Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dịch vụ - tiêu dùng gặp khó vì Covid-19

09:03, 09/03/2020

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hoạt động tiêu dùng, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hoạt động tiêu dùng, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người dân chọn mua các loại rau, củ, quả tại một cửa hàng tiện lợi ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân
Người dân chọn mua các loại rau, củ, quả tại một cửa hàng tiện lợi ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Quân

* Nhu cầu mua sắm, ăn uống giảm mạnh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh trong tháng 2 vừa qua đạt khoảng hơn 11,2 ngàn tỷ đồng, giảm 11,8% so với tháng trước. Nguyên nhân là do tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu giảm mạnh, mặt khác do dịch bệnh nên người dân hạn chế đến các trung tâm thương mại, siêu thị...

Ghi nhận tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trong tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng hơn 1 tháng nay, lượng khách đến tham quan, mua sắm giảm so với trước đó. Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, lượng khách đến mua sắm tại siêu thị trong gần 1 tháng qua giảm khoảng 15% so với tháng trước. Hiện nay, siêu thị vẫn đảm bảo được hàng hóa dự trữ, riêng mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay khô thường xuyên xảy ra tình trạng khan hàng do thiếu nguồn cung.

Ông Lê Văn Duy, Giám đốc BigC Tân Hiệp cho biết, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu ở siêu thị trong khoảng 1 tháng qua giảm so với trước. Tuy nhiên, khoảng vài ngày trở lại đây, lượng khách bắt đầu tăng dần xuất phát từ những thông tin mới nhất của dịch Covid-19. BigC Tân Hiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ đảm bảo, giá không có nhiều biến động...

Cũng theo Cục Thống kê Đồng Nai, doanh thu từ dịch vụ ăn uống trong tỉnh tháng 2 đạt hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, giảm 6,22% so với tháng trước. Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, các đơn vị, cửa hàng kinh doanh ăn uống còn bị ảnh hưởng khi áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 100) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…

Bà Đào Thị Nguyên Trang, đại diện nhà hàng Trang Hào (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, từ khoảng sau Tết Nguyên đán, lượng khách của nhà hàng giảm khoảng 30%. Để thu hút khách hàng, nhà hàng có thêm nhiều dịch vụ mới như: đưa đón khách hàng say rượu, bia về nhà; thay đổi một số món ăn trong thực đơn; tặng voucher giảm giá theo khung giờ…

Tương tự, đại diện nhà hàng Con Cá Vàng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng cho biết, lượng khách đến nhà hàng giảm khoảng 25-30% trong thời gian qua trước những ảnh hưởng của Nghị định 100 và tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp.

Ở một số lĩnh vực dịch vụ khác, hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình dịch bệnh. Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc điều hành chuỗi trung tâm ngoại ngữ Lê Anh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, cả 3 cơ sở của trung tâm đều phải tạm dừng hoạt động từ Tết Nguyên đán đến nay. Hiện trung tâm đang phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí về thuê mặt bằng, lương dành cho các nhân viên toàn thời gian, giáo viên cơ hữu…

* Vận tải, lữ hành gặp khó

Từ sau Tết Nguyên đán, các tour, tuyến du lịch trong nước cũng bị sụt giảm nhiều. Người dân đã chủ động hoãn hoặc thay đổi lịch trình các chuyến đi trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường. Do đó, các công ty lữ hành, vận tải, kinh doanh vé máy bay, tàu hỏa cũng gặp nhiều khó khăn,

Ông Nguyễn Nhật Nguyên, đại diện Phòng Kinh doanh Công ty CP thương mại dịch vụ du lịch Biên Hòa Tourist (TP.Biên Hòa) cho hay, số lượng khách đặt tour giảm mạnh từ sau Tết khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Lê Thanh Liêm, chủ đại lý vé máy bay, tàu hỏa Phú Bình (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện có rất ít người đặt vé mới vào dịp này trừ một số người có công việc, hoàn cảnh đặc biệt, cần đi lại gấp. Trong khi đó, nhiều khách hàng đã hủy vé, đổi vé do lo ngại tình hình dịch bệnh lây lan nhanh. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách đặt vé tàu hỏa, máy bay tại đại lý giảm khoảng 50%.

Tương tự, các công ty vận tải đang tìm cách gỡ khó khi lượng khách giảm mạnh trong thời gian gần đây. Theo ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty TNHH vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa), doanh thu của công ty giảm khoảng 20% do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Điều này buộc công ty phải giảm chuyến, thay vì 100 chuyến/ngày như thường lệ thì nay chỉ khoảng 70-80 chuyến/ngày.

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Công ty TNHH An Phú Trường Thịnh (TP.Biên Hòa) cho hay, đơn vị đang kinh doanh vận tải hành khách bằng xe limousine tuyến TP.Biên Hòa đi sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cho thuê xe du lịch… Từ khoảng sau Tết Canh Tý đến nay, lượng khách đặt vé xe, thuê xe giảm khoảng 40%. Để giảm lỗ, công ty đã phải cắt giảm lượng xe, bố trí luân phiên tài xế theo từng tuần.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trước đó, từ cuối tháng 2-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, đơn vị đã thông báo và đề nghị các tổ chức tín dụng có phương án phù hợp để khẩn trương triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo ghi nhận tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn đang rà soát, lên kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất vay vốn cho trường hợp bị ảnh hưởng…

Hải Quân

Tin xem nhiều