Theo kế hoạch năm 2019, Đồng Nai khởi công mới 474 dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhưng đến nay chỉ mới khởi công được 265 dự án. Các dự án khởi công chậm góp phần làm tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Theo kế hoạch năm 2019, Đồng Nai khởi công mới 474 dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhưng đến nay chỉ mới khởi công được 265 dự án. Các dự án khởi công chậm góp phần làm tỷ lệ giải ngân vốn thấp.
Một dự án giao thông tại huyện Nhơn Trạch triển khai chậm do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Ảnh: K.MINH |
[links()]Theo UBND tỉnh, vốn đầu tư công do UBND tỉnh trực tiếp giao chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và sau điều chỉnh xấp xỉ 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó bao gồm: vốn trong cân đối ngân sách địa phương hơn 3,9 ngàn tỷ đồng, vốn từ Trung ương hơn 7 ngàn tỷ đồng. Đến hết tháng 6-2019, giải ngân vốn đầu tư công đạt 40% kế hoạch.
* Giải phóng mặt bằng kéo dài
Các dự án trên địa bàn tỉnh chậm khởi công chủ yếu do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng kéo dài. Bên cạnh đó, tiến độ dự án khởi công mới, giải ngân các dự án còn chậm còn do chủ đầu tư chưa rốt ráo trong việc yêu cầu các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ.
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: “Các dự án khởi công chậm hầu hết do công tác bồi thường kéo dài, không có đất sạch giao cho đơn vị thi công thực hiện. Có những dự án công tác bồi thường kéo dài đến 2-3 năm chưa xong”.
Ông Thanh cũng dẫn chứng một số dự án kéo dài như đường 319, đường vào Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) công tác bồi thường kéo dài hơn 2 năm. Lý do người dân không chịu giao đất là vì cho rằng giá bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất giao dịch ngoài thị trường.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay: “Khó khăn nhất trong việc thực hiện các dự án là công tác bồi thường. Bên cạnh việc một số người dân chưa đồng tình với giá bồi thường thì còn do thủ tục bồi thường kéo dài, theo quy định khoảng 300 ngày. Do đó, các địa phương muốn đẩy nhanh công tác bồi thường cũng không thể rút ngắn, đơn giản một số công đoạn được”.
* Cố gắng hoàn thành kế hoạch năm
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, hiện nay giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 36%, Đồng Nai đạt khoảng 40% và vẫn đứng trong tốp đầu. “Những tháng đầu năm, công tác khởi công mới các dự án và giải ngân vốn đầu tư công thường rất chậm. Nhưng sang quý III, IV của năm bắt đầu tăng tốc để đạt kế hoạch”.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết, tỉnh sẽ tập trung các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng để các chủ đầu tư khởi công dự án và hoàn thành hồ sơ để giải ngân vốn cho các dự án. Đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 12-2019, các chủ đầu tư mới tập trung giải ngân các dự án.
Năm 2019, kế hoạch là cấp huyện sẽ khởi công mới 429 dự án, hiện đã khởi công 251 dự án. Các dự án còn lại chưa khởi công phần lớn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thiết kế thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Về vốn, các địa phương đã được tỉnh bố trí nguồn vốn gần 2,98 ngàn tỷ đồng và đến nay đã giải ngân gần 1.100 tỷ đồng. Cấp tỉnh có 45 dự án sẽ khởi công trong năm nay, nhưng hiện khởi công 14 dự án, những dự án còn lại đang làm hồ sơ thiết kế thi công và thực hiện giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng rất khó thực hiện đúng tiến độ nên việc khởi công mới các dự án trong năm 2019 rất khó đạt kế hoạch đề ra. Thực ra đây là khó khăn chung của các tỉnh, thành trong cả nước chứ không chỉ riêng Đồng Nai.
Khánh Minh