Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp FDI trong ''cuộc đua'' công nghệ

03:03, 10/03/2020

Thế giới đang hướng đến những sản phẩm công nghệ cao, điều này khiến những doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.

Thế giới đang hướng đến những sản phẩm công nghệ cao, điều này khiến những doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Hiện DN FDI trên địa bàn tỉnh đã bán được hàng vào 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) sử dụng máy móc hiện đại sản xuất ốc vít cung ứng cho những tập đoàn lớn trên thế giới. Ảnh: H.Giang
Công ty TNHH công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) sử dụng máy móc hiện đại sản xuất ốc vít cung ứng cho những tập đoàn lớn trên thế giới. Ảnh: H.Giang

[links()]Theo Sở KH-ĐT, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 ngàn dự án của DN FDI đang hoạt động với tổng vốn trên 27 tỷ USD. Các DN FDI phần lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp để làm ra các sản phẩm xuất khẩu. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của các DN FDI tại Đồng Nai đạt gần 16 tỷ USD.

* Sản phẩm phải hiện đại

Sản xuất của các DN FDI trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, trong đó gồm các bước: gia công một vài công đoạn; hoàn thiện sản phẩm; tự thiết kế, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác; thiết kế, sản xuất hoàn thiện sản phẩm rồi mới chào bán.

Theo các DN trên địa bàn tỉnh, họ thường xuyên phải đầu tư mua thêm máy móc, thiết bị để tăng công suất, chất lượng, giảm lao động bởi khách hàng ngày càng đòi hỏi cao, khắt khe về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Với máy móc cũ và phải làm thủ công nhiều khâu sẽ không đáp ứng được các đơn hàng lớn. Hiện nhiều công ty đầu tư máy móc hiện đại thay thế giảm được nhiều lao động, có những nhà máy sản xuất lớn chỉ cần vài công nhân theo dõi, điều khiển từ xa. Một số DN đã đưa robot vào thay thế lao động ở những công đoạn khó và nặng nhọc.

Tuy nhiên, điểm chung của các DN này là sau mỗi giai đoạn đều tự chuyển đổi, đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng công suất, chất lượng sản phẩm, giảm áp lực về việc thiếu nguồn lao động và hạ giá thành của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Ông Ma Liang Hua, Giám đốc Công ty CP thiết bị vệ sinh Caesar Việt Nam ở Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các thiết bị vệ sinh cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Với mặt hàng trên, thị trường trong nước và cả thị trường xuất khẩu đòi hỏi chất lượng ngày một cao. Cụ thể là mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, thân thiện với môi trường, giá cạnh tranh... Do đó, công ty phải thường xuyên nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới đa năng, tiện lợi để giữ được mức tăng trưởng khá”.

Các DN FDI sản xuất theo hình thức gia công cho các tập đoàn đa quốc gia cũng phải từng bước nâng tay nghề đội ngũ lao động, đầu tư thêm máy móc mới để đáp ứng các đơn hàng khó trong thời gian ngắn. Đây cũng chính là lý do các DN FDI ở Đồng Nai nhận được rất nhiều đơn hàng, đôi khi phải từ chối bớt vì công suất nhà máy chưa đủ đáp ứng.

Công ty TNHH Koyu& Unitek Việt Nam ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Ảnh: U.Nhi
Công ty TNHH Koyu& Unitek Việt Nam ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Ảnh: U.Nhi

Ông Wu Minh Ying, Tổng giám đốc Công ty TNHH kim loại Sheng Bang ở KCN Sông Mây (H.Trảng Bom), Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan Đồng Nai cho biết: “Sản phẩm của công ty phần lớn xuất vào Nhật Bản. Đây là thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm và ngày càng có nhiều đơn hàng khó. Để đáp ứng các đơn hàng của đối tác, công ty nghiên cứu sản xuất ra những mặt hàng đạt được tất cả những yêu cầu của khách hàng”.

Cũng theo ông Wu Minh Ying, công ty đáp ứng nhanh các đơn hàng với mức độ khó cao nên đơn hàng đến với công ty khá nhiều, đôi khi phải từ chối bớt. Sheng Bang có tiêu chí là tăng trưởng phải đi đôi với đảm bảo chất lượng, không ồ ạt chạy theo số lượng vì như vậy rất khó phát triển bền vững.

