Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải bài toán khó về thủy lợi

04:11, 25/11/2019

Một trong những khó khăn của huyện Xuân Lộc trong việc hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 theo định hướng "phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Theo đó, nguồn nước ngầm tại địa phương bị khai thác quá mức nên ngày càng cạn kiệt.

Một trong những khó khăn của huyện Xuân Lộc trong việc hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 theo định hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Theo đó, nguồn nước ngầm tại địa phương bị khai thác quá mức nên ngày càng cạn kiệt.

Hồ Núi Le là một trong những hồ chứa lớn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho huyện Xuân Lộc. Ảnh: Hải Đình
Hồ Núi Le là một trong những hồ chứa lớn cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cho huyện Xuân Lộc. Ảnh: Hải Đình

Nhiều công trình đầu tư cho thủy lợi tại huyện Xuân Lộc cần nguồn vốn lớn nên khó thực hiện kịp thời so với nhu cầu sản xuất. Đồng Nai đang tập trung hỗ trợ huyện gỡ bài toán khó về thủy lợi để phát triển sản xuất bền vững, quy mô hàng hóa lớn như mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới.

* Báo động về nguồn nước ngầm

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - môi trường, tình hình khai thác nước dưới mặt đất (nước ngầm) tại huyện Xuân Lộc đã vượt quá mức an toàn.

Cụ thể, trữ lượng khai thác an toàn là 40% trữ lượng tiềm năng nhưng thực tế hiện nay, 12 xã, thị trấn của Xuân Lộc có tỷ lệ khai thác nước ngầm đều vượt trên 55%, có xã ở mức 57%. 3 xã còn lại cũng rơi vào tình trạng khai thác nước ngầm gần đạt mức 40%.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các sở, ngành và huyện Xuân Lộc cần tập trung mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương về nguồn nước thủy lợi phục vụ sản xuất vì chương trình này gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, bền vững.

Trong đó, huyện Xuân Lộc cần chú trọng đến giải pháp ưu tiên nhất là tiết kiệm nước. Địa phương cũng phải chịu trách nhiệm làm rõ nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng các trung tâm nước sạch công cộng chưa hoạt động hết công suất trong khi số hộ dân sử dụng nước sạch chưa đạt mục tiêu đề ra. Các sở, ngành và huyện Xuân Lộc phải rà soát lại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; tập trung sớm hoàn thành các công trình đang dở dang; tăng cường duy tu, bảo dưỡng để khai thác hết công năng các hồ hiện hữu...

Khó khăn hiện nay là 6 công trình cấp nước tập trung nông thôn đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 16.880 m3/ngày đêm nhưng tổng công suất khai thác thực tế chỉ trên 10,5 ngàn m3/ngày đêm. Điều bất cập là các công trình cấp nước tập trung hoạt động chưa hết công suất trong khi tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, chỉ mới đạt gần 38,5% trên tổng số dân. Nguyên nhân do người dân tự khai thác nguồn nước ngầm bằng hình thức tự đào giếng khoan sử dụng dù không được khuyến khích. 

Trước tình trạng báo động về sử dụng nguồn nước ngầm trên, nhu cầu về các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn huyện Xuân Lộc ngày càng cấp bách. Tuy nhiên hiện nay, toàn huyện chỉ có 9 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm: 2 hồ chứa, 6 đập dâng, 1 trạm bơm. Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được tưới nước chủ động từ công trình thủy lợi do Nhà nước đầu tư là trên 1,5 ngàn hécta, đạt gần 5% tổng diện tích đất nông nghiệp cần nguồn nước tưới. Đa số diện tích còn lại, người dân sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và nguồn nước tự nhiên để sản xuất.

Theo quy hoạch thủy lợi đã được tỉnh phê duyệt, trên địa bàn huyện Xuân Lộc sẽ đầu tư 35 công trình thủy lợi. Trong đó, giai đoạn từ 2016-2020 có 7 công trình được đầu tư; giai đoạn 2021-2025 là 4 công trình và giai đoạn 2026-2035 là 24 công trình.

Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án thủy lợi còn chậm. Hiện chỉ có dự án hồ chứa nước Gia Măng đang thi công. Dự án này có dung tích trên 4 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 590 hécta cây trồng thuộc 3 xã Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Lang Minh. Dự án đã hoàn thành thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình đầu mối (cống, đập, tràn), hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 và các hạng mục phát sinh.

Với hạng mục kênh cấp 2 nội đồng hồ Gia Măng do UBND huyện Xuân Lộc làm chủ đầu tư vẫn đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Ngoài ra, địa phương còn 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư gồm: dự án hồ Gia Ui 2; dự án Hệ thống công trình thủy lợi 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao; dự án hồ La Ngà 3 vẫn trong giai đoạn lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư hoặc đang lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. 

* Cần nguồn vốn lớn

Chỉ ra những khó khăn trong đầu tư các dự án thủy lợi tại huyện Xuân Lộc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Đình Minh cho biết, nhiều dự án thủy lợi đầu tư cho Xuân Lộc đều cần nguồn vốn lớn như: dự án hồ Gia Ui 2 vốn đầu tư trên 866 tỷ đồng; dự án Hệ thống công trình thủy lợi 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao ước tính tổng mức đầu tư trên 1,2 ngàn tỷ đồng...

Ngay cả dự án hồ chứa nước Gia Măng hiện đã hoàn thành những hạng mục chính, địa phương đang kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung công năng phục vụ cấp nước sinh hoạt. Theo đó, dự án này không chỉ cấp nước sản xuất như mục đích ban đầu mà sẽ chuyển đổi khoảng trên 1 triệu m3 (chiếm khoảng 30% dung tích hồ) để cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5 ngàn hộ dân trên địa bàn huyện. Với việc chuyển đổi này, việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp càng khó khăn.

Nhằm giải bài toán khó về các công trình thủy lợi cho địa phương, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đề ra nhiều giải pháp như: kiến nghị Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đưa một số dự án vào giai đoạn đầu tư công trung hạn; một số dự án cấp bách như dự án Hệ thống công trình thủy lợi 3 xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để  thực hiện sớm ngay giai đoạn 2020-2021... Ông Trần Đình Minh cho biết: “Sở đang phối hợp với các địa phương triển khai Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng... Qua đó, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước”.

Ở góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, ngoài các dự án thủy lợi lớn, toàn huyện có 25 đập dâng tạm, phục vụ tưới cho hàng trăm hécta đất sản xuất. Bên cạnh việc đôn đốc các địa phương quan tâm đến việc kiểm tra, bảo trì, sửa chữa các các công trình thủy lợi hiện hữu bị xuống cấp, hư hại do mưa lũ, đảm bảo công trình hoạt động tốt phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2019-2020 và những năm tiếp theo, huyện cũng rất chú trọng vận động, tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, ứng dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm. “Với dự án hồ Gia Măng, do phải chuyển đổi một phần nước tưới phục vụ sinh hoạt, huyện sẽ tính đến giải pháp chuyển đổi cây trồng, giảm đất lúa sang cây trồng khác để tiết kiệm nước tưới” - ông Linh nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều