Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp tránh 'gà thừa, heo thiếu'

11:09, 18/09/2019

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tổng đàn gia cầm cần tăng lên 13% để bù vào sự thiếu hụt của mặt hàng thịt heo do dịch tả heo châu Phi.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tổng đàn gia cầm cần tăng lên 13% để bù vào sự thiếu hụt của mặt hàng thịt heo do dịch tả heo châu Phi. Hiện tổng đàn gia cầm cả nước chỉ mới tăng 8% nhưng các sản phẩm gia cầm đã gặp khó về đầu ra. Bài toán tăng đàn chăn nuôi cần được tính toán lại cho phù hợp.

Đồng Nai khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại làm tốt an toàn sinh học tiếp tục giữ và tăng đàn heo cho thị trường cuối năm Trong ảnh: Chăm sóc heo tại một trang trại nuôi heo ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.NGUYÊN
Đồng Nai khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại làm tốt an toàn sinh học tiếp tục giữ và tăng đàn heo cho thị trường cuối năm Trong ảnh: Chăm sóc heo tại một trang trại nuôi heo ở xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.NGUYÊN

[links()]Các địa phương của Đồng Nai đang nỗ lực bảo vệ đàn heo và tính toán lại việc tăng đàn gia cầm và các loại vật nuôi khác để đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm cuối năm nhưng không rơi vào cảnh dội chợ, rớt giá.

Heo hút hàng, gà dội chợ

Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc) cho biết, khoảng vài tuần nay, lượng heo từ Đồng Nai và các tỉnh phía Nam được chở đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung tăng rất cao. Trung bình mỗi ngày có từ 40-50 xe, tương đương từ 6-9 ngàn con heo qua trạm. Trong đó, ngoài heo của các doanh nghiệp có sự tham gia của thương lái thu gom heo trong dân.

Vài ngày trở lại đây, nguồn heo qua trạm bắt đầu giảm mạnh vì nhiều tỉnh không còn nguồn heo. Trong đó, loại heo có trọng lượng 50-60kg cũng được thương lái đưa đi tiêu thụ vì thị trường miền Trung, miền Bắc hút hàng, giá heo ở các thị trường này cao hơn khu vực phía Nam.

Nghịch lý là trong khi giá gà miền Nam đang chạm đáy và rẻ hơn nhiều tỉnh, thành phía Bắc nhưng vẫn không có thương lái đưa gà ngược ra Bắc. “Hiện trung bình mỗi tuần, chỉ có vài xe chở gà qua trạm đi ngược ra miền Trung, miền Bắc, hầu như không thay đổi so với những tháng khác trong năm. Thời gian qua, nhiều tỉnh phía Bắc phát triển chăn nuôi gia cầm mạnh nên thậm chí chở ngược gà giống vào phía Nam tiêu thụ” - ông Hùng nói.  

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, người nuôi đổ xô bán heo ra thị trường để chạy dịch. Giá heo liên tục tăng trong vài tuần qua cho thấy cán cân cung - cầu của mặt hàng thịt heo đang dần mất cân đối. Dự báo vào mùa Tết Nguyên đán năm 2020, thị trường heo hơi mới có khả năng sốt giá vì nguồn cung heo lúc đó mới thật sự khan hiếm.

Với hậu quả từ dịch tả heo châu Phi thì phải tính đến chuyện mất một thời gian khá dài, người chăn nuôi mới quay lại tái đàn. Theo đó, nhiều hộ nuôi heo chuyển sang đầu tư cho con gà ta thả vườn và con vịt. Theo ông Đoán: “Thực trạng gà, vịt rớt giá mạnh cũng là do đàn gia cầm tăng quá nhanh trong thời gia ngắn. Việc tăng đàn gia cầm để bù cho nguồn thịt heo thiếu hụt là có cơ sở nhưng người chăn nuôi không nên chạy theo phong trào mà phải tìm hiểu kỹ thị trường trước khi đầu tư, nhất là phải tính đến nguồn thịt nhập đang tràn vào Việt Nam như hiện nay”.  

Thận trọng tăng đàn

Làm việc với các địa phương về tình hình chăn nuôi vào những tháng cuối năm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương cần xây dựng kế hoạch tăng các sản phẩm chăn nuôi khác như: gia cầm, đại gia súc, thủy sản để bù đắp cho nguồn thịt heo thiếu hụt trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, việc tăng đàn các vật nuôi trên không nên chạy theo phong trào để lại rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá. Với đàn heo, cần kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc tăng đàn, tái đàn, thậm chí không cho tái chăn nuôi trong vùng dịch hoặc ở khu vực chăn nuôi không đạt chuẩn an toàn sinh học, nhất là chăn nuôi trong khu dân cư. Mặt khác, ngành nông nghiệp cần làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi làm tốt về kế hoạch bảo vệ và tăng trưởng đàn heo vì heo của Đồng Nai hiện giảm gần 40% tổng đàn, nếu tiếp tục giảm thêm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp và vấn đề an ninh thực phẩm.

Ông Bạch Đức Lữu, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) dự báo, những tháng cuối năm, nguồn cung thịt heo giảm mạnh nên chắc chắn sức tiêu thụ thịt gia cầm sẽ tăng lên thuận lợi cho việc tiếp tục tăng đàn chăn nuôi. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số tỉnh đang xuất hiện dịch cúm gia cầm. Trong điều kiện của Đồng Nai tổng đàn gà rất lớn, mật độ nuôi dày nên cần phải rà soát, kiểm soát kỹ việc tăng đàn trong tình hình dịch cúm gia cầm sẽ diễn biến phức tạp vào giai đoạn cuối năm.

Lê Quyên

Tin xem nhiều