Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị thế mới của doanh nhân Việt Nam

03:10, 12/10/2019

Cách đây 15 năm, từ đề nghị của Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Cách đây 15 năm, từ đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lấy ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tặng bằng khen cho 8 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tặng bằng khen cho 8 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín

 [links()]13-10 cũng chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày nay, xã hội rất trân trọng những đóng góp của giới doanh nhân, tạo thêm động lực để doanh nhân phát triển.

Toàn  tỉnh Đồng Nai có hơn 36.900 doanh nghiệp, hợp tác xã  hoạt động sản xuất kinh doanh và khoảng 125 ngàn hộ gia đình kinh doanh và phát triển kinh tế trang trại. Lũy kế từ năm 1991 đến nay, toàn tỉnh có hơn 35 ngàn doanh nghiệp dân doanh với tổng vốn đăng ký khoảng 258 ngàn tỷ đồng. Đây là khu vực phát triển nhanh nhất về số lượng, đa dạng về ngành nghề kinh doanh và rất năng động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

* Lực lượng tiên phong

Hiện tại, đóng góp của doanh nhân trong nước là rất lớn, tạo ra công ăn việc làm cũng như của cải không nhỏ cho xã hội. Đặc biệt trong những năm gần đây, Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích cụ thể phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Theo thống kê, đến nay đã có hơn 700 ngàn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã (HTX), trang trại, giải quyết việc làm cho 90% lượng lao động cả nước. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa khi nào đội ngũ doanh nhân được đánh giá cao như hiện nay và phát triển doanh nghiệp được coi trọng đến thế. “Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng xung kích trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Doanh nghiệp đang là một động lực để đưa Việt Nam vươn lên trong hội nhập quốc tế” - ông Lộc chia sẻ.

Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Trân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2018 đạt gần 40 tỷ USD. Để có được kết quả đó, vai trò của doanh nghiệp là rất lớn. Ông Trân nhấn mạnh, các doanh nghiệp đang là trụ cột và là đầu tàu trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Không chỉ ở ngành nông nghiệp, trên nhiều lĩnh vực công nghiệp khác đã có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt như: giày dép đạt (19 tỷ USD), may mặc (30,5 tỷ USD), linh kiện điện tử (29,32 tỷ USD)… đóng góp vào nền kinh tế của Việt Nam. 

Ghi nhận những đóng góp của giới doanh nhân, nhiều chuyên gia kinh tế đã ví đây là “những chiến sĩ” thời bình. Sự phấn đấu, đóng góp không mệt mỏi của các doanh nhân, doanh nghiệp trong suốt 30 năm qua đã mang lại điểm sáng cho nền kinh tế của đất nước.

Thu ngân sách, đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách, trong đó doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 15,4%, doanh nghiệp dân doanh chiếm 18,6%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 36%.

* Chính phủ “mở đường” cho doanh nghiệp

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Luật Doanh nghiệp liên tục được sửa đổi để phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành. Luật này nhằm tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm “chỗ dựa” để vươn lên.

Tạo động lực cho khối doanh nghiệp dân doanh phát triển, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp. Một trong những chính sách mang tính “mở đường” để tăng tốc phát triển khối doanh nghiệp này là Nghị quyết số 35/NQ-CP (Nghị quyết 35) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, ban hành vào năm 2016.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải xem sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất tại một buổi trưng bày
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải xem sản phẩm cơ khí của các doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất tại một buổi trưng bày. Ảnh: Ảnh: BD - K.GIỚI

Theo Nghị quyết 35, đến năm 2020, cả nước phải có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng
48-49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết cũng nêu rõ 10 nguyên tắc để xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế. Qua đó cho thấy, Chính phủ rất quyết tâm trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để đạt mức tăng trưởng kinh tế tốt và nâng cao vị thế quốc gia. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, ngay khi có Nghị quyết 35, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có nguồn lực ngày càng mạnh hơn.

Cuộc vận động Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế cũng đang được thực hiện cho thấy sự quan tâm rất lớn của Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp. Cũng theo Chủ tịch VCCI, qua cuộc vận động này, những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp là cơ sở để Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn mới.

* Thế hệ doanh nhân mới của Đồng Nai

Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 36.900 doanh nghiệp, HTX thuộc các thành phần kinh tế hoạt động.  Là tỉnh phát triển công nghiệp sớm, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài nên phát triển doanh nghiệp khá phong phú, ngoài doanh nghiệp trong nước còn có doanh nghiệp đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số quốc gia có số lượng doanh nghiệp đông đã thành lập hiệp hội và hoạt động khá mạnh, phải kể đến Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Hơn 40 doanh nghiệp có vốn nhà nước trong những năm qua đã có đóng góp rất tích cực vào ngân sách của tỉnh cũng như các hoạt động xã hội. Đặc biệt phải kể đến như: Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai Dofico, Tổng công ty cổ phần Sonadezi và  Công ty cổ phần tổng công ty Tín Nghĩa.

Năm 2003, khi Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai được thành lập, ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho biết, tại thời điểm đó, số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa phát triển mạnh như hiện nay. Những năm đầu, Hội chỉ có hơn 100 hội viên nhưng nhờ vào hoạt động khá sôi nổi nên các doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực, đến nay đã có tới gần 500 hội viên, thành lập 5 chi hội và 4 câu lạc bộ.

Những người truyền cảm hứng cho doanh nhân Đồng Nai phải kể đến như: ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa I, II) hay ông Phạm Đức Bình (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai khóa III). “Nhờ vào nhiệt huyết truyền “lửa” cho tinh thần khởi nghiệp từ những người đi trước như ông Trần Bá Dương và ông Phạm Đức Bình nên Hội đã phát triển khá mạnh. Những người thành công đi trước chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ doanh nhân sau này đã tạo ra sự gắn kết rất quan trọng” - ông Điềm nói.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh phát triển mạnh đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Lãnh đạo tỉnh cũng cho rằng, tăng trưởng của Đồng Nai chủ yếu dựa vào sản xuất nên việc phát triển doanh nghiệp đã được chú trọng từ rất sớm. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức những hội nghị gặp gỡ để lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho phát triển. Tỉnh cũng đã thành lập các cụm công nghiệp để dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng sản xuất.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới để có thể phát triển, đặc biệt là tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài.

Khắc Giới - Vương Thế

 

 

Tin xem nhiều