* Hiện đại hóa sản xuất

Mỗi năm, các DN FDI trên địa bàn tỉnh chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị hiện đại để thay đổi, mở rộng dây chuyền sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp. Đơn cử, năm 2018, Đồng Nai nhập khẩu máy móc thiết bị với kim ngạch gần 1,7 tỷ USD thì năm 2019, kim ngạch đã xấp xỉ 1,9 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nhập khẩu hàng hóa từ một số nước trở nên khó khăn, song các DN FDI vẫn bỏ ra 252 triệu USD mua máy móc, thiết bị mới.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai Phùng Thị Bích Hường, những năm gần đây, máy móc là mặt hàng nhập khẩu có mức tăng khá cao. Thị trường nhập khẩu các loại máy móc khá đa dạng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...

Tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, nhiều khâu trong sản xuất đã được tự động hóa Ảnh: HƯƠNG GIANG
Tại Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2, nhiều khâu trong sản xuất đã được tự động hóa Ảnh: HƯƠNG GIANG

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhận định: “Khoảng 5 năm trở lại đây, các DN FDI đầu tư mới vào tỉnh hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất đều chọn các loại máy móc hiện đại để thay thế dần máy móc cũ. Do đó, nhiều DN đã nâng công suất nhà máy thêm 1,5-4 lần nhưng số công nhân tăng không nhiều, bởi các máy móc đã tự động hóa”.

Thay đổi công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường hướng đến nền công nghiệp xanh là xu hướng chung của toàn cầu cũng như Đồng Nai.

* “Chạy đua” đáp ứng yêu cầu thị trường

Hiện nay, các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển đều rất chú ý đến bảo vệ môi trường trong sản xuất, tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa ngoài đòi hỏi chất lượng, mẫu mã, giá cạnh tranh, DN đáp ứng các tiêu chí trong sản xuất như: nhà xưởng, công nghệ, chế độ làm việc của lao động, môi trường... DN FDI cũng như DN trong nước phải dần thay đổi công nghệ sản xuất để đa dạng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.

Ông Kyu Yong Chi, Giám đốc bộ phận Công ty TNHH thép SeAH Việt Nam ở KCN Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “SeAH nằm trong nhóm 500 DN lớn nhất Việt Nam, các loại ống thép do công ty làm ra tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua nhiều nước. SeAH thường xuyên đầu tư thêm máy móc nâng cao công nghệ sản xuất để đưa ra thị trường những sản phẩm hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng”.

Vì luôn theo kịp xu hướng, yêu cầu của đối tác nên hàng hóa của DN FDI tại Đồng Nai xuất khẩu vào nhiều thị trường đòi hỏi cao về độ tinh xảo, chất lượng, mẫu mã như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Canada. Đồng Nai là nơi được nhiều tập đoàn đa quốc gia như: Fujitsu, Bosch, Shiseido, SeAH, Hyosung, Kenda, Schaeffler, Mitsubishi... đặt những nhà máy hiện đại để sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Ông Okada Hideyuki, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM cho biết: “Các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 260 dự án với gần 4,7 tỷ USD. DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh đa số có công nghệ hiện đại và rất chú trọng đến việc góp phần bảo vệ môi trường. DN Nhật Bản chủ yếu rót vốn vào sản xuất công nghiệp và đa số rất thành công”.

Hiện nay, Đồng Nai nổi tiếng trong nước là nơi cung ứng nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại cho các ngành sản xuất, chế tạo khác ở trong và ngoài nước. Trong đó, thị phần lớn thuộc về DN FDI, họ đầu tư công nghệ hiện đại không chỉ đem lại ưu thế cho mình mà kéo theo nhiều DN trong nước đang cung ứng sản phẩm đầu vào phải thay đổi công nghệ mới có thể tham gia vào chuỗi sản xuất.

Nơi nhập, xuất nhiều máy móc hiện đại 

Theo Sở Công thương, máy móc thiết bị và phụ tùng là mặt hàng nhập khẩu chính của Đồng Nai trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch 252 triệu USD, chiếm gần 12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh. Các DN ở Đồng Nai nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng về để thay thế, bổ sung thêm cho dây chuyền sản xuất nhằm tăng công suất, chất lượng sản phẩm. Cũng trong 2 tháng đầu năm nay, các DN trên địa bàn tỉnh xuất khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng khoảng 242,5 triệu USD sang nhiều thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN... Đồng Nai là nơi nhập khẩu nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, nhưng cũng là nơi sản xuất ra nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại cung cấp cho thế giới. 

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích