Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối phó bằng ứng dụng công nghệ cao

11:12, 22/12/2019

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu nên dễ bị thiệt hại bởi BĐKH. Phát triển của ngành này cũng kém bền vững vì đầu ra nông sản bấp bênh, hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, giá trị thấp.

Sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn lạc hậu nên dễ bị thiệt hại bởi BĐKH. Phát triển của ngành này cũng kém bền vững vì đầu ra nông sản bấp bênh, hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, giá trị thấp.

Đồng Nai là một trong những địa phương đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc thịt heo. Trong ảnh: Lò giết mổ Lifsap Thy Thọ (TP.Long Khánh). Ảnh: L.Quyên
Đồng Nai là một trong những địa phương đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc thịt heo. Trong ảnh: Lò giết mổ Lifsap Thy Thọ (TP.Long Khánh). Ảnh: L.Quyên

[links()]Ứng dụng khoa học, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất, xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng nông sản bền vững được cho là giải pháp đột phá để giải quyết các thách thức của nông nghiệp trước BĐKH hiện nay.

* Giá trị thấp do xuất thô

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD. Hiện có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, hạt điều, trái cây, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Có được thành tựu trên là do nông sản Việt Nam có lợi thế về sản lượng lớn. Tuy nhiên, những lợi thế này đang mất dần do ảnh hưởng của BĐKH, khiến nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam có nguy cơ giảm mạnh về năng suất.

Theo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, điểm hạn chế lớn nhất của nông sản Việt là nông dân bán thô, doanh nghiệp cũng chỉ sơ chế rồi xuất khẩu. Công nghiệp chế biến và chế biến sâu chưa được đầu tư khiến sản lượng gia tăng liên tục nhưng giá trị không cao.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh - so sánh, chỉ với nguyên liệu là củ khoai lang, doanh nghiệp ở Hàn Quốc chế biến được 15 sản phẩm, thậm chí có cả nước ngọt từ khoai lang, còn Việt Nam chỉ biết có luộc, nướng, sấy. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam quá chú trọng số lượng, chỉ làm và xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị thương mại thấp. “Cần khắc phục điểm yếu là chưa quan tâm áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất. Về chế biến, cần khuyến khích sáng tạo sản phẩm mới từ những nguồn nguyên liệu đã có”  - ông Trung gợi ý.

* Phát triển chuỗi công nghệ cao

Dưới góc nhìn của nhà khoa học, TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch TE-FOOD International (TP.Hồ Chí Minh) khẳng định, thế kỷ 19, ai lắm đất thì giàu; thế kỷ 20, ai nhiều nhà máy thì giàu nhưng thế kỷ 21, thông tin mới là nguồn sức mạnh. Trong đó, áp dụng công nghệ 4.0 là giải pháp tăng tài sản số cho nông nghiệp. Theo đó, giải pháp quan trọng là ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển chuỗi cung ứng nông sản bền vững phát thải thấp thích ứng với BĐKH; tạo sản phẩm giá trị kinh tế cao, an toàn; bảo đảm sinh kế bền vững cho nông dân. Cụ thể là thực hiện giải pháp áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất; trong quản lý và truy xuất chuỗi cung ứng đảm bảo ngắn, minh bạch, giảm thải. Trong đó, công nghệ này cũng giúp truy xuất sử dụng nước, hóa chất, năng lượng để hỗ trợ chống BĐKH. Theo ông Trung: “Với việc ứng dụng công nghệ 4.0, người tiêu dùng thông minh cũng có thể tham gia chống BĐKH dựa trên việc ưu tiên chọn sản phẩm thương mại xanh, thân thiện môi trường, phát thải thấp, không có dấu chân carbon, không phá rừng…”.

Theo Liên minh hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện nước ta có hơn 23 ngàn HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%, 88 liên hiệp HTX và 104 ngàn tổ hợp tác. Trong 2 năm 2018 và 2019, Liên minh HTX đã hỗ trợ gần 160 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng nông sản, có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao... như: HTX chăn nuôi Mộc Bắc, HTX chăn nuôi Bình Thành (tỉnh Hà Nam), HTX thanh long Mỹ Tịnh An (tỉnh Tiền Giang), HTX nông nghiệp Phò Ninh (tỉnh Thừa Thiên - Huế)...

Về sản xuất nông nghiệp sạch, Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, hiện nay, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã và đang tham gia tích cực trong xây dựng phát triển nhiều vùng nguyên liệu, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần giảm phát thải và sản xuất nông nghiệp bền vững. Ở đây thách thức lớn nhất cần giải quyết là việc đưa sản phẩm nông sản ra thị trường và bảo đảm chất lượng sản phẩm khi được đưa vào chuỗi cung ứng. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và quản lý, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp giải bài toán khó này.            

Lê Quyên

 

 

Tin xem nhiều