Báo Đồng Nai điện tử
En

Chế biến sẽ "cứu" trái cây tươi xuất khẩu

04:04, 04/04/2020

Thời điểm này, giá nhiều loại trái cây tươi đang giảm và đây là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến. Tuy nhiên, nhiều DN chế biến trái cây tươi của tỉnh đang sản xuất cầm chừng vì gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều nước tạm ngưng nhập khẩu.

Thời điểm này, giá nhiều loại trái cây tươi đang giảm và đây là điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) chế biến. Tuy nhiên, nhiều DN chế biến trái cây tươi của tỉnh đang sản xuất cầm chừng vì gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid-19 lan rộng khiến nhiều nước tạm ngưng nhập khẩu.

Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Hiệp Vân (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom). Ảnh: B. Nguyên
Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Hiệp Vân (xã Trung Hòa, H.Trảng Bom). Ảnh: B. Nguyên

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chế biến là giải pháp gỡ khó về đầu ra cho các sản phẩm trái cây tươi vì có thể bảo quản lâu và dự kiến sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới, khi dịch đã lui và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh.

* Giải pháp cho  khủng hoảng thừa

Hiện giá nhiều mặt hàng trái cây tươi có diện tích lớn của Đồng Nai giảm mạnh do gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho biết, Đồng Nai hiện có nhiều loại cây ăn trái chủ lực với diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: chuối hơn 10 ngàn ha, xoài gần 12 ngàn ha, sầu riêng gần 7 ngàn ha... Trong đó, 60-80% các loại cây ăn trái trên xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc. Cao điểm thu hoạch của các loại cây ăn trái trên từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, khả năng dư thừa của các loại cây ăn trái trên là rất lớn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” diễn ra vào cuối tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường, giải bài toán tiêu thụ cho nông sản nói chung và mặt hàng trái cây tươi nói riêng. Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng kịp thời hỗ trợ về vốn cho DN với nhiều hình thức như: kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay...

Một trong những giải pháp về đầu ra cho sản phẩm trái cây tươi là đầu tư vào ngành chế biến. Tuy nhiên, lĩnh vực bảo quản, chế biến rau củ, trái cây của Đồng Nai còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trên. Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 21 DN chế biến các sản phẩm rau củ, trái cây sấy các loại. Trong đó, có 6 cơ sở chế biến xoài sấy dẻo với công suất khoảng 8 tấn thành phẩm/ngày, tương đương với khoảng 80 tấn xoài nguyên liệu/ngày.

Ngoài ra, hệ thống các kho lạnh bảo quản nông sản của các DN trên địa bàn tỉnh cũng rất ít, quy mô nhỏ với tổng thể tích chứa trên 87 ngàn m3, khả năng bảo quản trái cây, nông sản chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với tổng sản lượng trái cây tươi đang và sắp thu hoạch trên địa bàn Đồng Nai.

Do đó, phát triển mạnh ngành chế biến vẫn là một trong những giải pháp trước mắt và lâu dài Đồng Nai đang tập trung thực hiện. Cụ thể là nâng cao năng lực các nhà máy chế biến hiện có; đưa nhiều nhà máy mới vào hoạt động. Song song đó, cần phải tổ chức lại thị trường, không để phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường mà phải có nhiều thị trường tiêu thụ trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm; có cả sản phẩm chế biến, sản phẩm cấp đông, sản phẩm xuất tươi...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, trong năm 2020, Đồng Nai sẽ tập trung ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm nhằm nâng cao giá trị cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Các địa phương có vùng nguyên liệu nông sản lớn cần tập trung rà soát lại tình hình hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn, ưu tiên quỹ đất thu hút DN đầu tư.

* Mong sớm được hỗ trợ

Các DN, cơ sở chế biến nông sản nói chung, trái cây tươi nói riêng trên địa bàn Đồng Nai hiện đang gặp khó khăn trong việc ổn định sản xuất trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (xã Phú Túc, H.Định Quán) chia sẻ, hiện thị trường tiêu thụ, nhất là kênh xuất khẩu, hầu như bị đình đốn nên DN chỉ sản xuất cầm chừng bằng 60-70% so với cùng kỳ mọi năm. Năm ngoái, DN đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây nhưng hiện chỉ mới sử dụng chưa đến một nửa công suất. “Chúng tôi rất muốn ổn định chế biến và đưa vào bảo quản để tăng tiêu thụ trái cây tươi cho nông dân nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vốn. Mong Nhà nước tạo điều kiện để DN được tiếp cận nguồn vốn lãi suất phù hợp để ổn định hoạt động trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - ông Sáng nói.

Cùng mong muốn, bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa (xã Quang Trung, H.Thống Nhất) cho hay, hiện cơ sở rất khó khăn vì trái cây chế biến chỉ tiêu thụ được khoảng 2-3 phần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ sở lại không tự xoay xở được trong giai đoạn dịch bệnh ngày càng phức tạp này, mong Nhà nước hỗ trợ về định hướng sản xuất và đầu ra cho sản phẩm thì cơ sở mới mạnh dạn thu mua trái cây tươi cho nông dân để đưa vào chế biến.

Một số DN trong ngành chế biến nông sản cũng mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ đồng thời tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất thấp, thời hạn vay kéo dài hơn để cầm cự trong mùa dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, họ cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại những thị trường mới để có thêm cơ hội xuất khẩu tốt hơn. Ngay cả thị trường trong nước cũng cần được xúc tiến vì tiềm năng rất lớn nhưng không phải DN nhỏ lẻ nào cũng tổ chức tốt được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành.          

Bình Nguyên

Tin xem nhiều