Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ nghiêm ngặt động vật hoang dã nguy cấp

11:03, 15/03/2020

Trong tháng 2-2020, Sở TN-MT đã có văn bản 527/STNMT-CCBVMT gửi các sở, ngành, địa phương và cơ quan báo, đài đề nghị đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong tháng 2-2020, Sở TN-MT đã có văn bản 527/STNMT-CCBVMT gửi các sở, ngành, địa phương và cơ quan báo, đài đề nghị đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, yêu cầu xử nghiêm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp.

Phó chủ tịch HĐND tỉn. Nguyễn Sơn Hùng (giữa) đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng tự nhiên tại H.Định Quán. Ảnh: K.Minh
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) đi kiểm tra công tác bảo vệ rừng tự nhiên tại H.Định Quán. Ảnh: K.Minh

[links()]Trước đó, UBND tỉnh có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép, tận diệt các loài chim hoang dã. Đồng thời, các địa phương kịp thời ngăn chặn các hoạt động phóng thích những loài ngoại lai xâm hại vào môi trường.

* Các địa phương cần quản lý chặt chẽ

Công tác bảo vệ động vật, thực vật hoang dã quý hiếm không phải chỉ riêng của lực lượng chủ rừng và các hạt kiểm lâm mà cần các địa phương, cộng đồng cùng tham gia.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay: “Thời gian qua, huyện phối hợp với chủ rừng để tuyên truyền cho người dân hiểu và cùng tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt ĐVHD quý hiếm. Bên cạnh đó, những đối tượng cố tình vi phạm về bảo vệ rừng cũng bị xử lý nhằm giữ rừng và đa dạng sinh học”.

Rừng tự nhiên của tỉnh tập trung ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Nhơn Trạch. Đây cũng là những nơi có nhiều loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm cần phải bảo tồn nghiêm ngặt. Do các địa phương với chủ rừng có sự liên kết chặt trong công tác bảo vệ rừng nên những vụ săn bắt, đặt bẫy, mua bán ĐVHD đã giảm dần trong những năm gần đây và ít xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết: “Khu bảo tồn quản lý nhiều rừng tự nhiên và bên trong có nhiều loài ĐVHD nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân sống gần rừng cùng tham gia bảo vệ ĐVHD, Khu cũng tăng cường lực lượng tuần tra kịp thời phát hiện tịch thu những bẫy thú người dân còn lén lút đặt trong rừng để đảm bảo môi trường sống cho các loài”.

Cũng theo ông Hảo, hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chưa thành lập được Trung tâm Cứu hộ phát triển sinh vật nên cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, cứu chữa các loài ĐVHD chưa được bài bản.

Tuy nhiên do nhu cầu cấp thiết, đơn vị đã thành lập bộ phận cứu hộ với nhiệm vụ tiếp nhận những cá thể động vật rừng từ các vụ vi phạm để chăm sóc, sơ cứu phục hồi sức khỏe trước khi tái thả chúng về môi trường tự nhiên. Từ năm 2015-2019, bộ phận cứu hộ đã kết hợp với lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chức năng trên địa bàn tái thả 359 cá thể về môi trường tự nhiên. Trong đó, có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi lợn, rắn hổ mang chúa, tê tê, mèo rừng...

* Nói không với sản phẩm từ ĐVHD

Theo các nhà khoa học về môi trường, nhiều người Việt Nam vẫn còn sử dụng ĐVHD và xem đó là thuốc chữa bệnh, món ăn đặc sản như: cao hổ cốt, cao khỉ, mật gấu, sừng tê giác, ngà voi, thịt cheo cheo, sóc, gà rừng, chim rừng... Sở thích này gây ảnh hưởng xấu đến công tác bảo tồn các loài ĐVHD đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc sử dụng ĐVHD còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, vì các loài này có thể mang đến mầm bệnh nguy hại cho con người.

Trong vòng 20 năm qua, một số đại dịch trên thế giới đều có liên quan đến ổ virus từ ĐVHD. Cụ thể, dịch SARS vào cuối năm 2002 được phát hiện từ một chủng virus do cầy hương lây qua người. Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát vào năm 2012 bắt nguồn từ virus corona truyền qua lạc đà tới con người. Dịch tả heo châu Phi bắt nguồn từ heo hoang dã ở châu Phi. Dịch Covid-19 cũng liên quan tới những ĐVHD là vật chủ trung gian cho virus corona lây qua người rồi đột biến lây tiếp từ người sang người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong nửa thế kỷ qua, 70% mầm bệnh trên toàn cầu được phát hiện đều đến từ động vật.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Con người và thiên nhiên và nhiều hiệp hội về bảo tồn thiên nhiên, ĐVHD tại Việt Nam đã đề xuất Chính phủ đóng cửa các chợ, các điểm buôn bán ĐVHD bất hợp pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Đồng Nai, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhấn mạnh: “Sở đã có văn bản đề nghị các sở, ngành như: công an, kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ, điểm bán chim hoang tự phát. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ ĐVHD, đặc biệt là loài nguy cấp, các loài hoang dã di cư. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không mua bán, tiêu thụ các loài ĐVHD và các sản phẩm của chúng”.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều