Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay chống hàng giả online

11:12, 12/12/2019

Hiện có rất nhiều hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước cũng như các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo… với đa dạng hàng hóa bán qua mạng, quảng cáo bán hàng hiệu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu…

Hiện có rất nhiều hệ thống thương mại điện tử trong và ngoài nước cũng như các mạng xã hội phổ biến như: Facebook, Zalo… với đa dạng hàng hóa bán qua mạng, quảng cáo bán hàng hiệu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu…

Chuyên gia của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) chia sẻ kiến thức, kỹ năng để phân biệt hàng thật, hàng giả với lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân
Chuyên gia của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) chia sẻ kiến thức, kỹ năng để phân biệt hàng thật, hàng giả với lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân

[links()]Tuy nhiên những sản phẩm này muốn kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hay không thì còn gặp nhiều khó khăn, cần có sự chung tay giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp sản xuất (hoặc sở hữu thương hiệu) và người tiêu dùng.

* Cần sự kết nối

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, sử dụng phương tiện công nghệ cao để đối phó các cơ quan chức năng. Hoạt động quản lý thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng mà các cục quản lý thị trường cần lưu ý, tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, nhất là ở những địa bàn có tốc độ phát triển hoạt động thương mại điện tử nhanh, sôi động như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Tổng cục Quản lý thị trường sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan quản lý thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, mỗi người cần là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt. Cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm hàng hóa để đánh giá chuẩn xác trong việc lựa chọn hàng hóa. Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi sức khỏe, tài chính của bản thân người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao sự minh bạch trong thị trường, nhất là đối với thị trường mua bán hàng online vốn còn nhiều nhập nhằng. Bên cạnh đó, các quy định về kinh doanh trực tuyến cần cập nhật, thay đổi phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Tổng thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) chia sẻ, chống hàng giả là cuộc chiến “dài hơi” của cả doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng. Trong thời gian qua, VACIP đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai, tổ chức các chương trình tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả.

Tại các buổi tập huấn này, cán bộ, thành viên các đội quản lý thị trường được những chuyên gia đến từ VACIP cập nhật tình hình hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, truyền đạt các kiến thức, kỹ năng nhận diện hàng thật, hàng giả, kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và cách thức, phương pháp phối hợp với chuyên viên bảo vệ thương hiệu của các nhãn hàng trong việc phát hiện và xử lý hàng giả.

* Xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống hàng giả

Bộ Công thương đã phê duyệt Chiến dịch Thanh, kiểm tra ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website. Chiến dịch này bắt đầu từ tháng 10-2019 và dự kiến kéo dài đến hết năm 2020.

Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra sẽ là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép… là những mặt hàng nằm trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra.

Ông Võ Văn Tỉnh, Quyền Cục trưởng Cục Quản thị trường Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra định kỳ, thường xuyên đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội…

Đồng thời, có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động thương mại điện tử trên thị trường hiện tại; cũng như thực hiện đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, dự kiến trong năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thị trường trên từng địa bàn, cơ sở kinh doanh, hệ thống kết nối thông tin kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng lậu giữa các khu vực để quản lý thị trường; đồng thời xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin, tương tác với người dân thông qua ứng dụng trên mạng, mạng xã hội để người dân, doanh nghiệp cũng tham gia phát hiện hàng giả, tố giác những hành vi vi phạm…

Hải Quân

 

Tin xem nhiều