấp chứng nhận.
Văn Gia