Vườn cà chua trong nhà màng của anh Phạm Phú Cường nằm ở xã vùng sâu Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) nhưng vẫn thu hút được nhiều khách ghé thăm, chọn mua rau sạch. Hiện anh Cường đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng trồng rau sạch vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu.
Vườn cà chua trong nhà màng của anh Phạm Phú Cường nằm ở xã vùng sâu Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) nhưng vẫn thu hút được nhiều khách ghé thăm, chọn mua rau sạch. Hiện anh Cường đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng trồng rau sạch vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu.
Anh Phạm Phú Cường giới thiệu vườn cà chua trồng trong nhà màng ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên |
* Mê làm rau sạch
Anh Cường kể: “Gốc gia đình tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên bước đầu lập nghiệp, tôi vẫn giữ nghề này của gia đình. Tuy thu nhập tốt nhưng tôi vẫn thử nghiệm trồng nhiều loại rau quả khác vì mê làm rau sạch”. Anh Cường từng giăng mùng chống muỗi, côn trùng để trồng thử nghiệm 100 cây cà chua theo hướng an toàn. Quan sát thấy cây cà chua trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất cao, chất lượng ngon, anh quyết định đầu tư nhà màng để làm rau sạch.
Anh Cường đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng để làm khoảng 3.300m2 nhà màng trồng rau sạch. Trong đó, anh trồng được nhiều giống rau mà xưa nay nông dân vùng này chưa trồng như: cà chua, ớt chuông, dưa lưới... Từ sản xuất theo cách truyền thống chuyển sang làm rau sạch công nghệ cao, anh phải bỏ nhiều công học hỏi, tìm hiểu những kỹ thuật mới. Trong đó, những đợt thử nghiệm bước đầu không phải lúc nào cũng thành công nhưng anh không nản chí. Vì với chàng thanh niên này, trồng rau sạch không chỉ giữ cho môi trường trong lành nơi gia đình mình sinh sống mà còn là niềm vui làm ra sản phẩm an toàn cho mọi người cùng sử dụng.
Với nguồn động lực này, anh không ngại thử nghiệm trồng những loại rau trái mới, từ những loại rau khá thân thuộc như: dưa leo, xà lách, cà chua đến những sản phẩm ít phổ biến hơn như: dưa lưới, ớt chuông, cà rốt... Theo anh Cường, để trồng thành công nhiều giống rau của vùng ôn đới ở xứ nóng, việc chọn đúng loại giống phù hợp rất quan trọng. Cụ thể, anh chọn trồng các giống cà chua chịu nhiệt nhập khẩu từ Nhật Bản, Israel với giá cao hơn nhiều so với nguồn hạt giống từ xứ lạnh Đà Lạt.
* Làm hàng xuất khẩu
Hơn 2 năm đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao, anh Cường luôn giữ quan niệm làm rau sạch nhưng giá phải hợp lý để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Theo đó, những khách hàng đầu tiên của vườn rau công nghệ cao này chính là những người dân quê ngay tại địa phương.
“Tôi lập trang mạng xã hội Facebook Rau sạch Phú Cường để quảng bá rộng rãi sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng. Từ một tiệm tạp hóa nhỏ cách vườn vài cây số cho đến khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt 5-7kg cà chua, rau sạch, tôi đều bỏ công gởi hàng cho họ” - anh Cường cho biết. Hiện nay, vườn rau sạch của anh Cường đã có rất nhiều đại lý bán hàng là các trang Facebook cá nhân, nhiều cơ quan nhà nước, trường học cũng trở thành khách quen.
Anh Cường vui vẻ khoe: “Ngoài khách hàng tại địa phương, tôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các cửa hàng rau sạch, siêu thị, đặc biệt đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Tôi đang hợp tác với một số người bạn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng, đăng ký thành lập hợp tác xã để trồng rau sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu”.
Bình Nguyên