Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chạy đua" tiến độ với dự án đường cao tốc ngàn tỷ

03:05, 20/05/2019

2 tuyến đường cao tốc "ngàn tỷ" đi ngang địa phận tỉnh Đồng Nai là Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang "nóng" với tiến độ giải phóng mặt bằng.

2 tuyến đường cao tốc “ngàn tỷ” đi ngang địa phận tỉnh Đồng Nai là Bến Lức - Long Thành và Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang “nóng” với tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây là 2 dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát triển kinh tế các tỉnh, thành phía Nam. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành  hiện đã rơi vào tình trạng “báo động” do tiến độ giải phóng mặt bằng quá chậm.

Thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Thái, huyện Long Thành. Ảnh: K.Giới
Thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Thái, huyện Long Thành. Ảnh: K.Giới

[links()]Đồng Nai có nhiều dự án lớn và công tác giải phóng mặt bằng luôn là thách thức đầy khó khăn của tỉnh. Không ít dự án nói chung và dự án giao thông nói riêng bị kéo dài thời gian do bị “tắc” mặt bằng.

* Chính phủ liên tục hối thúc

Cuối tháng 4-2019 vừa qua, Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã làm việc với UBND tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bến lức - Long Thành.

Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, qua một năm rưỡi thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn Đồng Nai các gói thầu đều bị chậm so với tiến độ chung khá nhiều. Cụ thể, gói A5 mới hoàn thành gần 27% khối lượng công việc (chậm 26%), gói A6 chậm 5,5% và gói A7 chậm 21,5%.

Đầu tháng 5, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có văn bản yêu cầu Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh phải hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 1-6 cho dự án này.

Ngày 16-5, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã vào làm việc để cùng Đồng Nai tháo gỡ những khó khăn về giải phóng mặt bằng cho dự án. Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cho biết, đến nay dự án đang có nguy cơ “vỡ trận” về tiến độ do giải phóng mặt bằng quá chậm.

 Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, dự án đã phải lùi thời hạn đến cuối năm 2020 cũng do vướng mặt bằng thi công. Ông Hùng chia sẻ, các gói thầu phía Đông của dự án thuộc địa phận Đồng Nai vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo thỏa thuận thì hiệp định vay vốn sẽ hết hạn vào ngày 14-12-2020.

“Ðây là thời hạn cuối cùng theo cam kết và không thể đưa ra bất kỳ lý do nào về mặt bằng và thi công để có thể gia hạn thêm. Thời gian còn lại để thi công không nhiều, trong trường hợp các vướng mắc về mặt bằng chậm giải quyết thì sẽ rất khó khăn cho chủ đầu tư trong việc hoàn thành dự án kịp thời gian. Nếu không kịp, khoản vay bị “đóng” thì sẽ gây ra hệ lụy rất lớn trong vấn đề bố trí vốn để thực hiện” - ông Hùng nói. 

Ở phía Đông của tỉnh, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang bị thúc ép khá “căng” về tiến độ. Đây cũng là dự án phải lùi thời điểm khởi công từ quý IV-2019 sang mãi tháng 7-2020 do chưa có mặt bằng. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải, đơn vị quản lý dự án này) cho hay, do trước đây đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chỉ quy hoạch 4 làn xe, sau đó Quốc hội phê duyệt lên 6 làn xe, vì vậy đơn vị phải làm lại hồ sơ điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi.

“Từ năm 2014, dự án đã được cắm cọc mốc bàn giao cho địa phương để giải phóng mặt bằng. Nhưng sau này, khi thay đổi thiết kế từ 4 làn xe lên 6 làn xe thì phải làm lại hồ sơ, điều chỉnh cọc mốc mất khá nhiều thời gian” - ông Lâm nói.

Chiều dài đi qua địa phận Đồng Nai của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 51,5km, theo tính toán của chủ đầu tư thì diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng đường cao tốc vào khoảng 490 hécta. Cũng theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, hiện nay đang ở bước bàn giao cọc mốc mới của dự án để địa phương thực hiện việc đền bù và thu hồi đất. Giữa tháng 4 vừa qua, Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để thống nhất phương án giải phóng mặt bằng cho kịp tiến độ khởi công.

* Cùng nhau gỡ khó

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên địa bàn Đồng Nai đang ở trong tình trạng mặt bằng hiện vẫn còn vướng 116 hộ chưa bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công do chưa giải quyết xong một số thủ tục trong công tác bồi thường.

Cụ thể, tại huyện Nhơn Trạch, các gói thầu A5 còn vướng 3 trường hợp, gói thầu A6 vướng 42 trường hợp. Ở huyện Long Thành (thuộc gói thầu A7) còn 71 trường hợp. Các trường hợp này nguyên nhân chậm bàn giao mặt bằng là do đất đang vướng tranh chấp, khiếu nại về đơn giá bồi thường và tái định cư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho hay, ở dự án này, nếu được bố trí tiền bồi thường sớm ngay từ ban đầu thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ không bị chậm trễ đến hôm nay. “Với dự án này, tỉnh rất chủ động và đã làm hết các thủ tục hồ sơ bồi thường nhưng nhà đầu tư không bố trí được tiền để chi trả, sau này phải làm lại hồ sơ nên thời gian đã kéo dài” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nói.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giao cắt với quốc lộ 1 tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc

Trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Bộ Giao thông - vận tải mới đây nhằm xử lý tình trạng vướng mắc về mặt bằng cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cả UBND tỉnh lẫn Bộ Giao thông vận tải đều cho rằng, xét thực tế khối lượng công việc của dự án còn khá lớn và khó có thể hoàn thành trước ngày 1-6 như chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh và Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã nhất trí xin lùi thời gian đến giữa tháng 6 và tại thời điểm đó phải cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư để triển khai thi công đồng loạt.

Với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải bàn giao mốc giải phóng mặt bằng đúng theo kế hoạch cho các địa phương thì mới có thể đáp ứng được tiến độ thực hiện công tác tiến hành bồi thường. “Bàn giao mốc giải phóng mặt bằng chậm chừng nào thì công tác giải phóng mặt bằng sẽ chậm theo chừng đó” - Phó chủ tịch tỉnh nhấn mạnh. 

Chiều dài đi qua địa bàn huyện Xuân Lộc của tuyến cao tốc này là gần 32km với diện tích đất phải thu hồi cho dự án 274 hécta. Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho biết, diện tích đất dự án điều chỉnh tăng so với quy hoạch được duyệt trước đây lên đến gần 38 hécta. Vấn đề này UBND huyện cũng đã báo cáo với UBND tỉnh xin chấp thuận chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất giao thông, đồng thời cũng xin chủ trương chấp thuận cho huyện lập thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đối với diện tích tăng thêm gần 38 hécta cần phải thu hồi này. Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Xuân Lộc thì dự án này còn phải bố trí tái định cư cho 25 hộ dân, đây cũng là phần việc cần phải được bố trí sớm vốn để thực hiện. 

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, về phần vốn, dự án cũng đã được phân khai chi tiết theo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2019. Cụ thể như tiền cho giải phóng mặt bằng là 800 tỷ đồng, trong đó phần cho Đồng Nai là 470 tỷ đồng. Các khoản khác như chi phí tư vấn, chi phí rà phá bom mìn cũng đã được bố trí sẵn sàng.

Vân Nam

Tin xem nhiều