Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019. Đồng Nai còn là ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM nâng cao khi có 31 xã được công nhận đạt chuẩn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định công nhận Đồng Nai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đồng Nai còn là ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM nâng cao khi có 31 xã được công nhận đạt chuẩn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Đồng Nai tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020 tổ chức tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Ngọc Dung |
[links()]Đồng Nai đang tiếp tục phấn đấu củng cố, nâng chất các tiêu chí NTM. Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân vẫn là mục tiêu lớn nhất. Đặc biệt, sản xuất an toàn, xây dựng được thương hiệu nông sản bằng uy tín chất lượng được quan tâm hàng đầu.
* Nâng chất đời sống nông dân
Năm 2019, Đồng Nai đồng loạt triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây được xem là “làn gió mới” cho xây dựng NTM thông qua việc phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững. Qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 190 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm nhóm thảo dược... |
Về đích sớm trong xây dựng NTM và NTM nâng cao nhưng so với Trung ương, bộ tiêu chí của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn đã cho thấy sự trọng chất hơn lượng của tỉnh trong quá trình thực hiện. Đạt được điều này là do Đồng Nai đã luôn chủ động trong thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; trong xây dựng NTM cũng như sớm ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao. Đây là nền tảng để các địa phương giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn.
Trong đó, đời sống của nông dân không ngừng được nâng lên là thước đo chính cho những thành quả mà Đồng Nai đã đạt được. Khi bắt tay vào xây dựng NTM từ 10 năm trước, xuất phát điểm của nhiều địa phương ở Đồng Nai rất thấp. Xuân Lộc là vùng "đất lửa" trong kháng chiến; có xuất phát điểm rất thấp khi bắt tay vào xây dựng NTM nhưng Đồng Nai lại chủ động chọn địa phương này để thực hiện thí điểm chương trình. Đúng như kỳ vọng, Xuân Lộc đã hoàn thành mục tiêu đề ra và trở thành huyện NTM đầu tiên trong cả nước với những thành tích nổi bật. Kết quả rõ nhất là về thu nhập của người nông dân. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của người dân toàn huyện từ 19 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 đã tăng lên 37,6 triệu đồng/người/năm vào năm 2014 khi địa phương này về đích huyện NTM nâng cao và nâng lên gần 55 triệu đồng/người/năm vào năm 2018.
Đồ họa thể hiện tiến trình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đồng Nai. Thông tin: Bình Nguyên. Đồ họa: Hải Quân |
Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn trên địa bàn Đồng Nai ước năm 2019 đạt trên 55,6 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 3 lần so với năm đầu xây dựng NTM. Có được thành quả này nhờ tỉnh dồn lực đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho nông thôn từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí. Trong đó, tỉnh có những bước đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp và triển khai chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn. Qua đó, tỉnh thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho nông thôn. Giai đoạn 2008-2018, tổng nguồn lực đã được tỉnh đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn là khoảng 330 ngàn tỷ đồng; trong đó, ngân sách chiếm gần 12%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân.
* Đi từ sản xuất an toàn
Về chăn nuôi, Đồng Nai cũng xây dựng được 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP), xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác (GAHP). Trong số này, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 604 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh với 136 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP; 133 hécta nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP. |
Nền tảng để Đồng Nai xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục nâng chất đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là phát triến sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Chính vì vậy, trong sản xuất, Đồng Nai đã rất sớm triển khai các chương trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với nhiều giải pháp đồng bộ áp dụng từ trên cánh đồng sản xuất đến quy trình quản lý chất lượng sản phẩm qua các khâu trung gian đến khâu bán hàng. Ở đây, thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất sạch là yếu tố quyết định.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có trên 573 hécta cây trồng sản xuất đạt chuẩn GAP; 210 hécta ca cao được chứng nhận UTZ (chương trình chứng nhận toàn cầu về canh tác bền vững) và 282 hécta cà phê 4C (chứng nhận sản xuất an toàn toàn cầu). Các vùng sản xuất xoài, chôm chôm của huyện Định Quán, Xuân Lộc và TP.Long Khánh đã được cấp 8 mã vùng trồng với tổng diện tích trên 92 hécta gồm: trên 70 hécta xuất khẩu đi Úc; gần 22 hécta chôm chôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nói về cơ hội cho trái xoài xuất khẩu, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) chia sẻ, nhờ sớm được cấp mã số vùng trồng nên xoài suối lớn đủ điều kiện xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính. Hiện hợp tác xã đang triển khai dự án cánh đồng lớn cây xoài với giai đoạn đầu là 150 hécta và sẽ phát triển lên 500 hécta vào năm 2023 cung cấp cho thị trường xuất khẩu. “Quan trọng nhất là nông dân đã dần thay đổi tư duy trọng chất hơn lượng để sản xuất ra sản phẩm an toàn đạt chuẩn thị trường xuất khẩu” - ông Bảo nói.
Bình Nguyên