Mặc dù không được cấp phép nhưng thời gian qua, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đã liên tiếp mở 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai...
[links()]Dù không được cấp phép nhưng thời gian qua, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) đã liên tiếp mở 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa. Thực chất 3 địa điểm Alibaba mở văn phòng trái phép đều là địa điểm đăng ký kinh doanh của Chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108.
Văn phòng thành lập trái phép của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trên đường Phạm Văn Thuận (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Ảnh:K.Minh |
Tính đến ngày 15-9-2019, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã mở 4 văn phòng trái phép tại Đồng Nai. Trong đó, 1 văn phòng tại ấp Tập Phước, xã Long Phước (huyện Long Thành) được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đang phải tháo dỡ. Còn lại 3 văn phòng mở trái phép tại TP.Biên Hòa đều là địa điểm đăng ký kinh doanh của công ty khác.
* Mở đến... 4 văn phòng trái phép ở Đồng Nai
Hiện tại, Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an TP.Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bình Thuận đang gấp rút điều tra làm rõ sai phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, song đơn vị này vẫn tỏ ra nhởn nhơ, thách thức cơ quan chức năng bằng cách khai trương hàng loạt văn phòng trái phép để rao bán các dự án “ma”.
CEO của Alibaba sử dụng cả chiêu thức viết “tâm thư” gửi Thủ tướng Sau khi Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có công văn yêu cầu làm rõ vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Tổng giám đốc của công ty này, ông Nguyễn Thái Luyện đã có “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an... Báo Thanh Niên đã trích dẫn “tâm thư” này và cho rằng Alibaba đã “lừa” cả Thủ tướng. Trong đó, CEO của Alibaba tự ca ngợi như một “doanh nghiệp Việt Nam tâm huyết” làm giàu cho quê hương đất nước, có “tầm nhìn và sứ mệnh cốt lõi là tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho các bạn trẻ, giúp giãn dân ra khu vực vùng ven, giúp nhiều người dân có thu nhập thấp có khả năng mua được đất giá rẻ với phương thức trả góp mỗi tháng 1 triệu đồng cùng nhau giữ đất”. Đây hoàn toàn là những ngôn từ vẽ vời, xảo trá vì tất cả những địa phương mà Alibaba rao bán dự án “ma” đều đang phản ứng quyết liệt những việc làm trái pháp luật, gây rối loạn thị trường của công ty “Chí Phèo” này. K.N |
Tại Đồng Nai, Alibaba ngang nhiên rao bán công khai 29 dự án “ma” ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc. Để lôi kéo khách hàng, bán “khống” các dự án đất nền không có thật, chỉ trong thời gian rất ngắn, Alibaba đã mở đến 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch -đầu tư cho biết: “Thời gian qua, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã mở 3 văn phòng trái phép tại TP.Biên Hòa. Điểm đầu tiên là ở số 893 đường Phạm Văn Thuận thuộc phường Tân Mai, tiếp đến là 2 điểm trên đường Nguyễn Ái Quốc. Các điểm mở văn phòng trái phép của Alibaba đều là địa điểm cấp phép kinh doanh cho Chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108. Sau khi Alibaba khai trương văn phòng đều bị UBND các phường liên quan phát hiện, lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ biển hiệu”.
Một cách làm khá lươn lẹo mà Alibaba áp dụng trong việc mở văn phòng là khi bị chính quyền địa phương nào phát hiện, lập biên bản thì ngay sau đó, Alibaba thường “né” bằng cách đóng cửa văn phòng đó và chuyển qua một địa điểm khác.
Ông Đoàn Đình Thư, Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho hay: “Công ty cổ phần địa ốc Alibaba thành lập văn phòng trái phép trên đường Phạm Văn Thuận được một thời gian ngắn thì phường phát hiện và lập biên bản vào đầu tháng 8-2019. Đồng thời, phường có yêu cầu Alibaba lên làm việc nhưng công ty này tránh né không cử người đại diện đến. Cũng từ đó, Alibaba đóng cửa văn phòng tại đây và hiện ngưng hoạt động”.
Theo Phó chủ tịch UBND phường Tân Tiến Bùi Văn Âu, ngay khi Alibaba khai trương văn phòng tại số 96B trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường đã cử Tổ kiểm tra liên ngành đến làm việc. Khi phát hiện công ty này mở văn phòng trái pháp luật, UBND phường đã lập biên bản, đề nghị UBND TP.Biên Hòa xử phạt hành chính Chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108 (đơn vị đã cho phép Alibaba gắn biển hiệu), buộc tháo dỡ, trả về hiện trạng ban đầu trong vòng 10 ngày kể khi nhận được quyết định xử phạt.
* Ngang nhiên thách thức pháp luật
Bằng cách rao bán hàng chục dự án "ảo" hoàn toàn không có thật, hoặc chỉ là các khu đất chưa được cấp phép đầu tư dự án, cùng với những hành vi, phản ứng ngông nghênh và xem thường pháp luật, Alibaba nhanh chóng lọt vào “tầm ngắm” của Bộ Công an, của chính quyền các địa phương cùng các cơ quan quản lý chuyên ngành.
Hiện tại, một “nữ luật sư” cùng vài cộng sự của Alibaba vẫn đang bị tạm giam sau hành vi kéo người đập phá xe của đoàn công tác do UBND xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức nhằm cưỡng chế, trả lại hiện trạng đất ban đầu do xây dựng trái phép vào giữa tháng 6-2019. Ngoài ra, 2 nhân viên tại trụ sở Alibaba (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) cũng đang bị tạm giam về hành vi đánh khách hàng nhập viện vào cuối tháng 8 vừa qua.
Bộ Công an hiện vẫn đang phối hợp với chính quyền và cơ quan công an các tỉnh mà Alibaba rao bán dự án ma, làm việc với hàng trăm khách hàng, rà soát các quy định pháp luật ... để xác định tội danh, mức độ vi phạm của “tập đoàn địa ốc” này.
Nhưng có vẻ tất cả những động thái nghiêm khắc đó không làm cho doanh nghiệp được nhiều người gọi là “Chí Phèo" làng bất động sản này chùn chân. Hàng chục dự án ảo vẫn đang được Alibaba rao bán công khai, trong đó phần lớn các dự án được rao bán là dự án "ảo" tại Đồng Nai.
Đặc biệt, khi phản ứng lại báo chí, trong đó có Báo Đồng Nai vì đã đưa thông tin “bất lợi” cho tập đoàn, Alibaba dùng những lý luận khá “nực cười, ngây ngô” như sau: “Tất cả dự án mà Tập đoàn địa ốc Alibaba phân phối ở khu vực tỉnh Đồng Nai đều đúng với quy hoạch tổng thể vùng và khu vực”; “bằng cách thực hiện dự án riêng biệt không đi theo cơ chế “xin - cho”, địa ốc Alibaba từng bước chuyển đổi mục đích và quyền sử dụng đất theo đúng trình tự quy định của pháp luật; “đất do cá nhân sở hữu sẽ ủy quyền cho một trong những công ty thành viên của Tập đoàn địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư triển khai dự án ...”.
Những lý lẽ Alibaba nêu ra khá... hài hước vì UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần khẳng định tất cả các “dự án” mà Alibaba rao bán tại Đồng Nai đều chưa được cấp phép. Thực tế, một dự án bất động sản muốn được cấp phép thực hiện phải qua hàng chục bước thủ tục về quy hoạch, đất đai, môi trường, xin chủ trương đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký quỹ đầy đủ, cam kết thời gian thực hiện ...
Một dự án bất động sản khi mua bán công khai phải chịu sự chi phối, kiểm soát của nhiều bộ luật, nhiều quy định và những ràng buộc pháp lý chặt chẽ, không thể có cái gọi là “thực hiện dự án riêng biệt không đi theo cơ chế xin - cho” như cách mà Alibaba “lộng ngôn” vừa qua. Đất do các cá nhân đứng tên cũng không được phép “tự xưng” là dự án để phân lô bán nền nếu không được cấp phép làm dự án.
Thực chất, đây có phải là một tập đoàn chỉ chuyên huy động vốn đa cấp trái phép núp bóng kinh doanh bất động sản hay không, còn phải chờ kết luận của các cơ quan pháp luật. Song, chắc chắn một điều, Aliaba không hề có “đất dự án” nào hợp pháp để bán cho khách tại Đồng Nai như “tập đoàn” này vẫn rêu rao.
Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108 là doanh nghiệp nào? Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108 được giới thiệu là một trong 20 công ty con của Tập đoàn địa ốc Alibaba (nguồn: trang web chính thức của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba). Trên hồ sơ, đơn vị này chỉ mới chính thức được thành lập từ tháng 12-2018, do ông T.M.P. đứng đầu, địa chỉ trên giấy đăng ký kinh doanh đặt tại tổ 1, ấp 3, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dù mới thành lập 9 tháng, song công ty này đã nhanh chóng có các chi nhánh tại TP.Biên Hòa và TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Doanh nghiệp tiếp tay cho Alibaba liên tục mở văn phòng trái phép là Chi nhánh Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108. Chủ đứng đầu chi nhánh công ty này là bà P.T.A.H. V.L |
Vi Lâm - Khánh Minh