Báo Đồng Nai điện tử
En

Vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp

03:11, 01/11/2019

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, việc xử lý các công trình vi phạm lại còn nhiều bất cập, chậm trễ.

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Đồng Nai vẫn diễn biến phức tạp, trong khi đó, việc xử lý các công trình vi phạm lại còn nhiều bất cập, chậm trễ.

“Nhà mẫu” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được phân lô, bán nền trái phép tại ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất bị cơ quan chức năng cưỡng chế
“Nhà mẫu” xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được phân lô, bán nền trái phép tại ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất bị cơ quan chức năng cưỡng chế

[links()] * Vi phạm vẫn… “nở rộ”

Theo Sở Xây dựng, trách nhiệm phối hợp của các địa phương với lực lượng Thanh tra Sở hiện nay chưa tốt. Nhiều địa phương chậm báo cáo tình hình cụ thể hằng tháng, hằng quý, khi vấn đề xảy ra quá “nóng” mới báo cáo thì việc xử lý hậu quả mất rất nhiều thời gian, công sức và để lại hậu quả phức tạp.

Giữa tháng 7-2019, UBND xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) đã ban hành quyết định và thực hiện cưỡng chế căn nhà cấp 4 của ông Đinh Xuân Trình được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc.

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết, đây là ngôi nhà do ông Đinh Xuân Trình xây dựng trái phép nhằm làm “nhà mẫu” để phục vụ cho việc rao bán đất nông nghiệp cũng được phân lô, bán nền… trái phép. “Việc xây dựng “nhà mẫu” là nhằm mục đích tạo sự an tâm cho người mua đất, tạo niềm tin rằng đất này có thể xây dựng được” - bà Nguyễn Thị Thúy Phượng cho hay.

Không chỉ tại xã Hưng Lộc, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Thống Nhất cũng diễn ra khá phức tạp. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng của huyện Thống Nhất đã phát hiện 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng. UBND huyện sau đó đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 18 trường hợp này với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Tại TP.Biên Hòa, nơi được xem là “điểm nóng” về xây dựng trái phép, thời gian qua, tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên. Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố chủ yếu diễn ra tại các phường như: Trảng Dài, Tân Phong, Long Bình, Long Bình Tân… Đây là những phường đông dân, nhu cầu về nhà ở cao, kéo theo đó tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng diễn ra phức tạp. Vi phạm của người dân tập trung vào các hành vi như: sử dụng đất không đúng mục đích, tổ chức thi công công trình không có giấy phép, không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt...

Công trình trung tâm thương mại dịch vụ (thuộc khu B) và trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện (thuộc khu A) được xây dựng trên đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng
Công trình trung tâm thương mại dịch vụ (thuộc khu B) và trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện (thuộc khu A) được xây dựng trên đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa khi chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng

Đặc biệt, ngoài các vi phạm của người dân trong việc xây dựng các công trình nhà ở, trên địa bàn TP.Biên Hòa còn xuất hiện một số công trình “khủng” của các tổ chức, doanh nghiệp được xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng của cơ quan chức năng. Điển hình nhất là 2 công trình trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện, trung tâm thương mại dịch vụ thuộc dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp do Công ty cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai triển khai thực hiện trên đường Đồng Khởi, phường Tân Tiến.

Theo Sở Xây dựng, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, ngoài các vụ việc được các địa phương phát hiện và ban hành quyết định xử phạt, Sở cũng đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 53 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp, xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng…

* Loay hoay xử lý

Trong khi tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra khá phức tạp thì việc xử lý đối với các công trình này vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong 53 vụ vi phạm mà Sở đã phát hiện và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tất cả đều không tự nguyện chấp hành. Nguyên nhân do đa số các hộ vi phạm xây dựng là nhà cấp 4, người dân có thu nhập thấp nên khó có khả năng thực hiện nộp phạt. Do đó, lực lượng chức năng buộc phải tiến hành cưỡng chế theo quy định và việc này mất nhiều thời gian.

Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa cũng đã phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính đối với 258 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 60 trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt, 198 trường hợp còn lại vẫn chưa thi hành xong do người vi phạm không chấp hành.

Biểu đồ thể hiện kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Sở Xây dựng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019  (Nguồn: Sở Xây dựng) (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Sở Xây dựng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 (Nguồn: Sở Xây dựng) (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Lý giải cho tình trạng này, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay, phần lớn các trường hợp người dân vi phạm không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không có tài khoản ngân hàng, tài sản... Do đó, việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp, người vi phạm cố tình trốn tránh không chấp hành quyết định xử phạt.

Cũng theo ông Phạm Anh Dũng, tình trạng sang nhượng đất bằng giấy tay cũng khiến việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng trở nên nan giải hơn. “Sau khi chuyển nhượng đất bằng giấy tay thì người bán bỏ đi nơi khác sinh sống nên cơ quan chức năng không tổ chức thực hiện được quyết định xử phạt, trong khi luật lại không cho phép thu hồi quyết định” - ông Phạm Anh Dũng cho hay.

“Tìm không ra người” để lập các thủ tục xử phạt khi phát hiện vi phạm trật tự xây dựng cũng là tình trạng chung đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc mua bán, sang nhượng đất bằng giấy tay diễn ra tràn lan.

Ngoài ra, việc nhiều địa phương buông lỏng quản lý, chậm trễ phát hiện các công trình vi phạm cũng làm cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn khi “sự đã rồi”.

* Lỗ hổng quản lý đất đai

Cùng với quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý thì việc buông lỏng quản lý đất đai được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay, vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện phần lớn là vi phạm về xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua xác minh, các trường hợp người dân địa phương vi phạm không nhiều mà chủ yếu tập trung vào đối tượng người dân từ các địa phương khác đến mua đất nông nghiệp, phân lô bán nền, xây dựng trái phép. “Việc phân lô bán nền đất nông nghiệp diễn ra khá phức tạp nhưng nhiều địa phương lại buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, phát hiện chậm trễ dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép cũng phức tạp theo” - ông Nguyễn Văn Quang cho hay.

Thực tế trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, những địa phương vốn là “điểm nóng” về đất đai như TP.Biên Hòa, 2 huyện Long Thành, Trảng Bom cũng là những “điểm nóng” về vi phạm trật tự xây dựng. Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp trái phép kéo theo việc vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phức tạp có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai. Ngoài ra, việc chậm phát hiện, xử lý không đúng quy định của đội ngũ cán bộ cấp xã đối với các trường hợp vi phạm khiến vấn đề thêm phức tạp.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh chưa được chặt chẽ. Vì vậy tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai như: tự vẽ ra quy hoạch, bán dự án không có thật, phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép.

Vương Thế - Phạm Tùng

 

 

 

Tin xem nhiều