Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán thiếu nước sản xuất

09:12, 12/12/2019

Nhiều năm qua, huyện Cẩm Mỹ luôn là "tâm điểm" của tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vào mùa khô. Nguồn nước ngầm cạn kiệt, các hồ chứa nước lại nằm cách xa khu dân cư tập trung và có cao trình lớn (độ cao từ mặt nước lòng hồ đến mặt đất) khiến chi phí đầu tư lớn là những lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư.

Nhiều năm qua, huyện Cẩm Mỹ luôn là “tâm điểm” của tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vào mùa khô. Nguồn nước ngầm cạn kiệt, các hồ chứa nước lại nằm cách xa khu dân cư tập trung và có cao trình lớn (độ cao từ mặt nước lòng hồ đến mặt đất) khiến chi phí đầu tư lớn là những lý do khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư.

Ông Chế Văn Thành (áo trắng), Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Mỹ kiểm tra công trình xử lý nước sạch trên địa bàn xã Long Giao. Ảnh: H.Lộc
Ông Chế Văn Thành (áo trắng), Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Mỹ kiểm tra công trình xử lý nước sạch trên địa bàn xã Long Giao. Ảnh: H.Lộc

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tương lai bài toán nguồn nước còn tác động đến quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của địa phương.

* “Khát” nguồn nước

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, huyện Cẩm Mỹ có nguồn nước ngầm thấp nhất tỉnh. Nguồn nước ngầm thấp lại khai thác nước vượt quá mức an toàn (40% trữ lượng tiềm năng) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt và sản xuất ngày càng phổ biến.

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Trần Văn Chiến cho rằng vấn đề nguồn nước là bài toán nan giải và cấp bách nhất hiện nay của địa phương. Ở nhiều địa phương, người dân, cây trồng đang “khát”. Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất nông nghiệp, việc thiếu các công trình thủy lợi quy mô lớn sẽ là rào cản cho phát triển công nghiệp sau này của huyện. Do đó, huyện Cẩm Mỹ rất mong các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết vấn đề nước, tạo đà cho địa phương phát triển.

Ông Chế Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cẩm Mỹ cho rằng, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo không nên khoan sâu xuống lòng đất để lấy nước tưới và nước sinh hoạt nhưng vào mùa khô tình trạng này vẫn diễn ra. Hiện 22 công trình thủy lợi nông nghiệp đang hoạt động chỉ cấp nước tưới cho khoảng 8 ngàn hécta, tương đương gần 40% diện tích đất nông nghiệp.

Không chỉ nước tưới, nước sinh hoạt và sản xuất công nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Bất cập hiện nay của địa phương là mặc dù có 5 công trình thủy lợi khai thác nước sinh hoạt và công nghiệp đóng chân trên địa bàn nhưng chỉ có 3 công trình quy mô nhỏ đang phục vụ nước sạch cho địa phương.

Công trình thủy lợi lớn nhất là hồ Sông Ray do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác và quản lý, công trình thủy lợi hồ Cầu Mới do Công ty cổ phần cấp nước hồ Cầu Mới khai thác và quản lý nhưng lại cấp nước công nghiệp cho các huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Các công trình này đều chưa khai thác hết công suất nhưng rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nước sạch cho sinh hoạt của người dân địa phương. Lý do là khoảng cách từ hồ chứa đến khu vực cần cấp nước xa, cao độ lớn và thói quen, nhu cầu sử dụng nước sạch từ nguồn này của từng hộ gia đình chưa nhiều.

Thi công đường ống dẫn nước sạch từ trạm cấp nước tập trung về chợ Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc
Thi công đường ống dẫn nước sạch từ trạm cấp nước tập trung về chợ Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc

Ông Thành dẫn chứng, xã Long Giao (đang quy hoạch thị trấn) là địa phương nằm ngay trung tâm huyện nhưng không mời gọi được nhà đầu tư nước sạch sinh hoạt, 3 doanh nghiệp đến tìm hiểu đều từ chối. Lý do là xã Long Giao cách hồ Cầu Mới gần 20km, cách hồ Sông Ray 40km. Đây là hai công trình thủy lợi lớn còn dự trữ lượng khai thác nhưng do cao trình nước ở 2 hồ này đều ở mức 60-80m. Chi phí đầu tư đường ống nước và áp lực trạm bơm lớn, trong khi mật độ dân cư và nhu cầu sử dụng nước sạch của từng hộ gia chưa nhiều là lý do khiến các nhà đầu tư từ chối.

