Hiện nay, tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 đã trở nên thường xuyên, làm ách tắc giao thông trên tuyến đường và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 51 là hết sức cấp thiết.
Hiện nay, tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 51 đã trở nên thường xuyên, làm ách tắc giao thông trên tuyến đường và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, giải tỏa áp lực giao thông cho quốc lộ 51 là hết sức cấp thiết.
Các phương tiện lưu thông nối đuôi chờ qua Trạm thu phí T2 trên quốc lộ 51. Ảnh: sggp.vn |
* Quốc lộ 51 quá tải trầm trọng
Trong số 5 quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn cả là quốc lộ 51. Theo đó, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ 51 được nghiệm thu đưa vào thu phí từ tháng 4-2013, với thiết kế lưu lượng xe bình quân là 10 ngàn lượt/ngày đêm và 30 ngàn lượt/ngày đêm vào ngày cao điểm.
Thế nhưng, do các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra nhiều, cùng sự ra đời của tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (nhất là đoạn TP.Hồ Chí Minh - Long Thành) đã góp phần làm lượng xe tăng cao và nhanh chóng vượt con số thiết kế. Theo số liệu của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), năm 2018, lưu lượng xe qua Trạm T2 trên quốc lộ 51 đạt bình quân 38 ngàn lượt/ngày đêm; năm 2019, lưu lượng xe tiếp tục tăng, bình quân hơn 40 ngàn lượt/ngày đêm - gấp 4 lần con số thiết kế. Trong đó, vào các ngày cao điểm, lượng xe qua trạm đã đạt hơn 48 ngàn lượt/ngày đêm.
Dự kiến, tổng mức đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là khoảng 14.956 tỷ đồng cho giai đoạn 1, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 12.166 tỷ đồng (trong đó 4.723 tỷ đồng giải phóng mặt bằng); đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 2.790 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng 720 tỷ đồng). Về phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian hoàn vốn trong 24,5 năm. |
Bên cạnh đó, công suất thiết kế Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là 110 ngàn triệu tấn/năm, hiện mới chỉ khai thác hơn 40% công suất. Hiện 80% lượng hàng đi và đến Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là bằng đường thủy nội địa, đường bộ chỉ giải quyết 20%. Trong tương lai, nếu Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tăng công suất thì sức ép lên quốc lộ 51 còn vượt xa mức độ hiện nay.
Năm 2019, Chính phủ đã bố trí 500 tỷ đồng khởi công cầu Phước An để phá thế độc tuyến quốc lộ 51 bằng tuyến liên cảng nối vào đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Tuy vậy, trong tương lai, khi hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải tăng công suất, tình hình ùn tắc trên quốc lộ 51 sẽ trầm trọng hơn. Do đó, đối với 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, việc sớm có đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là nhu cầu cấp thiết.
* Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 về quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tổng chiều dài toàn tuyến 77,8km. Bộ Giao thông - vận tải chia dự án làm 2 thành phần. Thành phần 1 từ TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đến TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có tổng chiều dài tuyến 46,8km, điểm đầu giao với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa, cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km về phía Bắc; điểm cuối kết nối nhánh đường vào Cảng Cái Mép - Thị Vải; chiều dài đoạn qua tỉnh Đồng Nai 34,2km và 12,6km chạy qua Bà Rịa - Vũng Tàu (gồm 3,8km đường cao tốc và 8,8km tuyến nhánh nối vào Cảng Cái Mép - Thị Vải). Dự án thành phần 2 từ TX.Phú Mỹ đến TP.Vũng Tàu (31km).
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo động lực thúc đẩy kinh tế toàn vùng, đầu tháng 11 vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đã họp thống nhất các nội dung liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư và phương án đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất hình thức đầu tư trong tháng 12-2019 Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông - vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các Bộ: Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Tư pháp căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước để đề xuất hình thức đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này. |
Theo đó, lãnh đạo 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để Bà Rịa - Vũng Tàu làm đầu mối chuẩn bị các thủ tục đầu tư, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nếu dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư.
Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây lắp đoạn qua tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ. Ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và một phần chi phí xây lắp đoạn qua địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong năm 2019-2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Đối với dự án thành phần 2 sẽ được tách thành dự án riêng và giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Lê Anh Tuấn, cách đây 10 năm, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Bộ Giao thông - vận tải nghiên cứu và mời gọi nhà đầu tư. Thời điểm đó, đơn vị tư vấn đề xuất chỉ làm 4 làn xe với vốn đầu tư từ ngân sách trung ương hơn 1.800 tỷ đồng. Thế nhưng, ngân sách trung ương không bố trí được và nhà đầu tư cũng chưa kêu gọi thu hút đầu tư thành công. Do đó, dự án mới chậm đến thời điểm này. “Hiện nay quốc lộ 51 đã quá tải, việc đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cực kỳ cấp thiết. Tôi rất mừng vì Đảng bộ, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai rất quan tâm và chủ động đề xuất các phương án khả thi thực hiện dự án. Trên cơ sở thống nhất của 2 tỉnh, trong thẩm quyền trách nhiệm Bộ Giao thông - vận tải sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành Quyết định phê duyệt dự án sớm khởi công” - ông Lê Anh Tuấn nói.
Tỉnh đã chuẩn bị từ nguồn lực nội tại đầu tư công của tỉnh. Còn theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh sẽ bán đấu giá các khu đất công vị trí vàng, dồn nguồn lực để quyết tâm làm cho bằng được con đường này. Có 3 doanh nghiệp đã gặp lãnh đạo tỉnh xin đầu tư BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) tuyến đường trên. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ khởi công ngay tuyến đường trên khi Thủ tướng Chính phủ cho phép.
L.V (tổng hợp)