Để giải quyết bài toán nước sạch cho địa phương các hộ dân, huyện kiến nghị tỉnh và được cho phép nâng cấp khoan giếng ở một trường học trên địa bàn xã, đầu tư hệ thống xử lý nước sạch và đường ống dẫn nước vào các ấp cho người dân. “Công trình có tổng mức mức đầu tư 1,8 tỷ đồng vừa đưa vào vận hành đầu tháng 10-2019. Hiện tại công trình đang cấp nước sạch sinh hoạt cho khoảng 1,5 ngàn hộ dân, tuy nhiên, đây là giải pháp không bền vững do nguồn nước ngầm ngày càng giảm” - ông Thành nói.

* Điểm sáng hồ Cầu Mới

Theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Trần Văn Chiến, hiện tại nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề nan giải của địa phương, đặc biệt trong quy hoạch phát triển 5-10 năm tới.

Chủ tịch UBND huyện cho rằng, điểm sáng về nguồn nước huyện trông chờ hiện nay là hồ Cầu Mới. Hồ Cầu Mới có công năng phục vụ nước tưới cho khoảng 1,2 ngàn hécta và cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt 136 ngàn m3/ngày đêm cho 2 huyện Long Thành và Cẩm Mỹ. Trên thực tế, chủ đầu tư mới khai thác gần 40% công suất nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp cho một doanh nghiệp ở huyện Long Thành và một doanh nghiệp ở Nhơn Trạch, cung cấp 3,3 ngàn m3/ngày đêm nước sinh hoạt cho người dân một số xã trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ. Còn lại gần 60% chưa được khai thác. Do đó, đây là nguồn để khai thác nước của huyện Cẩm Mỹ.

Một hộ dân ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ đang phải mua nước giếng khoan với giá 50 ngàn đồng/m3. Ảnh: H.Lộc
Một hộ dân ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ đang phải mua nước giếng khoan với giá 50 ngàn đồng/m3. Ảnh: H.Lộc

Mới đây, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đơn vị quản lý đã chấp thuận cho huyện Cẩm Mỹ sử dụng nguồn nước hồ Cầu Mới để cung cấp nước cho đô thị Long Giao và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sắp tới với công suất khai thác 21 ngàn m3/ngày đêm. “Huyện đang kêu gọi xã hội hóa, trường hợp không có nhà đầu tư, huyện kiến nghị tỉnh sử dụng vốn ngân sách bởi không có nguồn nước, huyện Cẩm Mỹ không thể phát triển công nghiệp và đô thị” - ông Chiến nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, huyện Cẩm Mỹ hiện tại thuần nông nhưng thời gian tới sẽ là vùng trọng điểm thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho sân bay Long Thành. Do đó, việc đầu tư cấp nước cho các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp là rất cấp thiết. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành của tỉnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn về nguồn nước cho địa phương; cùng địa phương làm việc với Công ty cổ phần cấp nước nghiên cứu các phương án xây dựng đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 2 hoặc xây dựng nhà máy nước sạch lấy nước từ hồ Cầu Mới nhằm phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân; tính toán phương án đầu tư, quy mô công trình cho phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp trong tương lai.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Cẩm Mỹ chú trọng đến giải pháp duy tu, sửa chữa, nạo vét nhằm nâng cao hiệu quả và công suất hoạt động các công trình thủy lợi hiện hữu; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ Thoại Hương, hồ Suối Cả để giải quyết những khó khăn về nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, chú trọng vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước ngầm, sử dụng nước tiết kiệm và ứng dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Theo tính toán của huyện Cẩm Mỹ, nhu cầu sử dụng nước của địa phương trong giai đoạn 2020-2025 là 15 ngàn m3/ngày đêm, trong đó nhu cầu nước phục vụ sản xuất công nghiệp là 13,7 ngàn m3/ngày đêm và đô thị Long Giao là 3,7 ngàn m3/ngày đêm. Sau năm 2025, nhu cầu nước công nghiệp tăng lên 19,5 ngàn m3/ngày đêm, đô thị Long Giao 7,2 ngàn m3/ngày đêm và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Xuân Quế là 37,6 ngàn m3/ngày đêm, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt của các xã hiện nay đang sử dụng nước ngầm khoảng 2,5 ngàn m3/ngày đêm.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều